Phần lớn quỹ bảo hiểm xã hội là cho nhà nước vay

Theo báo cáo của BHXH Việt  Nam, tính đến hết năm 2015, số tiền dành cho ngân sách nhà nước vay, mua trái phiếu Chính phủ và đầu tư vào dự án thủy điện Lai Châu đã chiến tỷ lệ tới 86,3% số đầu tư của quỹ, phần còn lại là cho các ngân hàng thương mại nhà nước vay.
Cơ cấu đầu tư của quỹ BHXH Việt Nam - Ảnh: TDung
Cơ cấu đầu tư của quỹ BHXH Việt Nam - Ảnh: TDung

Báo cáo được Cơ quan BHXH Việt Nam gửi Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội ngày 13-1-2016 cho thấy, cơ cấu đầu tư có sự chuyển dịch theo hướng tăng dần tỉ lệ cho ngân sách nhà nước vay và mua trái phiếu Chính phủ, giảm dần tỉ lệ cho ngân hàng thương mại nhà nước vay. Tới nay, tỉ lệ cho ngân hàng thương mại vay chỉ còn lại 13,7% số đầu tư của quỹ.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính về đầu tư của quỹ BHXH, tổng số dư nợ từ đầu tư của các quỹ BHXH, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp đến cuối năm 2015 vào khoảng 435.129 tỉ đồng, tăng 17,8% so với năm 2014.

Trong số này, tiền mua trái phiếu chính phủ là 45.500 tỉ đồng; cho ngân sách nhà nước vay 324.000 tỉ đồng; cho ngân hàng thương mại nhà nước vay 59.629 tỉ đồng; cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam vay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ 6.000 tỉ đồng.

Tổng số tiền lời thu được trong năm 2015 khoảng 31.900 tỉ đồng, tăng 6.259 tỉ đồng so với năm 2014; tỉ lệ tiền lãi thực thu tính trên số dư nợ đầu tư bình quân trong năm 2015 khoảng 8,6%.

Mức lãi suất của từng hình thức đầu tư cụ thể như sau: cho ngân sách nhà nước vay thu lãi 9%/năm; mua trái phiếu Chính phủ lãi 9,2%/năm; đầu tư vào dự án thủy điện Lai Châu lãi 9,6% trong khi lãi suất cho các ngân hàng thương mại nhà nước vay chỉ là 5,7%/năm.

Tại buổi họp giữa Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội và các bộ ngành liên quan tới lĩnh vực BHXH diễn ra cuối tuần trước, đại diện Bộ Tài chính cho hay, lãi suất đầu tư của quỹ BHXH thấp hay cao phụ thuộc vào môi trường kinh tế vĩ mô. Năm 2015, lãi suất ngân hàng thấp thì đương nhiên BHXH Việt Nam với tư cách là nhà đầu tư trên thị trường cũng hưởng lãi suất ở mức thấp.

Song, báo cáo của Bộ Tài chính thừa nhận, do khó khăn chung của nền kinh tế, các ngân hàng thương mại nhà nước không có nhu cầu vay, hoặc có nhưng chỉ vay ở mức lãi suất thấp với thời hạn dài, không vay ngắn hạn.

Dự kiến, số tiền sinh lời phân bổ vào quỹ BHXH bắt buộc khoảng 20.838 tỉ đồng, quỹ BHXH tự nguyện là 128 tỉ đồng, quỹ BH thất nghiệp khoảng 2.711 tỉ đồng; số còn lại phân bổ vào quỹ BHYT và trích chi phí quản lý BHXH.

Theo TBKTSG