Giám đốc Bệnh viện phụ sản Hùng Vương lưu ý điều gì với các mẹ bầu F0

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết – Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương - đã dành cho VietTimes một cuộc trò chuyện trong ngày Tết Nhâm Dần 2022, nhấn mạnh các mẹ bầu cần lưu ý điều gì nếu bất ngờ trở thành F0.
TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện phụ sản Hùng Vương. Ảnh: HB
TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện phụ sản Hùng Vương. Ảnh: HB

99% bé sơ sinh nhận kết quả âm tính dù có mẹ F0

PV: - Trải qua một năm 2021 với những giai đoạn “đỉnh dịch” của TP.HCM, Bệnh viện Hùng Vương đã kiên cường trên tuyến đầu chống dịch, đặc biệt là việc chuyển đổi công năng và hỗ trợ tối đa cho các mẹ bầu F0. Là người điều hành toàn bộ guồng máy y bác sĩ chống dịch, xin bà cho biết những vấn đề căng thẳng nhất phải đổi mặt ở giai đoạn “đỉnh dịch”?

Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết: - Trong đợt dịch vừa qua, Bệnh viện Hùng Vương đã tham gia tất cả các mặt trận chống dịch của TP.HCM, từ hoạt động cộng đồng như lấy mẫu xét nghiệm, tiêm ngừa cộng đồng, đồng thời duy trì hoạt động chuyên môn tại bệnh viện, vừa phải phục vụ những bệnh nhân không nhiễm COVID-19. Bệnh viện đã tách đôi để có khu điều trị các thai phụ nhiễm COVID-19.

Vì có rất nhiều công việc mới phát sinh trong thời gian dịch bệnh, đáp ứng cho nhu cầu phòng chống dịch chung của ngành cũng như của thành phố, nên Bệnh viện lúc đó thực sự gặp rất nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn quan trọng nhất là con người. Bởi vì ở thời điểm đó thì nhân sự của Bệnh viện phải chia đi rất nhiều nơi, như tham gia các bệnh viện dã chiến của thành phố như Bệnh viện dã chiến Cần Giờ, Bệnh viện dã chiến số 2, Bệnh viện dã chiến số 16… Nhân sự được phân công đi tiêm ngừa cho người dân tại Nhà thi đấu Phú Thọ, tại các khu chế xuất, tại Bình Tân, Tân Phú… Chúng tôi cũng tham gia chiến dịch xét nghiệm để loại trừ F0 khỏi cộng đồng trên khắp thành phố. Đồng thời khu vực điều trị thai phụ nhiễm COVID-19 vẫn phải duy trì.

Mặt khác, ở thời điểm cao trào, nhân viên y tế bị nhiễm bệnh cũng khá nhiều. Đa phần nhiễm từ phía gia đình, buộc phải cách ly, cho nên số lượng nhân viên y tế thiếu hụt trầm trọng khi tham gia hết tất cả các mặt trận. Tuy nhiên, anh em chúng tôi quán triệt tư tưởng rằng, hơn bao giờ hết, đó chính là thời điểm người dân rất cần mình. Cho nên mỗi người ở từng vị trí đều cố gắng gồng gánh công việc, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, để mà có thể bước qua được hoàn cảnh ngặt nghèo.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất ở thời điểm đó, đặc biệt là khu điều trị COVID-19 thì bệnh viện cũng gặp muôn vàn khó khăn. Bệnh viện Hùng Vương là bệnh viện sản phụ khoa, nên các bệnh liên quan đến viêm phổi do virus, vi trùng hoặc hồi sức trước đây nếu có thì bệnh viện giải quyết vấn đề sản – phụ khoa trước rồi sau đó chuyển sang các bệnh viện chuyên khoa, cho nên vấn đề đầu tư trang thiết bị máy móc để có thể điều trị một số lượng lớn bệnh nhân cần hồi sức, cần điều trị viêm phổi thì hầu như bệnh viện không có.

