Tất nhiên, nợ công cao không phải lúc nào cũng ngay lập tức dẫn tới các hậu quả nghiêm trọng. Thực tế cho thấy khủng hoảng nợ công chỉ xảy ra khi chính phủ của một quốc gia không thể trả nợ đúng hạn nên phải tuyên bố phá sản hoặc đề nghị cộng đồng quốc tế cứu trợ.
Theo số liệu thống kê, mức nợ công cao nhất hiện nay thuộc về các nền kinh tế phát triển, với việc Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Italy, Nga liên tục lâm vào cảnh "nợ như chúa chổm". Dự đoán, nợ công của thế giới trung bình sẽ ở mức tương đương 77,5% GDP năm 2015, trong đó Nhật Bản vẫn là nền kinh tế phát triển có mức nợ công cao nhất, ước khoảng 245,1% GDP.
Lịch sử nợ công
Nhằm tận dụng nguồn tài chính nhàn rỗi trong dân, sự hỗ trợ từ nước ngoài và các tổ chức tài chính quốc tế, các quốc gia huy động và sử dụng nợ công để phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội.
Như vậy, vay nợ để đầu tư cho tăng trưởng kinh tế là điều bình thường nhưng nợ bao nhiêu là an toàn lại là một bài toán khó giải. Nền kinh tế Hy Lạp đã lao đao khi nợ công của nước này ở mức cao trên 100% GDP, trong khi Nhật Bản vẫn “ung dung” với mức nợ công cao nhất trong số các nước phát triển.
Trong lịch sử nợ công thế giới có hai cuộc khủng hoảng nợ công lớn đáng chú ý, trong đó cuộc khủng hoảng nợ công tại Eurozone đến nay vẫn chưa có hồi kết. Cuộc khủng hoảng này xảy ra ngay sau giai đoạn bùng nổ tín dụng, lãi suất cho trích lập rủi ro thấp, dư thừa thanh khoản, đòn bẩy tài chính cao và bong bóng bất động sản. Một nguyên nhân khác là tình trạng tăng chi hoặc giảm thu ngân sách thiếu kiểm soát của các nước Eurozone, mà sâu xa hơn là do chính sách tài khóa của các nước chưa hài hòa và thiếu cơ chế phối hợp ứng phó.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu là do chính sách tài khóa thiếu bền vững và sự mất cân đối trong việc vay nợ của các quốc gia. Một ví dụ cụ thể là Hy Lạp, kể từ khi gia nhập Eurozone vào năm 2001 đến khủng hoảng tài chính năm 2008, thâm hụt ngân sách của nước này trung bình khoảng 5% GDP/năm, so với mức 2% GDP của Eurozone, và Hy Lạp đã không thể duy trì được thâm hụt ngân sách và nợ nước ngoài theo quy định của EU. Tuy vậy, Hy Lạp không phải là quốc gia duy nhất vì hầu hết trong số 28 thành viên EU đều không đạt được cam kết này vào thời điểm đó.
Trước đó, cuộc khủng hoảng nợ diễn ra ở các quốc gia Mỹ Latinh trong những năm 1970 và 1980 được coi là thảm họa lớn nhất kể từ sau Đại khủng hoảng hồi thập kỷ 1930 và đây cũng là cuộc khủng hoảng nợ công đầu tiên trong lịch sử kinh tế hiện đại. Cuộc khủng hoảng bắt đầu từ Mexico (1982) khi nước này tuyên bố vỡ nợ, sau đó hầu hết các quốc gia trong khu vực (gồm Argentina, Bolivia, Brazil và Ecuador) cũng đều không tránh khỏi vòng xoáy đó.
Trong giai đoạn trên, Brazil, Argentina và Mexico phát triển khá mạnh, chủ yếu do vay nước ngoài quy mô lớn để nâng cấp công nghiệp trong nước và cải thiện cơ sở hạ tầng. Đầu thập niên 1980, các nước Mỹ Latinh bắt đầu gặp khó trong việc trả nợ khi hoạt động xuất khẩu đi xuống do kinh tế thế giới suy thoái. Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác là các khoản vay bị sử dụng tùy tiện và có liên quan tới nạn tham nhũng.
Nguyên nhân
Theo các chuyên gia, mẫu số chung của hai cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu và Mỹ Latinh là các chính phủ đã vay nợ quá mức để chi tiêu, kể cả đầu tư, trong giai đoạn phát triển kinh tế mạnh nhất. Song nền kinh tế của một quốc gia gặp khó khăn đã dẫn tới hiệu ứng “domino” gây đổ vỡ hàng hoạt, và thậm chí tác động tiêu cực tới cả nền kinh tế thế giới.
Thông thường, nguyên nhân đầu tiên và cũng là chính yếu dẫn tới khủng hoảng nợ công là khả năng quản trị tài chính công yếu kém và những khoản chi tiêu của chính phủ quá lớn, vượt quá kiểm soát, với bài học lớn nhất còn “nóng hổi” từ cuộc khủng hoảng nợ công mới đây ở Eurozone.
Chẳng hạn, GDP của Hy Lạp tăng trung bình 4,3%/năm trong giai đoạn 2001-2007, cao hơn so với mức trung bình của Eurozone là 3,1%. Tuy vậy, trong giai đoạn này, chi tiêu của chính phủ tăng 87% trong khi nguồn thu của chính phủ chỉ tăng 31%, khiến thâm hụt ngân sách vượt mức trần 3% GDP của EU. Tình hình dân số già và hệ thống lương hưu “quá xông xênh” của Hy Lạp cũng được coi là gánh nặng cho chi tiêu công. Ước tính, tổng số tiền chi cho lương hưu khu vực công của Hy Lạp dự kiến tăng từ 11,5% GDP năm 2005 lên 24% năm 2050.
