Phó GĐ Bệnh viện Từ Dũ tư vấn: Phụ nữ mang thai mắc COVID-19 chắc chắn phải đối diện nguy cơ gì?

VietTimes – Một trong những mối quan tâm nhức nhối hiện nay ở phụ nữ có thai chính là nỗi lo nhiễm COVID-19 và những ảnh hưởng của nó đến thai kỳ. BS.CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi – nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) tư vấn.
BS.CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ giải đáp nỗi lo của các mẹ bầu F0 - Ảnh: BVCC
BS.CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ giải đáp nỗi lo của các mẹ bầu F0 - Ảnh: BVCC

Phóng viên: - Thưa bác sĩ, xin được có lời chúc tốt đẹp nhất tới sức khỏe của bác sĩ cùng các đồng nghiệp trong ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3. Các bác sĩ ở Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương và Bệnh viện Từ Dũ đều đã có rất nhiều kinh nghiệm từ trong đại dịch COVID-19, với việc cứu sống nhiều mẹ bầu và phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ không may trở thành F0. Xin được hỏi ý kiến của bác sĩ về các mẹ bầu khi bị mắc COVID-19 liệu có làm tăng nguy cơ tiến triển nặng hay không?

BS.CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi: - Qua thực tế theo dõi và điều trị các bệnh nhân COVID-19 ở thời điểm đỉnh dịch xảy ra tại TP.HCM, cũng như các nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới và ở Việt Nam đều chưa có bằng chứng, chưa đủ cơ sở dữ liệu cho thấy khi người phụ nữ có thai mắc COVID-19 có thể gây các bất thường về thai.

Tuy nhiên, nếu người phụ nữ có thai mắc COVID-19 mà chưa được chích ngừa thì có nguy cơ bị tiến triển nặng lên.

Đặc biệt, ở tuần tuổi thứ 28 trở đi của thai kỳ, khi bụng đã lớn rồi thì thường là việc mắc COVID-19 sẽ làm cho quá trình thai nghén của người phụ nữ trở nên khó khăn hơn. Trước kia, khi chưa được tiêm đủ vaccine thì phụ nữ có bầu mắc COVID-19 phải nhập viện và cũng đã khá nhiều trường hợp tử vong vì COVID-19 hoặc bị trở nặng.

Thời điểm hiện tại thì chúng ta đã phủ vaccine nhiều rồi, nên chắc cũng không có những trường hợp tiến triển nặng như trước nữa. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể coi thường vì cũng chưa biết hết các biến chủng mới nguy hiểm đến mức nào. Hơn nữa, tất cả các vaccine thường thường đều được phê duyệt khẩn cấp. Cho nên chúng ta cũng chưa đánh giá được hết.

Vì vậy, thứ nhất là nếu phụ nữ có thai test nhanh, hoặc thử PCR mà có kết quả dương tính với mức CT dưới 30, thì cũng nên bình tĩnh. Thứ hai, nếu có sốt, đau nhức mình mẩy thì có thể sử dụng các thuốc hạ sốt, giảm đau. Thứ ba, cần tăng cường sức đề kháng cơ thể với vitamin C bằng cách uống nước chanh, nước cam. Thứ tư, cần tuân thủ 5K. Thứ 5, cần ở trong những khu vực thông thoáng, tách riêng với người nhà.

Hiện nay, chỉ có các F0 bệnh nặng mới đưa vào bệnh viện cách ly, còn các F0 thể nhẹ, F0 không triệu chứng đều được tự cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà.

Nếu thấy có những bất thường như đau bụng từng cơn, ra huyết, ra nước, thai máy ít, yếu đi thì phải vô bệnh viện vì đó có thể là biểu hiện về tình trạng của thai. Hoặc với các triệu chứng của mẹ như sốt cao, khó thở… thì cũng nên vô bệnh viện để được khám, theo dõi vì các ca này có thể rơi vào tình trạng chuyển nặng, suy hô hấp.

Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) tư vấn về nguy cơ các mẹ bầu thành F0 phải đối mặt

Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) tư vấn về nguy cơ các mẹ bầu thành F0 phải đối mặt

*Thưa bác sĩ, vậy có thể phân biệt được kỹ hơn khi phụ nữ có thai mắc COVID-19 ở đầu thai kỳ khác với việc nhiễm bệnh ở cuối thai kỳ ở những điểm nào?

BS.CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi: - Đối với đầu thai kỳ, thường thường chúng tôi quan tâm tới 12 tuần tuổi của thai kỳ. Như quy định của Bộ Y tế thì các phụ nữ có thai đến tuần tuổi thứ 13 của thai kỳ mới được phép chích ngừa. Như trước đây, nếu có nhiễm siêu vi trong 12 tuần đầu của thai kỳ thì sẽ gây nên mối lo rằng liệu các siêu vi này có tác động lên những giai đoạn rất quan trọng của thai kỳ hay không.

Cho tới thời điểm hiện tại, theo các cơ sở dữ liệu nghiên cứu khoa học đã cho thấy chưa có nhiều bằng chứng về việc nhiễm COVID-19 có thể gây các bất thường cho thai, sẩy thai hoặc các hậu quả khác hay không. Không thể khẳng định được về điều này. Tuy nhiên, ngay cả khi không nhiễm COVID-19 thì phụ nữ có bầu đã có thể xét nghiệm sàng lọc để xác định toàn bộ các bất thường của thai nhi.

Virus rubella thì có thể gây ra những bất thường về thính lực cho thai nhi, hoặc dẫn tới mù mắt, nên nếu không may bị nhiễm trong giai đoạn dưới 12 tuần tuổi thì chắc chắn phải bỏ thai, nhưng virus SARS-CoV-2 thì khác, cho đến thời điểm hiện tại, chưa đủ cơ sở khoa học để kết luận chính xác về các bất thường mà SARS-CoV-2 có thể gây ra và cũng không có chỉ định bỏ thai.

Nếu bị nhiễm COVID-19 vào ba tháng cuối của thai kỳ, thì chắc chắn có khác. Nếu bị mắc COVID-19 ở giai đoạn này, hoàn toàn không sợ thai nhi có dị tật gì cả mà sợ cho quá trình hô hấp của bệnh nhân có thể bị ảnh hưởng nhiều.

Ngoài ra, mẹ bầu thành F0 ở giai đoạn cuối thai kỳ phải đối mặt nguy cơ sanh non. Vì lý do khi mẹ bầu nhiễm SARS-CoV-2 nhưng chưa được tiêm vaccine đầy đủ rất có thể rơi vào bối cảnh bị viêm phổi, suy hô hấp nặng. Vốn dĩ mắc COVID-19 đã khó thở rồi, còn cộng thêm việc đang mang thai thì việc chèn ép cơ hoành, gây ra giảm trao đổi khí sẽ càng nặng nề hơn. Do đó, em bé có thể sẽ phải sanh non để cứu sống người mẹ.

*Xin cảm ơn bác sĩ rất nhiều vì đã dành thời gian cho độc giả VietTimes!

Hoà Bình (thực hiện)

Hà Nội đánh giá mức độ lây nhiễm với biến chủng Omicron

07/03/2022