Trung tâm Hồi sức COVID-19 BV Trung ương Huế: Bác sĩ ở tâm dịch TP.HCM chưa xác định ngày về

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ở Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế tại TP.HCM, bác sĩ chưa xác định ngày về, kiên trì bám trụ với tâm dịch.
Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 Bệnh viện Trung ương Huế tại TP.HCM giúp giảm tử vong. Ảnh: Hoà Bình
Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 Bệnh viện Trung ương Huế tại TP.HCM giúp giảm tử vong. Ảnh: Hoà Bình

Điều trị tích cực cho bệnh nhân nặng COVID-19

Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 đặt tại số 2 Trường Chinh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM, do Bệnh viện Trung ương Huế quản lý và bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân vào điều trị từ ngày 24/8. Cùng với các Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 khác đã thành lập trên địa bàn TP.HCM trong thời gian chống dịch căng thẳng vừa qua, với hàng chục ngàn bác sĩ đến từ các bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, BV Chợ Rẫy… đây là tuyến điều trị cao nhất, tiếp nhận các ca bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch, góp phần đáng kể giảm thiểu tử vong vì COVID-19.

Những bệnh nhân này đòi hỏi kết hợp nhiều biện pháp vừa điều trị, vừa chăm sóc nâng cao thể trạng. Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 Bệnh viện Trung ương Huế được xây dựng với quy mô 616 giường, trong đó 437 giường có trang bị oxy, 185 giường cấp cứu - hồi sức… Trung tâm được chia làm 3 phân khu chính: sâu nhất là khu điều trị bệnh nhân nguy kịch, vòng 2 là khu vực bệnh nhân thoát nguy kịch, vòng ngoài cùng là bệnh nhân chuẩn bị ra viện; trang bị hệ thống máy móc hiện đại như máy thở chức năng cao, máy monitor, máy sốc tim, hệ thống ô xy tới tận giường bệnh.

Video ghi lại một số hình ảnh tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 Bệnh viện Trung ương Huế tại TP.HCM - Hoà Bình thực hiện

Trung tâm ICU này ra đời được sự động viên, theo sát từ GS-TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế và TS.BS Nguyễn Thanh Xuân - Phó Giám đốc Bệnh viện, những ngày đầu cả hai vị lãnh đạo đều trực tiếp đi cùng đoàn vào hỗ trợ TP.HCM chống dịch. Hơn 500 bác sĩ, nhân viên y tế ở đây được điều động là nhân lực của Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Việt Nam - Cuba Đồng Hới, Bệnh viện Đa khoa trung ương Quảng Nam và Bệnh viện Phong - Da liễu trung ương Quy Hòa…

Đội ngũ nhân viên y tế có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, được đơn vị đào tạo các kỹ thuật chuyên sâu về hồi sức cấp cứu. Hơn hai tháng hoạt động vừa rồi, cùng với các Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 khác đóng góp đáng kể vào quá trình giảm thiểu tử vong vì COVID-19 trên địa bàn TP.HCM.

“Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 Bệnh viện Trung ương Huế chịu trách nhiệm điều trị bệnh nhân nặng được chuyển tới từ 10 bệnh viện trên địa bàn và Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM” – BS CKII Nguyễn Đình Khoa – Phó Giám đốc Trung tâm cho biết.

BS CKII Nguyễn Đình Khoa – Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức COVID-19 BV Trung ương Huế tại TP.HCM. Ảnh: Hoà Bình
BS CKII Nguyễn Đình Khoa – Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức COVID-19 BV Trung ương Huế tại TP.HCM. Ảnh: Hoà Bình

Ngoài điều trị trực tiếp tại Trung tâm, y bác sĩ tại đây hàng ngày đều chia kíp trưởng kíp trực để hội chẩn trực tuyến hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 và tư vấn chuyển viện cho bệnh nhân tại 10 bệnh viện TP.HCM và một số giao ban và hội chẩn trực tuyến với Bộ Y tế, Sở Y tế và bác sĩ điều trị tại các bệnh viện thuộc các vùng dịch khác như Bình Dương, Đồng Nai...

Chưa xác định ngày về

“Đột nhập” Trung tâm điều trị bệnh nhân nặng COVID-19 này, mới thấy thông tin Bộ Y tế rút các đoàn y bác sĩ hỗ trợ vùng dịch TP.HCM về các địa phương trước ngày 15/10 hầu như không tác động tới hơn 500 y, bác sĩ, nhân viên y tế đang làm việc tại đây.

“Cứ mỗi lần “đổi quân” để đảm bảo sức khoẻ cho nhân viên y tế vào tăng cường cho vùng dịch, sẽ có khoảng 80-100 y bác sĩ quay trở về địa phương, đồng thời đoàn vào tiếp sức cũng chừng 100-130 người” – Bác sĩ Nguyễn Đình Khoa kể.

Bác sĩ Nguyễn Đình Khoa trong kíp trực chăm sóc bệnh nhân nặng tại Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 BV Trung ương Huế tại TP.HCM
Bác sĩ Nguyễn Đình Khoa trong kíp trực chăm sóc bệnh nhân nặng tại Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 BV Trung ương Huế tại TP.HCM
BS CKII Nguyễn Đình Khoa - Phó Giám đốcTrung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế. Ảnh: Hoà Bình

BS CKII Nguyễn Đình Khoa - Phó Giám đốcTrung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế. Ảnh: Hoà Bình

Bác sĩ Khoa theo dõi hệ thống camera trung tâm, giám sát toàn bộ hoạt động trong các phòng điều trị. Ảnh: Hoà Bình

Bác sĩ Khoa theo dõi hệ thống camera trung tâm, giám sát toàn bộ hoạt động trong các phòng điều trị. Ảnh: Hoà Bình

Hàng ngày, bệnh nhân COVID-19 nặng từ 10 bệnh viện TP.HCM và Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM vẫn đang liên tục được chuyển tới đây.

