Mặc dù thương đau nhưng kinh nghiệm quý báu
Phóng viên: - Thưa bác sĩ, để có được những ngày tháng an bình như hiện tại thật không dễ dàng gì. Xin bác sĩ chia sẻ thêm tới độc giả những kỷ niệm về giai đoạn khốc liệt nhất, khi TP.HCM ở cao trào “đỉnh dịch”? Đặc biệt là những bước chuyển trong công tác điều trị bệnh nhân COVID-19?
Bác sĩ Lê Minh Khôi: - Đúng là nhìn lại năm 2021 sẽ thấy trong cuộc đời không phải ai cũng có thể chứng kiến được một biến cố lớn đến như vậy. Trong cuộc đời làm nghề y của mình, tôi nghĩ cũng sẽ không bao giờ có thêm một cơ hội xảy đến những trải nghiệm không muốn nhớ nhưng không thể nào quên như thế.
Thực sự thì hơn nửa năm vừa rồi, tôi đã gắn bó với Trung tâm Hồi sức COVID-19 Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Chính xác là từ ngày 2/8/2021, lúc đó có Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bí thư Thành uỷ TP.HCM, Đại học Y Dược TP.HCM chính thức thành lập Trung tâm Hồi sức COVID-19, đầu tiên là ở Bệnh viện quốc tế City.
Tháng 8/2021 chính là đỉnh dịch của TP.HCM, suốt tháng 8 và tháng 9 là những ngày cực kỳ kinh hoàng.
Bác sĩ Lê Minh Khôi "trực chiến" suốt một thời gian dài trong tâm dịch TP.HCM |
Tới tháng 10/2021 thì Trung tâm Hồi sức COVID-19 của Bệnh viện Đại học Y Dược lại tiếp nhận thêm Trung tâm Hồi sức COVID-19 Bệnh viện Việt Đức sau khi y bác sĩ vào bổ sung chi viện miền Nam tại đây rút về Hà Nội. Chúng tôi chuyển về hoạt động tại Bình Hưng (huyện Bình Chánh), sống và làm việc tại đó cho đến nay.
Sau tháng 10 có vẻ ổn thì tháng 11 và tháng 12/2021 dịch tiếp tục căng thẳng. Đây là giai đoạn hết sức khó khăn. Cũng giống các Trung tâm Hồi sức COVID-19 khác, chúng tôi đều trong tư thế ra trận. Ban đầu thì cũng có những ngần ngại, sợ hãi. Nhưng đã vào trận rồi thì tất cả đều quên mình, chỉ biết xông lên phía trước.
Với giai đoạn nặng nhất (tháng 8 và tháng 9) số lượng người tử vong ở tất cả các cơ sở điều trị COVID-19 đều rất cao. Nhưng riêng với Trung tâm Hồi sức COVID-19 Bệnh viện Đại học Y Dược thì có sức trẻ và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ từ rất sớm, ngay từ 6/4/2020 lúc dịch mới hoành hành ở châu Âu, chúng tôi đã huấn luyện nhân sự và tích cực nhắc đi nhắc lại nên nhân sự có hiểu biết khá tốt về COVID-19. Và khi vào trận thì chúng tôi chỉ cần vài tuần để nhanh chóng vượt qua bỡ ngỡ, đối mặt và đi qua được thực tế khó khăn.
Bác sĩ và nhân viên y tế ở Trung tâm Hồi sức COVID-19 Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM xuống tóc trước khi vào "trận chiến" |
Đến bây giờ, TP.HCM đã trải qua hai đỉnh dịch cả về số ca nhiễm và số tử vong rất cao, mặc dù thương đau nhưng cũng tích luỹ được những kinh nghiệm quý báu cả về tổ chức, bệnh lý lẫn chuyên môn. Có những kỹ thuật có thể trước đây còn dè dặt chưa dám làm thì nay đã thành thạo. Đội ngũ bác sĩ trẻ được huấn luyện thực sự ngoài “trận địa”.
