Tính đến cuối năm 2014, số dư huy động vốn của Eximbank đạt 101.371 tỉ đồng, tăng 27,6% |
Bức tranh “sạch”
Nguyên do của mức lợi nhuận thấp là Eximbank đã trích lập dự phòng rủi ro tín dụng chỉ riêng quí cuối cùng của năm 2014 tới 589 tỉ đồng (so với 120 tỉ đồng của quí 4-2013) - mức cao nhất của một quí và của cả năm trong vòng năm năm qua. Bước đi này đã giúp ngân hàng có nguồn xử lý nợ xấu, đưa tỷ lệ nợ xấu từ nhóm 3 trở xuống về 2% tổng dư nợ.
Nếu những năm trước Eximbank cũng phân loại nợ, trích lập đúng và đủ các khoản dự phòng rủi ro, thì hẳn nhiên mức trích lập đã không dồn tụ và trở thành gánh nặng như quí vừa rồi. Trích lập nhiều, Eximbank đã xử lý gần hết các khoản nợ còn treo từ năm trước. Từ đây hoạt động tín dụng sẽ có đà để đi lên trong năm 2015.
Tuy nhiên trích lập dự phòng chưa phải là điểm nhấn duy nhất của một bảng cân đối “sạch”. Hãy thử nhìn vào các dữ liệu khác đi kèm được báo cáo tài chính mới nhất chỉ ra.
Thứ nhất, tiền gửi của khách hàng đã tăng mạnh. Số dư huy động vốn vào ngày 31-12-2014 đạt 101.371 tỉ đồng so với con số 79.472 tỉ đồng cùng kỳ, tăng 21.900 tỉ đồng, tương đương 27,6%. Trong khi tiền gửi từ tổ chức kinh tế và dân cư được nâng lên, tiền vay các tổ chức tín dụng khác giảm với tốc độ mạnh từ 30.209 tỉ đồng xuống 11.489 tỉ đồng, tức giảm 62%.
Tiền vay mượn các tổ chức tín dụng khác về bản chất là tiền từ liên ngân hàng có kỳ hạn ngắn và lãi suất một số thời điểm khá linh hoạt. Thông thường người ta chỉ sử dụng các khoản vay liên ngân hàng để bù đắp thanh khoản. Dùng tiền vay các tổ chức tín dụng khác để cho vay có thể tận dụng được chênh lệch lãi suất, nhưng có thể gặp phải rủi ro kỳ hạn. Năm qua, Eximbank đã chủ động tháo gỡ cơ cấu huy động vốn, thay vốn vay liên ngân hàng bằng tiền huy động từ dân cư và sự thay đổi này, rõ ràng, làm cơ cấu vốn huy động bền chắc hơn.
Thứ hai, mặc dù dư nợ cho vay tính đến hết năm 2014 chỉ tăng 4,6%, từ mức 83.354 tỉ đồng lên 87.146 tỉ đồng, song tỷ lệ cho vay trên huy động đã được đưa về mức an toàn. Cuối năm 2013, tỷ lệ cho vay/huy động của Eximbank “nhấp nháy đèn đỏ” đứng trong tốp nhận cảnh báo khi vươn tới mức 105%. Nói nôm na, Eximbank huy động được 100 đồng, thì đã cho vay tới 105 đồng (trong 100 đồng huy động chưa tính dự phòng thanh khoản, dự trữ bắt buộc theo quy định). Nay tỷ lệ trên đã được dời về 86%. Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo tỷ lệ cho vay/huy động của các ngân hàng cổ phần chỉ nên ở mức 80% và Eximbank sẽ còn phải phấn đấu giảm thêm.