Bác sĩ, y tá, điều dưỡng, nhân viên y tế nơi đây vẫn hàng ngày phải mặc trang phục bảo hộ trong suốt ca làm việc kéo dài hơn 6 tiếng liên tục, chạy qua chạy lại xử lý các ca ngưng tim ở khu vực điều trị bệnh nhân nguy kịch, bận rộn chăm sóc bệnh nhân ở khu vực thoát nguy kịch.

Ngoài những công việc cấp cứu, ngay cả những việc chăm sóc như đánh răng, cắt tóc, cho bệnh nhân uống sữa… cũng đều không phải việc đơn giản, bởi môi trường của phòng điều trị là môi trường có virus ở nồng độ đậm đặc, với mức độ độc hại rất cao.

Bác sĩ Nguyễn Đình Khoa cung cấp chi tiết: “Không phải bệnh nhân vừa nhập viện đã nặng ngay mà có nhiều người nhập viện một thời gian mới chuyển nặng. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân diễn biến nặng trên tổng số bệnh nhân đang điều trị đã giảm mạnh. Trong quá trình điều trị bệnh nhân COVID-19, Trung tâm liên tục cập nhật phác đồ điều trị của Bộ Y tế và nhận được nhiều kết quả khả quan, hơn 100 máy thở ở đây không cần phải sử dụng thường xuyên nữa, đặc biệt hiện tại không có người chạy ECMO, tỉ lệ bệnh nhân ra viện tăng cao”.

“Quy mô thiết kế là 616 giường nhưng đến hiện tại, Trung tâm còn lại khoảng 350-400 bệnh nhân đang được điều trị, nên số lượng hơn 500 y bác sĩ, nhân viên y tế đang công tác tại đây không bị quá tải. Ngoài ra, các phần việc khác có thể hỗ trợ trực tuyến thì đều được đội ngũ nhân sự từ Bệnh viện Trung ương Huế đảm nhiệm hỗ trợ thêm chứ không phải di chuyển thêm hàng trăm người nữa vào với vùng dịch” - Bác sĩ Nguyễn Đình Khoa cho hay.

Chăm sóc bệnh nhân nặng COVID-19 tại Trung tâm Hồi sức tích cưc người bệnh COVID-19 BV Trung ương Huế tại TP.HCM. Ảnh: Hoà Bình
Chăm sóc bệnh nhân nặng COVID-19 tại Trung tâm Hồi sức tích cưc người bệnh COVID-19 BV Trung ương Huế tại TP.HCM. Ảnh: Hoà Bình
Y bác sĩ, điều dưỡng tại Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 Bệnh viện Trung ương Huế bám trụ với vùng dịch TP.HCM, chưa xác định ngày về - Ảnh: Hoà Bình

Y bác sĩ, điều dưỡng tại Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 Bệnh viện Trung ương Huế bám trụ với vùng dịch TP.HCM, chưa xác định ngày về - Ảnh: Hoà Bình

Toàn cảnh khu vực điều trị bệnh nhân nặng tại Trung tâm Hồi sức COVID-19 Bệnh viện Trung ương Huế - Bài, ảnh, video clip: Hoà Bình

Toàn cảnh khu vực điều trị bệnh nhân nặng tại Trung tâm Hồi sức COVID-19 Bệnh viện Trung ương Huế - Bài, ảnh, video clip: Hoà Bình

Thông tin đáng mừng được bác sĩ Nguyễn Đình Khoa cho hay là tại Trung tâm điều trị tích cực người bệnh COVID-19 của Bệnh viện Trung ương Huế, chưa có bất cứ bác sĩ, nhân viên y tế nào bị nhiễm bệnh.

“Chúng tôi đã đi hỗ trợ nhiều vùng dịch, từ Phú Yên, Quảng Ngãi, Đồng Tháp, Bình Dương, giờ là TP.HCM. Tất cả y bác sĩ đều được tập huấn rất kỹ về quy trình làm việc, sử dụng máy thở, ngay cả phần mặc và cởi trang phục bảo hộ… cũng phải tập huấn kỹ trong 2 tuần trước khi lên đường. Mỗi đoàn mới vào đều được xen kẽ vào với các nhóm cũ để huấn luyện tại chỗ trong thời gian chuyển tiếp rồi người cũ mới được trở về. May mắn là đến nay chưa có đoàn nào y bác sĩ, nhân viên y tế bị nhiễm bệnh” – Bác sĩ Nguyễn Đình Khoa chia sẻ.

Tuy nhiên, hỏi đến ngày về với gia đình và TP Huế quê hương, bác sĩ Nguyễn Đình Khoa chỉ lắc đầu mỉm cười bảo: “Liên tục di chuyển đi nhiều vùng dịch khác nhau, đi Phú Yên về lại sang Quảng Ngãi, giờ là TP.HCM, mỗi lần đi khoảng 2 tháng, về thì cũng phải tiếp tục cách ly nữa. Xa gia đình nhiều nên cũng… quen dần. Chúng tôi không xác định ngày về! Vùng dịch cần thì chúng tôi tiếp tục làm thôi!”