Cho đến tháng 11 và tháng 12, TP.HCM lại vào một “đỉnh dịch” mới cũng khá tàn khốc. Giai đoạn này, số bệnh viện dã chiến đã giảm đi nhiều cho nên số lượng bệnh nhân dồn cho những trung tâm còn lại rất nhiều. Nhưng cuối cùng, may mắn là chính sách bảo vệ những người có yếu tố nguy cơ cao đã đúng, kết hợp với độ phủ vaccine cho đến giờ, thành phố của chúng ta đã ổn.
Chuẩn bị đón Tết Nhâm Dần, lượng bệnh nhân ở Trung tâm chúng tôi còn lại rất thấp. Hiện tại, chỉ còn 20 bệnh nhân, trong đó có 16 bệnh nhân thở máy. Chiều 29 Tết vừa có một bệnh nhân được ngừng ECMO, rút nội khí quản. Mặc dù vậy, y bác sĩ tại Trung tâm vẫn chia nhau trực xuyên Tết để ứng phó với bất cứ diễn biến nào của tình hình dịch bệnh.
Điều trị bệnh nhân ở Trung tâm Hồi sức COVID-19 Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM |
Không thành phố nào có thể chống dịch một mình
*Thưa bác sĩ, tại TP.HCM, số ca nhiễm mới, số ca chuyển nặng và tử vong đều giảm thấp đến mức kinh ngạc - điều trước đây rất khó tưởng tượng nổi kết quả ngoạn mục này. Thế nhưng, giai đoạn hiện tại, dịch bệnh lại đang hoành hành tại Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng và nhiều tỉnh phía Bắc. Để nhắn nhủ tới các địa phương khác, người trên tuyến đầu sẽ nói gì, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Lê Minh Khôi: - Thực sự thì khi đối mặt với dịch bệnh nếu chỉ trông chờ vào lực lượng ngành y không thì sẽ không thể nào “chiến đấu” nổi. Giống như đợt đỉnh dịch của TP.HCM vừa qua, ngành y chỉ là một thành tố trong cả guồng máy còn có rất nhiều thành phần, cả hệ thống chính trị, quân đội, công an, các hoạt động thiện nguyện… mới có thể làm được. TP.HCM ổn như ngày hôm nay không phải do bác sĩ điều trị tốt. Nói thẳng ra, bác sĩ có điều trị tốt chỉ cứu được một lượng người rất nhỏ. Quan trọng nhất là phải giãn cách xã hội khi chưa đủ vaccine. Sau khi đã phủ vaccine xong thì mới mở ra từ từ. Chính sách bảo vệ những người có nguy cơ cao, mắc bệnh nền như đái tháo đường, béo phì, tim mạch… phải được tiêm vaccine và kiên quyết tiêm được nhóm đó thì dịch bệnh sẽ xuống dần.
Với những người làm việc ở tầng thứ 3 của của tháp điều trị, tuyến nhận những bệnh nhân nặng nhất, chúng tôi thống nhất nhận định rằng nếu không có vaccine thì không thể nào đi qua nổi và đại dịch sẽ tàn phá cả đất nước.
Thực sự rất đau lòng vì cho đến giờ vẫn còn những người chưa chịu tiêm vaccine vì những lý do rất đặc biệt. Lý do đó có thể xuất phát từ bản thân người dân, cũng có thể do ngành y tế. Nhưng chúng tôi xin khẳng định rằng nếu không có vaccine thì chắc chắn công tác chống dịch thất bại. 5K quan trọng nhưng về lâu dài, để khống chế dịch chắc chắn phải phủ hết vaccine.
Khu điều trị COVID-19 - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM những ngày căng thẳng "chiến đấu" với dịch bệnh lan tràn |
Cũng có điểm mừng là anh em ngành y đang “chiến đấu” ở vùng dịch Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đều đã là đồng đội của chúng tôi đã đi vào tâm dịch, ở trong những giai đoạn “đỉnh dịch” xảy ra với phía Nam, đều đã tích luỹ kinh nghiệm, biết mức độ khốc liệt của dịch, chuẩn bị tâm thái xông trận rồi. Chỉ mong sao, anh em vẫn giữ được năng lượng tích cực và niềm tin dịch rồi sẽ qua.
