Theo tin của Reuters, Lầu Năm Góc ngày 24/6 xác nhận Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt ba thương vụ bán vũ khí tiềm năng riêng biệt cho Philippines, bao gồm máy bay chiến đấu F-16, tên lửa không – không Sidewinder và tên lửa Harpoon với tổng số tiền hơn 2,5 tỉ USD. Bản tin của Reuters phân tích cho rằng động thái này có thể nhằm mục đích ngăn chặn Bắc Kinh tiếp tục bành trướng ở châu Á. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ thường phê duyệt trước việc mua bán vũ khí trước khi hoàn tất, vì vậy không có nghĩa là hợp đồng đã chính thức được ký kết. .
Lầu Năm Góc cho biết Philippines đã yêu cầu mua 10 máy bay chiến đấu F-16C Block 70/72 và 2 máy bay chiến đấu F-16D Block 70/72 do hãng Lockheed Martin sản xuất. Trong hợp đồng lên tới 2,43 tỉ USD này, bao gồm các nội dung khác như phụ kiện và đào tạo.
Ngoài ra, Lầu Năm Góc cũng xác nhận rằng Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua việc bán 12 tên lửa Harpoon Block II không đối đất, bao gồm 2 tên lửa huấn luyện, các linh kiện và thiết bị. Lô tên lửa này do hãng Boeing sản xuất, có tổng trị giá 120 triệu USD. Một thương vụ bán vũ khí khác đã được phê duyệt là 24 tên lửa chiến thuật AIM-9X Block II do Raytheon sản xuất, trong đó có 24 đạn huấn luyện và các linh kiện với tổng giá trị khoảng 42,4 triệu USD.
Philippines sẽ được nhận phi đội 12 chiếc F-16 Block 70/72 hiện đại (Ảnh: Reuters). |
Mặc dù Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông qua nhưng điều này không có nghĩa là hợp đồng đã được ký kết hoặc các cuộc đàm phán mua bán vũ khí đã hoàn tất. Bởi vì, thông thường trong giai đoạn đấu thầu, Bộ Ngoại giao sẽ phê duyệt việc bán vũ khí trước khi xuất hiện nhà thầu cuối cùng.
Reuters chỉ ra rằng Philippines hiện đang tìm kiếm các máy bay chiến đấu đa chức năng mới và đang đánh giá xem nên chọn tiêm kích F-16 của Mỹ hay chiến đấu cơ JAS39 Gripen của Tập đoàn Saab Thụy Điển. Vào lúc Lầu Năm Góc thông báo về sự chấp thuận bán vũ khí của Bộ Ngoại giao, Mỹ đang đàm phán với Philippines để gia hạn thỏa thuận đóng quân của Mỹ tại nước này. Đối với Mỹ, việc duy trì các hoạt động quân sự ở Philippines sẽ giúp họ ngăn cản Bắc Kinh mở rộng hoạt động ở châu Á.
Theo phân tích của Reuters, Hiệp định các lực lượng viếng thăm (Visiting Forces Agreement, VFA) kí kết giữa Mỹ và Philippines quản lý việc luân chuyển, triển khai hàng nghìn lính Mỹ tại Philippines. Việc duy trì sự luân chuyển của quân đội Mỹ này sẽ không chỉ giúp ích cho quốc phòng của Philippines mà còn giúp Mỹ về mặt chiến lược để chống lại hành vi ngày càng cứng rắn của Trung Quốc trong khu vực.
Trên thực tế, Philippines gần đây đã quyết định lần thứ ba hoãn lại việc chấm dứt “Hiệp định các lực lượng thăm viếng” Mỹ - Philippines (VFA). Thỏa thuận này ban đầu được cho là sẽ bị hủy bỏ vào tháng 8/2020. VFA cung cấp cơ sở pháp lý cho quân đội Mỹ thay nhau ra vào Philippines để thúc đẩy quan hệ và tập trận. Hiệp định quân sự song phương quan trọng nhất này giữa Hoa Kỳ và Philippines đã có lịch sử 20 năm.
Eric Sayers, một học giả thỉnh giảng tại Viện nghiên cứu American Enterprise Institute (AEI), một tổ chức tư vấn của Mỹ, cho rằng: bằng việc chấp thuận bán vũ khí cho Manila, Washington muốn cho Philippines thấy họ mới là đối tác ưu tiên hàng đầu của Philippines trong hợp tác an ninh. Đặc biệt, Tổng thống Duterte của Philippines không chỉ tích cực tìm cách phát triển quan hệ ngoại giao chặt chẽ hơn với Bắc Kinh, mà còn thường xuyên chỉ trích chính sách đối ngoại của Mỹ. Chỉ vào năm 2020, do Mỹ từ chối cấp thị thực cho một thượng nghị sĩ và là đồng minh chính trị của ông, Duterte đã thẳng thừng tuyên bố chấm dứt VFA. Tuy nhiên, cuối cùng đã ba lần hoãn lại việc chấm dứt này.
Ông Eric Sayers nói rằng việc bán vũ khí là một bước đi trong một loạt kế hoạch chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của Bắc Kinh. Lockheed Martin nói rằng các chiến cơ F-16 sẽ giúp tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Philippines và cũng cho phép Manila gia nhập đại gia đình F-16 ở Đông Nam Á.
Ông Gregory B. Poling, chuyên gia an ninh hàng hải tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng lời phàn nàn thường xuyên nhất của ông Duterte là Mỹ không cung cấp cho Philippines các thiết bị quân sự chất lượng cao. Poling nói: "Tôi cho rằng trong vòng 6 tháng, Mỹ sẽ tìm cơ hội để chứng minh rằng quan điểm của ông Duterte là sai".
24 tên lửa chiến thuật AIM-9X Block II do Raytheon sản xuất cũng sẽ được Mỹ bán cho Philippines lần này (Ảnh: ASDnews). |
Trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 25/6 nhận xét, Philippines một lần nữa đình chỉ việc chấm dứt thỏa thuận thăm quân sự song phương (VFA) với Mỹ vào tuần trước, vốn ban đầu dự kiến sẽ hết hạn vào tháng 8, và Mỹ đang tìm cách gia hạn thỏa thuận với Philippines. Phân tích chỉ ra rằng thỏa thuận này là một thỏa thuận chiến lược quan trọng đối với Washington, đặc biệt là để đối phó với các hoạt động mở rộng của Trung Quốc ở châu Á. Việc Mỹ bán vũ khí cho Philippines vào lúc này chính là cách Washington bày tỏ thiện chí và sát cánh với Manila trong việc ngăn chặn hành động cưỡng chế của Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo các tư liệu công khai, Không quân Philippines hiện có 15 ngàn binh sĩ với trang bị rất hạn chế, bao gồm 12 máy bay chiến đấu FA-50 của Hàn Quốc, 8 máy bay cường kích OV-10 của Mỹ, 6 chiếc A-29 Super Tucano của Brazil, 5 máy bay vận tải C-130, một số máy bay cánh quạt cỡ nhỏ và mấy chục trực thăng UH-1, UH-60, S-76, Bell 205...Trước đây, Philippines có một số chiến đấu cơ F-5A/B nhưng đã hết niên hạn sử dụng. Vì vậy, phi đội chiến đấu cơ F-16 sắp nhận của Mỹ sẽ trở thành lực lượng xương sống của Không quân nước này. Mẫu F-16 Block 70/72 là phiên bản mạnh nhất của dòng chiến đấu cơ nổi tiếng này, chúng được coi đủ sức đối đầu với loại Su-35S mà Nga bán cho Trung Quốc.