PGS. TS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) (Ảnh - Minh Thuý) |
Đây là ý kiến của PGS. TS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) – về việc hướng dẫn F0 tự điều trị tại nhà – trong sáng nay, ngày 13/8.
Thí điểm mô hình túi thuốc an sinh ở TP. HCM và những địa phương có dịch COVID-19 diễn biến phức tạp
Trao đổi với PV, PGS. TS. Lương Ngọc Khuê cho biết: “Hiện nay, biến chủng Delta đã khiến số bệnh nhân mắc COVID-19 tăng nhanh. Qua phân tích dịch tễ, ca bệnh lâm sàng có thể thấy 80-82% người bệnh không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ. 20% còn lại là những người có biểu hiện vừa, trung bình. Từ những bệnh nhân có biểu hiện vừa, trung bình, 5% bệnh nhân sẽ chuyển biến nặng, rất nặng là 0,5-1%. Từ mô hình lâm sàng bệnh tật, Bộ Y tế đã rút ra kinh nghiệm để điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Trước kia có 3 khu vực, tuyến điều trị với số lượng bệnh nhân còn ít nên bệnh nhân nặng được điều trị ở bệnh viện tuyến trung ương còn bệnh nhân mắc bệnh trung bình được điều trị ở bệnh viện tỉnh, mắc bệnh nhẹ thì ở bệnh viện huyện. Tuy nhiên, hiện nay số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 đang ngày một tăng.
Với mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong, tất cả người bệnh đều được chăm sóc, Bộ Y tế đã bổ sung 1 số điểm trong chính sách ứng phó với dịch COVID-19, yêu cầu tất cả các bệnh viện trên toàn quốc phải chuẩn bị sẵn sàng 40% số giường bệnh để điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. Từ mô hình này, các bệnh viện sẽ tách đôi để vừa điều trị bệnh nhân thường, vừa điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.
Nhân viên y tế xem thông tin người bệnh (Ảnh - BYT) |
"Hiện, Bộ Y tế đã xây dựng hướng dẫn theo kinh nghiệm quốc tế cũng như mô hình, triệu chứng bệnh học để F0 tự điều trị tại nhà. Mỗi một gia đình sẽ là một “Homecare” – phòng y tế. Trước kia, F1, F2 được quản lý tại nhà thì bây giờ F0 được theo dõi, quản lý, cách ly trong gia đình, tránh lây nhiễm chéo với gia đình và cộng đồng,…, đồng thời, tăng cường tư vấn cho người bệnh bằng công nghệ thông tin (zalo, viber, zoom,…) để động viên tinh thần cho họ. Đặc biệt, về việc sử dụng thuốc trong gia đình, Bộ Y tế đang có chiến lược sẽ cung cấp những túi thuốc an sinh trong gia đình, tăng cường tư vấn cho mọi người trong gia đình và cộng đồng, giúp người bệnh an tâm, không bị kỳ thị, người trong gia đình được đảm bảo" - ông Khuê thông tin.
Theo ông Khuê, mô hình túi thuốc an sinh phải áp dụng đúng nơi, đúng chỗ, đúng điều kiện. Bởi ở nước ngoài, người bệnh điều trị tại nhà phải có ý thức tuân thủ, có điều kiện gia đình phù hợp. Đặc biệt, mô hình xã hội học ở nước ngoài chỉ có 1-2 người, điều kiện sống hiện đại. Còn ở Việt Nam, rất nhiều gia đình ở thành phố lớn có điều kiện tốt, ý thức tốt nhưng các khu vực đông dân cư ở nông thôn với nhiều thế hệ trong gia đình đảm bảo khu vực riêng cho người bệnh thì phải quan tâm, xem xét.
Sắp tới, Bộ Y tế sẽ áp dụng thí điểm mạnh mô hình túi thuốc an sinh ở TP. HCM và các tỉnh, thành phố có dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Từ đó, tuyến y tế cơ sở sẽ phát huy tác dụng kết hợp với bác sĩ tình nguyện để tư vấn cho người dân ở từng gia đình bằng hệ thống công nghệ thông tin.