Kế đến, nguồn thu ngân sách sụt giảm cũng là một nhân tố dẫn tới tình trạng thâm hụt ngân sách và gia tăng nợ công. Ví dụ, trốn thuế và hoạt động kinh tế ngầm là nguyên nhân làm giảm nguồn thu ngân sách của Hy Lạp. Theo WB, nền kinh tế không chính thức ở Hy Lạp chiếm tới 25-30% GDP (so với 13,1% GDP của Trung Quốc và 11,3% GDP của Nhật Bản). Hệ thống thuế với nhiều mức thuế cao và bộ luật phức tạp cùng với sự điều tiết dư thừa và thiếu hiệu quả của cơ quan quản lý đã tạo điều kiện để tình trạng trốn thuế và nền kinh tế ngầm “nở rộ.”
Nguyên nhân tiếp theo là sự tiếp cận dễ dãi với nguồn vốn đầu tư nước ngoài và việc sử dụng nguồn vốn không hiệu quả. Chính phủ Argentina đã tận dụng uy tín quốc gia đang lên để vay nợ nước ngoài, từ mức tương đương 35% GDP năm 1995 lên gần 65% GDP năm 2001. Trong khi đó, theo WB, ngưỡng nợ an toàn đối với các nước đang phát triển là nợ nước ngoài phải dưới mức 40% GDP.
Thiếu tính minh bạch và niềm tin của các nhà đầu tư là nguyên nhân cuối cùng và cũng không kém phần quan trọng đối với nguy cơ xảy ra khủng hoảng nợ công. Sự thiếu minh bạch trong số liệu thống kê của một số quốc gia đã làm mất niềm tin của các nhà đầu tư, xuất hiện các làn sóng rút vốn ồ ạt khỏi các ngân hàng, đẩy các quốc gia này vào tình trạng khó khăn trong việc huy động vốn trên thị trường vốn quốc tế. Sự phụ thuộc vào nguồn tài chính nước ngoài đã khiến các nước trở nên rất dễ bị tổn thương trước những thay đổi trong niềm tin của giới đầu tư.
Đi tìm lời giải
Một nguyên tắc quan trọng đối với tất cả quốc gia trên thế giới để có thể phát triển bền vững là “tự lực tự cường”. Như vậy, để ứng phó tốt với mọi khó khăn kinh tế nói chung và rủi ro nợ công cao nói riêng, các nước cần phát triển nội lực của nền kinh tế trong nước, tập trung thúc đẩy giá trị gia tăng trong xuất khẩu bằng cách giảm nhập khẩu nguyên phụ liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu thông qua đầu tư phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, và đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại.
Tiếp đó, giải pháp thứ hai mà các nước cần nhớ là hoàn thiện thể chế chính sách và các công cụ quản lý nợ công cao. Hầu hết quốc gia thực hiện quản lý nợ công thông qua các văn bản pháp luật liên quan tới quản lý nợ hoặc ngân sách nhà nước với các tên gọi khác nhau. Phạm vi nợ công của nhiều quốc gia bao gồm nợ chính phủ và nợ được chính phủ bảo lãnh. Ngoài ra, một số nước còn quy định phạm vi nợ công bao gồm cả nợ chính quyền địa phương (như Ấn Độ, Vương quốc Anh, Síp), nợ của các doanh nghiệp quốc doanh (Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ), nợ của khu vực an sinh xã hội (Ba Lan).
Nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng vốn vay là một giải pháp hữu ích khác trong việc ngăn chặn rủi ro nợ công. Các nước cần xây dựng chương trinh đầu tư công trên cơ sở rà soát lại các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án trọng điểm để làm căn cứ cho việc huy động, phân bổ nguồn vốn phù hợp. Vay nợ công phải được sử dụng cho đầu tư phát triển và chỉ những dự án mang lại hiệu quả kinh tế mới được xét duyệt và đầu tư thực hiện, đồng thời tăng cường thanh tra, giám sát quá trình thực hiện dự án đầu tư để phòng tránh tình trạng tham nhũng.
Ngoài ra, các nước cũng cần tăng cường công tác giám sát, quản lý rủi ro và minh bạch hóa thông tin về nợ công, trong đó trước tiên là nghiên cứu, xây dựng và triển khai phương án xử lý rủi ro. Để kiểm soát nợ công ở mức an toàn, các nước cần phải xác định được mức an toàn, như phải xác định các tỷ lệ nợ công/GDP. Trong khi đó, công khai, minh bạch về tài chính là một nguyên tắc cơ bản hàng đầu và phổ biến trên thế giới trong quản trị công nói chung, quản trị tài khóa và nhất là trong quản trị nợ công.
Cuối cùng, các nước cần chú ý phân tích bản chất của nợ công như nợ chính phủ là vay nợ trong nước hay vay nợ nước ngoài, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, hay dự trữ quốc gia... Các nước nên thay đổi cơ cấu nợ công theo hướng nâng cao tỷ trọng nợ trong nước thông qua đẩy mạnh phát hành trái phiếu chính phủ bằng đồng nội tệ.
Cả lý thuyết và thực tiễn đều cho thấy nợ công là một phần tất yếu trong cơ cấu tài chính của hầu hết quốc gia trên thế giới. Dù là các nước nghèo nhất ở châu Phi hay những “đầu tàu” như Mỹ, Nhật Bản, EU đều đi vay để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu và sử dụng của chính phủ. Như vậy, điểm mấu chốt là nếu các quốc gia không sử dụng và quản lý nợ công một cách hợp lý và hiệu quả thì khủng hoảng nợ công có thể xảy ra ở bất kỳ quốc gia hay khu vực nào với những hậu quả nghiêm trọng không dễ khắc phục trong “một sớm một chiều”./.