Đầu mùa dịch, Bệnh viện chỉ có 1-2 máy thở lấy từ Khoa Nhi – Sơ sinh qua để hỗ trợ. Khi dịch lên cao trào, chúng tôi đã có thêm hàng chục máy thở để có thể điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Hệ thống y tế cũng được đáp ứng nhanh chóng để sử dụng các máy thở xâm lấn. Cho đến giờ, cả về mặt con người và vật chất, chúng tôi đều đã lấp đầy được khoảng trống đó.

Thời gian dịch bệnh, Bệnh viện Hùng Vương đã tiếp nhận điều trị tổng số 3.100 thai phụ nhiễm COVID-19. Đáng mừng là tỷ lệ tử vong chỉ có 0,2%. Kết quả này đã mang lại niềm vui không hề nhỏ cho các thai phụ cũng như các bé sơ sinh chào đời trong mùa dịch, tránh được tình trạng mồ côi mẹ ngay từ những ngày đầu sau sanh.

Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết cùng đồng nghiệp sát cánh chống dịch
Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết cùng đồng nghiệp sát cánh chống dịch

*Thưa bác sĩ, các em bé sinh ra từ mẹ F0 thường ở trong tình trạng như thế nào?

Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết: - Đối với các trẻ sơ sinh có mẹ là thai phụ nhiễm COVID-19, vào những giai đoạn dịch cao trào như hồi tháng 7,8,9/2021 ở TP.HCM, khi đó số lượng thai phụ nhiễm COVID-19 rất đông, hàng ngày bệnh viện đều tiếp nhận khoảng 50 thai phụ là F0; số thai phụ thường xuyên điều trị tại khu điều trị COVID-19 lên tới hơn 200 trường hợp mỗi ngày, có ngày lên tới 220 ca, trong khi đó, số giường bệnh của Khu điều trị COVID-19 lúc đầu chỉ bố trí là 120 giường, sau đó tăng lên 150, rồi 180 giường vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu.

Tại thời điểm đó, các em bé được sinh ra 100% đều được chuyển về Khoa Nhi – Sơ sinh, thực hiện cách ly chứ không để các bé bú mẹ. Bởi vì cơ sở vật chất tại thời điểm đó không thể đáp ứng được tính an toàn cho trẻ. Đồng thời, thời điểm đó, nhân sự cũng không đủ để có thể chăm sóc được cả mẹ F0 và bé sơ sinh. Các thai phụ nhiễm COVID-19 khi vào khu cách ly không có người nhà mà hoàn toàn phải do nhân viên y tế đảm nhận từ điều trị đến chăm sóc, ăn uống, nghỉ ngơi, tắm rửa cho thai phụ. Chỉ một điều kiện đảm bảo khoảng cách giữa 2 giường bệnh đủ 2 mét cũng đã là không thể. Vì vậy, điều kiện khi đó không thể đáp ứng được về tính an toàn khi cho bé da kề da với mẹ F0.

Để giảm lây nhiễm cho trẻ, các bé được chuyển về Khoa Sơ sinh để chăm sóc, cách ly với mẹ, được xét nghiệm PCR 2 lần để khẳng định là không nhiễm COVID-19. Nếu như không có gì cần can thiệp về mặt sơ sinh, thì các trẻ sau khi xét nghiệm xong sẽ được người nhà đón về nuôi dưỡng, chờ đến lúc mẹ khỏi bệnh sẽ được xuất viện về nhà. Còn các bé phải can thiệp sơ sinh như suy hô hấp, hoặc nhiễm trùng sơ sinh, trẻ non tháng sẽ được bệnh viện điều trị cho đến khi nào ổn thì báo người nhà đến đón về. Tại thời điểm đó, vì dịch bệnh nên việc đi lại của người nhà cũng rất khó khăn. Tình trạng trẻ sơ sinh bị ùn ứ tại Khoa Sơ sinh rất trầm trọng.

Còn đến hiện giờ, khi số lượng thai phụ nhiễm COVID-19 đã giảm rất nhiều, đảm bảo khoảng cách giữa các giường bệnh trên 2 mét và nhân viên y tế có đủ lực lượng để chăm sóc cho cả mẹ và bé thì việc bé sơ sinh được sanh ra, nếu không cần can thiệp sơ sinh, các con được thực hiện da kề da, bú mẹ như các bé khác, được chăm sóc ngay tại khu cách ly. Hiện nay, điều kiện đảm bảo an toàn cho các bé đã tốt hơn rất nhiều.