Chính phủ đã huy động tổng lực vào công cuộc chống dịch. Chính sách bảo vệ người có nguy cơ cao, bao phủ vaccine mà Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế phát động thần tốc chiến dịch mùa xuân vaccine - tiêm vaccine xuyên Tết nguyên đán là cực kỳ chính xác. Tôi đánh giá đây là mệnh lệnh từ trái tim. Nếu không có vaccine, không bác sĩ nào, điều dưỡng nào có thể trụ nổi lâu dài như thế, chiến đấu với dịch bệnh khốc liệt như thế.
*Thưa bác sĩ, ca tử vong vì COVID-19 trên địa bàn TP.HCM trước đó đã từ chối tiêm vaccine đã dấy lên tiếng chuông mạnh mẽ về công tác phòng, chống dịch. Có lẽ người dân sẽ ý thức được tốt hơn, rằng muốn đạt tới một thành quả nào đó trong chống dịch không phải là nỗ lực của một mình ai, một bộ phận nào mà buộc phải là sự chung tay của tất cả. Chỉ cần một bộ phận thiếu ý thức, thì tuyến đầu như các y bác sĩ sẽ buộc phải kéo dài thời gian xa gia đình, sống với khu cách ly, kể cả ngày Tết? Không biết bác sĩ Lê Minh Khôi phải tách biệt khỏi đời sống gia đình bao nhiêu lâu?
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thăm Trung tâm Hồi sức COVID-19 BV Đại học Y Dược TP.HCM |
Bác sĩ Lê Minh Khôi: - Tôi đi từ ngày 2/8/2021 đến ngày 1/1/2022, trong 5 tháng đó đều ăn ngủ tại bệnh viện dã chiến, trên xe cấp cứu khi đi hỗ trợ cho tuyến dưới nếu bệnh nhân quá nặng không thể chuyển lên tuyến trên.
Bây giờ, với tình hình dịch của TP.HCM đã ổn, tôi đã được về nhà. Tết Nhâm Dần, lượng bệnh nhân ở trung tâm còn lại ít, chuyên môn của anh em đã ổn, nên tinh thần y bác sĩ đã được nhẹ nhàng, thư thái hơn rất nhiều. Chúng tôi cũng không thể tưởng tưởng được rằng mình có thể đi ra khỏi “cuộc chiến” đó.
Lúc ở đỉnh dịch, tôi và bác sĩ Trần Thanh Linh (người điều trị cho bệnh nhân 91) đã sát cánh bên nhau ở các bệnh viện dã chiến, điều trị ECMO cho bệnh nhân nặng. Chúng tôi luôn động viên nhau nhưng cả hai chúng tôi đều không dám nghĩ tới ngày mình có thể rời khỏi “trận địa”, bước ra khỏi “cuộc chiến” đại dịch tàn khốc. Lúc đó, chỉ nghĩ được là mình còn làm được đêm nay thì sức tới đâu cứ xông lên làm tới đó.
Hiện tại, tình hình ổn rồi, chúng tôi cho rằng kể cả có biến chủng Omicron đi chăng nữa thì với kinh nghiệm đã có và tình hình thực tế, chúng tôi vẫn tin Việt Nam sẽ ổn. Nhưng ổn thật hay không thì phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người dân.
Đúng là mình có quyền trên thân thể của mình, được hiến pháp thừa nhận. Nhưng khi không tiêm, cá thể có thể trở thành vật mang virus và truyền đi cho người khác. Như vậy, xét về luật pháp, cá nhân không chịu tiêm vaccine có yếu tố sai. Còn xét trên phương diện đạo đức, thì cá nhân không chịu tiêm vaccine cũng không đúng, bởi mình bị mắc COVID-19 thì sẽ làm ảnh hưởng đến người khác. Chúng ta đang sống trong một thế giới có mối tương liên với nhau, xã hội kết nối cực kỳ mật thiết, cùng thở chung một bầu không khí chứ không phải sống độc lập một mình trên đảo hoang. Hãy nghĩ xa hơn bản thân, nghĩ về người khác, nghĩ cho cộng đồng, tuân thủ chích vaccine thì mới chống dịch được.
*Xin cảm ơn bác sĩ và xin chúc các y bác sĩ có sức khoẻ dồi dào, luôn vững vàng trên tuyến đầu chống dịch!
Hoà Bình (thực hiện)