4 Sở Y tế chưa thực hiện tốt việc báo cáo điều trị F0
Thông tin về tình hình và công tác quản lý, điều trị bệnh nhân COVID-19, PGS. TS. Lương Ngọc Khuê cho biết: Qua kiểm tra, rà soát, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã phát hiện 4 Sở Y tế chưa thực hiện tốt công tác báo cáo điều trị ca bệnh F0 gồm: Sở Y tế TP. HCM, Sở Y tế Bình Dương, Sở Y tế Bà Rịa – vũng Tàu, Sở Y tế Tiền Giang.
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, để điều trị tốt cho ca bệnh F0, trong chiến lược điều trị, Bộ Y tế đã phân tuyến rõ ràng, quản lý 80% bệnh nhân ở tầng thứ nhất. Nếu gia đình, cộng đồng có điều kiện chăm sóc thì 80% bệnh nhân ở tầng thứ nhất có thể quản lý được. Nếu dịch bùng phát thì vẫn có thể đáp ứng được.
Ở tầng điều trị thứ 2, các bệnh viện trên toàn quốc phải chuẩn bị 40% giường bệnh để điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Tầng điều trị thứ 3 phải có thầy thuốc giỏi, máy móc tốt để bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tỉnh xây dựng trung tâm hồi sức tích cực điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, đồng thời, tư vấn cho người bệnh bằng công nghệ thông tin, hội chẩn bệnh nhân nặng, không để bệnh nhân chuyển nặng.
“Đây chính là điểm mới trong chiến lược điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 của Bộ Y tế” – ông Khuê nói.
Từ tình hình thực tiễn, ông Khuê dự báo: Sắp tới, tình hình dịch COVID-19 sẽ phức tạp hơn với tốc độ lây lan nhanh, rộng, tăng số người bệnh nặng, nguy kịch. Không chỉ vậy, do tỷ lệ người được tiêm chủng còn thấp nên công tác quản lý, điều trị sẽ gặp khó khăn.
Chính vì thế, các bệnh viện phải rà soát, xây dựng phương án kịch bản ứng phó theo mức nguy cơ; củng cố, thiết lập hệ thống cơ sở quản lý, điều trị COVID-19 theo tháp 3 tầng. Từ đó, tăng cường công tác điều trị, giảm tối đa tử vong tại các tầng, đặc biệt tầng 1, 2 và bảo đảm duy trì hoạt động khám, chữa bệnh hàng ngày.
Đảm bảo vaccine tiêm miễn phí cho 70% người dân
Theo PGS. TS. Lương Ngọc Khuê, khi triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 ở Bệnh viện, Bộ Y tế đã lên kế hoạch, quy trình nghiêm ngặt để sàng lọc bệnh nhân ở tất cả các khâu. Để đảm bảo tiến độ tiêm vaccine ở diện rộng an toàn, hiệu quả Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện sàng lọc kỹ đối tượng tiêm để kiểm soát những người có nguy cơ hoặc đến từ vùng dịch.
Người dân được tiêm vaccine phòng COVID-19 (Ảnh - SYTHN) |
Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện phải đảm bảo trang thiết bị phòng hộ đầy đủ, có phương tiện cấp cứu, tổ cấp cứu lưu động,… để sẵn sàng ứng phó trong trường hợp khẩn cấp. Như vậy, trong 1 ngày các đơn vị có thể tiêm vaccine cho một số lượng người lớn mà vẫn đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Về đề xuất thu phí tiêm vaccine phòng COVID-19 ở TP. HCM, ông Khuê cho biết: Hiện nay các doanh nghiệp đang khó tiếp cận với vaccine phòng COVID-19. Trong Luật truyền nhiễm, việc tiêm vaccine là miễn phí cho toàn dân. Vì thế chưa có chính sách thu phí cho người dân. Bộ Y tế đang đảm bảo lượng vaccine phòng COVID-19 để tiêm miễn phí cho 70% người dân, đảm bảo miễn dịch cộng đồng.