*Thưa bác sĩ, chắc chắn mẹ bầu nào biết mình là F0 cũng mang một gánh nặng và áp lực quá lớn với ca sinh nở. Tuy nhiên, có thể thấy, theo dõi qua quá trình điều trị, hầu hết các bé sơ sinh có mẹ F0 đều nhận kết quả xét nghiệm âm tính?

Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết: - Đa số các bé âm tính. Tỷ lệ này lên tới hơn 99%. Các bé nếu có dương tính lên cũng chỉ ở thể rất nhẹ. Các bé chỉ nhận kết quả xét nghiệm dương tính thôi chứ không có bất cứ biểu hiện lâm sàng nào hết. Các con vẫn ăn ngủ bình thường, lớn bình thường như mọi trẻ khác. Tuỳ theo đáp ứng của mỗi cơ thể trẻ, nhưng thường thì việc âm tính trở lại cũng rất nhanh, chỉ trong vòng 2 tuần lễ.

Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết nhấn mạnh: "Điều quan trọng nhất là phải chích ngừa COVID-19".

Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết nhấn mạnh: "Điều quan trọng nhất là phải chích ngừa COVID-19".

Mẹ bầu cần lưu ý gì?

*Hiện nay, Hà Nội và nhiều tỉnh thành phía Bắc, số ca F0 đang tăng lên rất nhanh qua từng ngày. Thưa bác sĩ, xin bà có lời khuyên để các mẹ bầu không may trở thành F0 vẫn có thể giữ được bình an cho bản thân và phối hợp tốt nhất với y bác sĩ trong quá trình điều trị COVID-19 và cả với ca vượt cạn đảm bảo an toàn cho bé?

Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết: - Đối với thai phụ, tốt nhất nên thực hiện 5 K, hạn chế tụ tập, hội hè, ăn uống để đảm bảo không bị nhiễm COVID-19. Điều quan trọng nhất là phải chích ngừa COVID-19. Hiện nay, đa số các thai phụ đã được tiêm ngừa, tuy nhiên chúng tôi vẫn còn đang nhận được các trường hợp trở nặng, tới bệnh viện mà chưa được chích ngừa bất cứ mũi nào. Lời khuyên chân thành của tôi là các thai phụ có tuổi thai kỳ từ tuần thứ 13 trở đi rất nên tới cơ sở y tế để được chích ngừa đủ mũi vaccine COVID-19.

Trên thực tế, chúng tôi đã thấy việc chích ngừa COVID-19 cho thai phụ giúp giảm rõ rệt số lượng thai phụ mắc bệnh và chuyển nặng. 100% các trường hợp bị trở nặng đều là đối tượng chưa tiêm ngừa hoặc tiêm chưa đầy đủ mũi, hoặc chưa đủ thời gian sinh miễn dịch.

Ngoài thực hiện 5 K thì bên cạnh đó, thai phụ cần ăn đầy đủ chất, nhất là các loại rau củ quả tăng sức đề kháng của cơ thể. Còn nếu chẳng may bị nhiễm, thì quan trọng nhất là phải đến cơ sở y tế. Thai phụ nhiễm COVID-19 được xếp vào nhóm nguy cơ cao của các F0, vì vậy phải đến cơ sở y tế để được theo dõi và thực hiện một số biện pháp phòng ngừa bệnh trở nặng. Quan trọng nhất là tinh thần thai phụ đừng có quá hốt hoảng. Hiện nay, các cơ sở y tế đều đã có kinh nghiệm trong việc xử lý điều trị thai phụ nhiễm COVID-19 rồi. Khi nhập viện, nếu sanh, thai phụ hãy hết sức bình tĩnh để thực hiện đúng các hướng dẫn của nhân viên y tế, đảm bảo cho sức khoẻ của mẹ và bé đều thật tốt và an toàn.

*Thưa bác sĩ, trước đây, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc chích ngừa cho các mẹ bầu và phụ nữ đang nuôi con nhỏ bằng sữa mẹ. Theo ý kiến của bác sĩ các mẹ bầu và phụ nữ cho con bú nên tiêm vaccine vào giai đoạn nào thì hợp lý?

Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết: - Đối với mẹ bầu và phụ nữ đang cho con bú, nói một cách công bằng thì vaccine COVID-19 mới ra đời chừng 2-3 năm nay, cho nên cũng còn thiếu nhiều thông tin. Về lâu dài, sau đây mười hay hai mươi năm nữa, tác dụng của các vaccine này thế nào thì hiện nay con người vẫn chưa biết. Tuy nhiê, đứng trên phương diện cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ trong đại dịch hiện nay thì Tổ chức Y tế thế giới cũng như những Hiệp hội Sản – phụ khoa lớn trên thế giới và Bộ Y tế Việt Nam đều khuyến cáo tiêm ngừa COVID-19 lợi ích nhiều hơn nguy cơ. Vì vậy, cần thực hiện tiêm ngừa.

Trong quá trình mang thai, tiêm ngừa COVID-19 không bảo vệ 100% không bị nhiễm bệnh nhưng giảm hẳn việc lây nhiễm; giảm đáng kể tỷ lệ trở nặng. Lợi ích khác nữa là thai phụ được tiêm ngừa sẽ tạo ra kháng thể trong cơ thể, kháng thể này truyền cho em bé và bảo vệ bé từ bào thai. Như vậy, mẹ bầu tiêm ngừa có lợi ích kép khi vừa bảo vệ bản thân vừa bảo vệ được con mình.

Còn đối với phụ nữ cho con bú thì sau tiêm ngừa cũng tạo kháng thể và kháng thể này được truyền qua sữa mẹ, giúp bảo vệ em bé, duy trì trong suốt quá trình cho con bú. Vì vậy, các mẹ bầu cần suy nghĩ hết sức nghiêm túc về việc tiêm ngừa COVID-19 trong quá trình mang thai. Theo quy định của Bộ Y tế, thai phụ có tuổi thai từ 13 tuần trở lên, thời điểm này, thai đã tương đối ổn định thì mẹ bầu có thể tiêm ở bất cứ thời điểm nào cũng được. Với phụ nữ cho con bú, có thể tiêm ở bất cứ thời điểm nào thuận lợi.

Các nghiên cứu trên thế giới với một lượng mẫu rất lớn, ví dụ như tại Hoa Kỳ đã ghi nhận tỷ lệ sảy thai, đẻ non, thai dị tật bẩm sinh… với người tiêm ngừa cũng giống như những người bình thường. Có thể thấy, các nghiên cứu đã kết luận tiêm ngừa cho phụ nữ mang thai không gây tăng nguy cơ bất lợi về thai kỳ. Cân bằng giữa lợi ích và nguy cơ thì rất nên thực hiện tiêm ngừa. Đặc biệt là khi dịch đã trở thành đại dịch trên toàn cầu.

*Thưa bác sĩ, với phụ nữ đang cho con bú, có cần phải đợi sau ba tháng đầu sau sinh để thể lực tốt hơn rồi mới chích ngừa COVID-19?

Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết: - Việc chích ngừa COVID-19 không nên đợi. Sau sanh là có thể tiêm được. Tuy nhiên, theo tôi thì có thể đợi sau 4 - 6 tuần, hết thời gian hậu sản là có thể tiêm được. Vì trong thời gian 4-6 tuần hậu sản, việc tiêm ngừa COVID-19 có thể tăng nguy cơ đông máu nhưng không chống chỉ định, vẫn có thể tiêm được. Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo tiêm ngừa COVID-19 tốt nhất là tiêm sớm nhất. Cho nên nếu có cơ hội thì cần thực hiện ngay, không trì hoãn. Việc trì hoãn tiêm rất nguy hiểm vì chúng ta không biết lúc nào mình nhiễm bệnh, dù đã thực hiện tốt 5 K nhưng mình vẫn có thể nhiễm bệnh./.

*Cảm ơn bác sĩ rất nhiều! Xin chúc bác sĩ cùng cán bộ nhân viên Bệnh viện Hùng Vương và toàn ngành y luôn vững vàng trên tuyến đầu chống dịch!

Hoà Bình (thực hiện)