Đầu tuần này, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đã chính thức công bố báo cáo tài chính hợp nhất bán niên sau soát xét năm 2017. Báo cáo phát hành ngày 14/08/2017, ký bởi Tổng Giám đốc VIB Hàn Ngọc Vũ, và được kiểm toán bởi Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam.
Thu nhập bình quân 20,67 triệu đồng/người/tháng
Thông tin trong báo cáo cho thấy, mức thu nhập của cán bộ, công nhân viên ở ngân hàng tầm trung này là khá ấn tượng.
Cụ thể, với tổng nhân sự bình quân trong 6 tháng đầu năm là 4.553 người, tổng quỹ lương của VIB là 444,3 tỷ đồng; Cộng thêm 120,2 tỷ đồng thu nhập khác, tổng thu nhập đạt 564,6 tỷ đồng.
Tương ứng, chỉ tính riêng tiền lương, bình quân mỗi nhân sự tại VIB đã nhận 16,27 triệu đồng/người/tháng. Cộng thêm các khoản thu nhập khác, mức thu nhập bình quân của cho mỗi nhân sự đạt 20,67 triệu đồng/người/tháng.
So với một năm trước, thu nhập cho người lao động tại VIB đã được cải thiện đáng kể, từ mức tiền lương bình quân/tháng 15,81 triệu đồng và thu nhập bình quân/tháng 19,08 triệu đồng.
Như vậy, VIB đã tiếp bước nhiều ngân hàng khác trong hệ thống công bố kết quả đãi ngộ nhân viên ở mức trên 20 triệu đồng.
Trước đó, những nhà băng cổ phần khác như VPBank, Techcombank, MB,… cũng công bố những mức thu nhập ấn tượng, có khi tới cả nghìn USD/người/tháng. Tất nhiên, với những ông lớn Nhà nước như Vietinbank, BIDV, Viecombank, Agribank, mức đãi ngộ cũng không hề kém cạnh.
Thu nhập cải thiện ở VIB và nhiều ngân hàng khác phần nào đó cho thấy kết quả kinh doanh đi lên của ngành, sau nhiều năm chật vật với nợ xấu và các đề án tái cơ cấu.
Tuy vậy, cũng cần phải nhận thức tách bạch về con số lương, thưởng hay thu nhập cho người lao động mà các ngân hàng đã công bố. Rằng đó là kết quả của một phép toán bình quân gia quyền.
Kết quả đó đã cào bằng giữa thu nhập của tất cả người lao động trong mỗi ngân hàng, từ nhân viên cấp thấp đến các nhân sự quản lý cao cấp, với những mức đãi ngộ hết sức khác biệt. Thay vì công bố số bình quân, nếu các ngân hàng công bố số trung vị (median), thì sẽ dễ hình dung hơn.
Theo khảo sát của VietTimes với các cán bộ tín dụng, giao dịch viên, kế toán, kiểm soát và nhân viên hỗ trợ tín dụng… ở nhiều nhà băng, họ tỏ ra khá bất ngờ với mức lương, mức thu nhập hàng chục triệu đồng mà phía ngân hàng họ đang công tác công bố.
Theo chia sẻ của những “banker” này, mức thực lĩnh hàng tháng của họ, thường chỉ đạt 1/3 hoặc 1/2 con số bình quân gia quyền kia.
Cũng theo họ, thu nhập cho các nhân sự cùng vị trí cũng rất khác nhau theo từng chi nhánh hay đơn vị giao dịch, dù vẫn trong cùng hệ thống một ngân hàng. “Mỗi chi nhánh là một đơn vị kinh doanh độc lập, nên chi nhánh nào làm ăn tốt hơn thì sẽ chia thưởng cao hơn và nhân viên sẽ có mức thu nhập tốt hơn. Song thường thì trên hội sở, thu nhập sẽ tốt hơn cả”, một người lý giải.
Hầu hết các “banker” mà VietTimes tiếp xúc đều thừa nhận rằng nhân viên ngân hàng là một công việc nhiều áp lực. “Chỉ tiêu, KPI luôn thường trực trong đầu, vất vả nhưng để đạt được không dễ”.
“Tuy nhiên, nghề ngân hàng cũng mang lại rất nhiều trải nghiệm quý báu, mở rộng quan hệ khá tốt, học hỏi được nhiều và giúp trưởng thành khá nhanh. Thu nhập so với thị trường cũng là chấp nhận được”, quan điểm của một cán bộ tín dụng (nhân viên quan hệ khách hàng) được khá nhiều đồng nghiệp đồng thuận.
Dòng vốn liên ngân hàng
Trở lại với BCTC mà VIB mới phát hành, tính tới 30/06/2017, tổng tài sản của ngân hàng đạt 115.353 tỷ đồng, tăng 10,4% so với thời điểm đầu năm.
Tổng huy động thị trường 1 (tiền gửi dân cư và tổ chức) đạt 62.183 tỷ đồng, tăng 4,9%. Trong khi ở hướng ngược lại, cho vay khách hàng đạt 69.205 tỷ đồng (dự phòng 887 tỷ đồng).
Có nghĩa rằng, tính riêng thị trường 1, quy mô cho vay ở VIB đã vượt quy mô huy động, với tỷ lệ LDR (cho vay/huy động) đạt 112,3%. Con số này, ít nhiều cho thấy áp lực thanh khoản ở VIB tại thời điểm giữa năm, bởi về mặt lý thuyết, tỷ lệ đẹp cho LDR thường từ 80 – 85%.
Thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) cho hay, mức LDR ước tính cho cả hệ thống tín dụng Việt Nam cùng thời điểm trên là 87%.
