Suốt 8 năm thăng trầm cùng Eximbank, chưa khi nào anh Nguyễn Trung lại lo lắng cho số cổ phiếu EIB mà anh đang nắm giữ đến vậy. Quá nhiều thông tin về Eximbank khiến giá cổ phiếu của ngân hàng này chao đảo và khó đưa ra quyết định bán hay giữ trong thời điểm này. Điều mà anh muốn xác nhận đó là thông tin sẽ sáp nhập với NamABank mà thị trường đang bàn tán.
“Trước đây khi Eximbank có dính tới đại án của Nguyễn Đức Kiên, Sacombank tôi cũng không thấy lo lắng như bây giờ. Tôi không hình dung được một ngân hàng thuộc top 5 của ngân hàng cổ phần lại không thể vực dậy trước khó khăn và có tin có thể sáp nhập với một ngân hàng nhỏ khác. Nếu chuyện này xảy ra, tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu của hai ngân hàng này sẽ thế nào?”, anh Trung băn khoăn.
Ngợp trong nỗi lo trước đại hội
“Lột xác” sau cuộc tái cơ cấu, Eximbank ngày càng khẳng định vị thế của mình và luôn nằm trong nhóm 5 ngân hàng cổ phần lớn trên thị trường với quy mô tương đương Sacombank, ACB, MB, Techcombank…
Tuy nhiên, từ năm 2011, Eximbank dường như lại tự mình rơi vào khủng hoảng khi nhiều chỉ số như lợi nhuận, tổng tài sản liên tục đi xuống. Năm 2011, tổng tài sản của ngân hàng từ mức 183.567 tỷ đồng, giảm xuống chỉ còn 161.103 tỷ đồng vào cuối năm 2014. Trong khi đó thì ngân hàng khác như Sacombank, MB có tài sản liên tục tăng mạnh.
Lợi nhuận cũng theo chiều hướng đi xuống. Từng là gương mặt thường trực trong “câu lạc bộ nghìn tỷ lợi nhuận” của hệ thống ngân hàng, sau 2 năm, Eximbank “rớt đài” tụt xuống 828 tỷ đồng trong năm 2013, rồi xuống 69 tỷ đồng trong năm 2014.
Không những thế, dự kiến cổ tức năm 2014 của Eximbank là 8,5% đến nay vẫn chưa tạm ứng đợt nào cho cổ đông.
Cùng với sự tụt dốc là tin đồn sẽ sáp nhập với NamABank khiến không ít cổ đông của ngân hàng này bị sốc.
Anh Trung cho biết anh đã gửi thư về HĐQT Eximbank để nhận được câu trả lời chính xác về thương vụ này.
Câu chuyện Eximbank đã tác động tới cổ đông của nhiều ngân hàng và trào lưu săn tin trước đại hội cổ đông ngân hàng đã rộ lên.
Anh Nguyễn Tuấn Anh, cổ đông của OceanBank, cũng đang ngồi trên “đống lửa” khi bỗng dưng ngân hàng này rơi vào khủng hoảng và cổ phiếu gần như đóng băng. Giao dịch không có và thông tin về tái cơ cấu của ngân hàng này cũng không mấy tích cực.
“Nếu OceanBank thuộc diện bị Ngân hàng Nhà nước mua với giá 0 đồng thì toàn bộ số tiền tôi đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng này bị mất trắng. Tôi đang hy vọng OceanBank sẽ được một ngân hàng nào đó mua lại, dù có mất, nhưng vẫn còn ít tài sản”, anh Tuấn Anh tâm sự.
Theo anh Tuấn Anh, nhiều cổ đông của OceanBank đã liên hệ với anh để liên kết “săn tin” trước đại hội cổ đông. Hiện OceanBank vẫn chưa có kế hoạch đại hội cổ đông, nên nhiều cổ đông càng lo lắng.
Nhộn nhịp tin sáp nhập
Trong khi cổ đông nhiều ngân hàng “đứng ngồi không yên” thì cổ đông của một vài ngân hàng lại hoan hỉ chờ đợi thông tin tích cực được công bố trong dịp đại hội cổ đông tới đây.
Gây bất ngờ nhất có lẽ là tin về HDBank. Theo nguồn tin riêng, HDBank đang tìm kiếm ngân hàng để sáp nhập vào hệ thống. Hiện có vài ngân hàng nhỏ hơn ở trong TP.HCM đang được ngân hàng này tìm hiểu.
Nếu HDBank chưa nhận DaiABank vào hệ thống thì câu chuyện này cũng bình thường trong chương trình tái cơ cấu của hệ thống. Tuy nhiên, năm 2013, HDBank đã nhận DaiABank vào hệ thống và từ đó, HDBank ngày càng lớn mạnh.
“Việc HDBank có khả năng nhận thêm một ngân hàng nữa vào hệ thống là điều đáng mừng. Điều đó chứng tỏ HDBank đang khỏe và có khả năng mở rộng quy mô cũng như mạng lưới hoạt động của mình”, Ts. Cao Sỹ Kiêm, chủ tịch HĐQT DongABank, bình luận.
Dự kiến đại hội cổ đông của Eximbank (ngày 22/4) và NamABank tới đây cũng sẽ “nóng” thông tin sáp nhập. Câu chuyện "cá bé" nuốt "cá lớn" cũng sẽ gây tranh cãi và bức xúc cho không ít cổ đông của Eximbank trong đại hội tới.
Một thông tin sáp nhập cũng đang được thị trường chờ đợi, đó là DongABank và ABBank. Đây là 2 ngân hàng đang tự nguyện tìm hiểu nhau. Câu chuyện giữ lại thương hiệu nào và chiến lược phát triển ra sao sẽ “nóng” trong đại hội cổ đông sắp tới của 2 ngân hàng này.
Thông tin sáp nhập PGBank vào Vietinbank cũng đang được thị trường nghe ngóng. Mặc dù Vietinbank khẳng định sẽ nhận PGBank vào hệ thống, nhưng thời điểm công bố vẫn chưa được đưa ra. Theo ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc Vietibank, hiện vẫn chưa đến thời điểm thích hợp để công bố. Có lẽ phải đợi đến đại hội cổ đông của ngân hàng vào giữa tháng 4 tới.
Ngoài ra, một số thông tin sáp nhập như Saigonbank sẽ về Vietcombank, MHD sẽ về BIDV, Southernbank về Sacombank, MDB về MaritimeBank… cũng sẽ được là tâm điểm trong những cuộc đại hội sắp tới.
Dự kiến, tháng 4 tới, thị trường sẽ ngập trong thông tin sáp nhập ngân hàng. Và cổ đông không ít kẻ buồn, người vui…
Theo Bizlive