Thứ ba, tổng tài sản đã phục hồi về 162.512 tỉ đồng, vẫn còn thấp hơn khoảng 5% so với cuối năm 2013 nhưng đã cao hơn tầm 30.000 tỉ đồng so với số liệu Báo cáo tài chính bán niên có soát xét được công bố giữa năm 2014. Thời gian trước tổng tài sản của Eximbank đã từng bị “gãy” nặng sau khi tiền gửi bằng vàng không còn được tính vào tổng vốn huy động. Để khỏa lấp khoảng trống tổng tài sản do vàng, Eximbank sử dụng vốn vay liên ngân hàng. Nay nguồn vay liên ngân hàng không còn, tổng tài sản, do đó, trở nên thực chất hơn.
Sumitomo kiên nhẫn chung đường
Ngồi trong ghế thành viên hội đồng quản trị, đại diện của Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) - cổ đông chiến lược đang nắm giữ 15% cổ phần Eximbank - đã tán thành kế hoạch kinh doanh 2015 với lợi nhuận trước thuế 2.600 tỉ đồng. Một năm không có cổ tức đối với SMBC không phải là điều dễ chịu, nhưng họ hiểu để không còn bị quá “vướng chân” vì nợ xấu, cổ đông lớn cũng phải “hy sinh” ít nhiều. Họ ủng hộ chủ trương trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ.
Trong làn sóng các đối tác ngoại rút chân khỏi một số ngân hàng Việt, SMBC khẳng định đầu tư lâu dài vào Eximbank. Bằng chứng là bảy năm qua cổ đông Nhật Bản đã hỗ trợ kỹ thuật cho ngân hàng ở mảng công nghệ, thông tin, quản trị rủi ro. Họ cũng hỗ trợ Eximbank những khoản tín dụng ưu đãi, tập trung kết nối doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam; cho vay mua nhà ở với chất lượng dịch vụ Nhật; liên kết cho vay mua xe với các hãng xe Nhật; các tiện ích thanh toán công cộng tới đây như metro, xe buýt, trạm xăng, cửa hàng tiện lợi... Họ cam kết là người đồng hành kiên nhẫn của ngân hàng.
Niềm tin nào cũng phải vượt qua thử thách thời gian! Ít nhất SMBC đã không đặt niềm tin lạc chỗ. Chỉ trong tháng 1-2015, lợi nhuận trước thuế của Eximbank đã đạt 215 tỉ đồng và có khả năng tới 600 tỉ đồng ngay trong quí 1 cho dù có 10 ngày gián đoạn nghỉ Tết Nguyên đán. Một chế độ khen thưởng liên quan đến thu nhập của cán bộ công nhân viên được áp dụng đối với các chi nhánh, phòng giao dịch đạt lợi nhuận vượt mức đăng ký. Tất nhiên lợi nhuận không đứng chơ vơ, nó đi kèm với các chỉ tiêu được kiểm soát chặt chẽ về nợ xấu, huy động, cho vay, doanh số bán lẻ, chất lượng dịch vụ...
Eximbank có chiến lược sáp nhập?
Được hỏi về vấn đề này, phía Eximbank cho biết hiện tại họ chưa nhận được đề nghị hợp nhất, sáp nhập từ bất cứ ngân hàng nào. Cái tên Eximbank cho đến nay không gắn với bất cứ cá nhân nào. Ở phương diện này Eximbank là ngân hàng đại chúng và ngân hàng đại chúng trước hết phải là một ngân hàng “sạch”, kinh doanh hiệu quả và minh bạch.
Một trong những lợi thế của cạnh tranh ngân hàng là quy mô. Trong bức tranh toàn cảnh thị trường tài chính ngân hàng hiện nay, với những kế hoạch sáp nhập đã được biết trước khiến một số ngân hàng sẽ có bước đột biến về quy mô, hiển nhiên Eximbank cũng phải tính đến việc này. Hiện chưa biết trước được chiến lược của Eximbank, nhưng với định hướng và cách thức điều hành vừa qua, có thể thấy dù có sáp nhập thì cái tên Eximbank sẽ được giữ nguyên.
Theo TBKTSG