Với việc quy mô cho vay đã vượt quy mô huy động, không lạ khi VIB đã phải mượn vốn từ các tổ chức tín dụng khác, hay nói cách khác là từ thị trường liên ngân hàng (thị trường 2), để giải quyết thanh khoản.
Cập nhật tại 30/06/2017, tổng tiền gửi vào vay các tổ chức tín dụng (TCTD) khác ở VIB là 33.301 tỷ đồng, không khác biệt nhiều so với mức 33.262 tỷ đồng ở thời điểm đầu năm.
Trong đó, tiền gửi của các TCTD khác là 19.343 tỷ đồng (Mức lãi suất cập nhật tại thời điểm 30/06/2017 là 1,5% - 4,9%/năm đối với VND; Và 1,2% - 2,3%/năm với ngoại tệ); Vay các TCTD khác là 13.958 tỷ đồng (mức lãi suất 1,5% - 4,9%/năm với VND, và 1,2% - 2,3% với ngoại tệ).
Ở phía ngược lại, VIB đang gửi tại các TCTD khác 9.473 tỷ đồng và cho vay 808 tỷ đồng.
Có thể thấy, quy mô huy động vốn từ thị trường 2 ở VIB là khá lớn, chiếm tới 29% tổng tài sản của ngân hàng và bằng 53% số huy động từ thị trường 1, cao hơn đáng kể so với các nhà băng khác. Chưa kể VIB còn đang có 1.000 tỷ đồng nợ Chính phủ và NHNN.
Ở khía cạnh tích cực, điều này cho thấy khả năng giải ngân và mở rộng tín dụng ấn tượng ở VIB, khi họ còn mượn được vốn nhàn rỗi của các ngân hàng khác để cho vay kiếm lời. Nhưng ở khía cạnh khác, nó lại cho thấy sự phụ thuộc vào thị trường liên ngân hàng và thiếu chủ động trong khả năng huy động vốn từ khu vực dân cư và doanh nghiệp. Bài học tăng trưởng nóng và hậu quả của việc này đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn là nhãn tiền.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của VIB cho thấy, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của VIB đã tăng trưởng âm trong nửa đầu năm 2017, với giá trị là -1.735 tỷ đồng. Cùng kỳ 2016, giá trị này là +4.748 tỷ đồng.
Đầu tư lớn vào Trái phiếu Chính phủ
Một đặc trưng khác trong cấu trúc tài sản của VIB, đó là bên cạnh việc cho vay, ngân hàng cũng sử dụng một phần đáng kể vốn huy động được cho hạng mục chứng khoán đầu tư, với tổng quy mô 32.429 tỷ đồng.
Trong đó, chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán là 31.312 tỷ đồng, chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn là 2.128 tỷ đồng. VIB đã trích lập 1.011 tỷ đồng để dự phòng rủi ro cho chứng khoán đầu tư.
Theo thuyết minh, phần lớn chứng khoán đầu tư của VIB là Trái phiếu Chính phủ, với quy mô 20.607 tỷ đồng. Có nghĩa, tính an toàn trong đầu tư khá cao. Còn lại là Chứng khoán nợ do các TCTD khác phát hành 2.401 tỷ đồng và Chứng khoán nợ do các TCKT trong nước phát hành 8.294 tỷ đồng.
Tính tới 30/6/2017, tổng mệnh giá trái phiếu đặc biệt mà VAMC phát hành cho VIB là 2.085 tỷ đồng. Trong đó, VIB đã trích lập dự phòng được 854 tỷ đồng.
Ngoài ra, ngân hàng cũng đang hạch toán 1.741 tỷ đồng tài sản Có khác. Trong đó, các khoản lãi, phí phải thu (lãi dự thu) là 1.060 tỷ đồng.
Một chỉ tiêu quan trọng đối với mỗi tổ chức tín dụng, đó là chất lượng dư nợ cho vay, mà cụ thể hơn là tỉ lệ nợ xấu.
Ở VIB, trong 69.205 tỷ đồng cho vay khách hàng thì có 22.915 tỷ đồng nợ nhóm 1, 501 tỷ đồng nợ nhóm 2, 259 tỷ đồng nợ nhóm 3, 126 tỷ đồng nợ nhóm 4 và 1.404 tỷ đồng nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn). Tương ứng, tổng nợ xấu cho vay khách hàng ở VIB là 1.789 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 2,59% tổng dư nợ.
Trong kỳ, VIB đã mua lại một số khoản nợ xấu từ VAMC với số tiền là 373,5 tỷ đồng để thực hiện các biện pháp thu hồi và xử lý.
Theo thuyết minh, phần lớn dư nợ của VIB là nợ trung dài hạn, với quy mô 50.097 tỷ đồng, chiếm 72,4%. Trong khi, nợ ngắn hạn là 19.107 tỷ đồng.
Theo báo cáo kết quản hoạt động kinh doanh, nửa đầu 2017, tổng lợi nhuận trước thuế của VIB đạt 383 tỷ đồng, tăng 25,6% so với cùng kỳ 2016 và bằng 50% kế hoạch cả năm 2017.
Ngày 9/1/2017, 564.442.500 cổ phiếu của VIB chính thức giao dịch trên UPCoM. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 17.000 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, vốn hóa của VIB đạt gần 9.600 tỷ đồng.
Việc đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán tập trung của VIB nhằm mục tiêu chia sẻ minh bạch các thông tin về hoạt động của ngân hàng, giá cổ phiếu, giá trị vốn hóa thị trường, thanh khoản của cổ phiếu VIB, giúp các nhà đầu tư dễ dàng hơn trong việc ra quyết định đầu tư./.