Nhiều cổ phiếu tăng hơn 30% từ đáy

Nhiều cổ phiếu đã có mức tăng giá hơn 30% trong 1 - 2 tuần qua. VN-Index có diễn biến phục hồi, bất chấp lo ngại tình hình dịch Covid-19 có nguy cơ tái phát.
Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Không ít công ty chứng khoán đánh giá, thị trường tiềm ẩn rủi ro cao với biến động mạnh trước áp lực suy thoái toàn cầu do tác động của dịch bệnh, qua đó tác động tiêu cực lên nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Tuy nhiên, tâm lý thị trường ổn định nhờ nhóm bluechip giữ nhịp, giúp các nhóm cổ phiếu khác cũng tăng giá mạnh.

Cơ hội đầu tư xuất hiện ở những cổ phiếu thuộc các nhóm ngành được dự báo sẽ duy trì đà tăng trưởng trong năm 2020, hoặc giá giảm sâu dưới giá trị nội tại và cả các cổ phiếu có tính thị trường cao, thiếu bền vững.

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán BSC, trong tuần qua, nhóm vốn hóa lớn (largecap) tăng 6,72%, nhóm vốn hóa trung bình (smallcap) tăng 4,31%, nhóm vốn hóa nhỏ (smallcap) tăng 5,96%, nhóm vốn hóa nhỏ - đầu cơ (penny) tăng 2,53%, VN30 tăng 7,17%.

Phân theo ngành, Top 3 ngành tăng điểm mạnh nhất là hóa chất tăng 12,41% (GVR tăng 16,09%, DCM tăng 12,48%), hàng cá nhân và gia dụng tăng 12,07% (TCM tăng 19,05%, MSH tăng 24,21%), điện nước và xăng dầu tăng 11,06% (PGD tăng 19,23%, GAS tăng 13,34%).

Đầu tháng 4, thông tin Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư LDG (LDG) bị bán giải chấp được công bố, nhưng giá cổ phiếu này vẫn tăng, bởi trước đó liên tiếp giảm.

Một nhà đầu tư chia sẻ, nhận thấy lực cầu bắt đáy diễn ra khá mạnh, anh mua cổ phiếu LDG trong phiên 1/4 với giá gần 4.000 đồng/cổ phiếu, sau đó hiện thực hóa lợi nhuận tại mức giá gần 5.000 đồng/cổ phiếu trong phiên 10/4, lãi hơn 25%.

“Đây là mức lãi tuyệt vời trong bối cảnh khó kiếm lời vì dịch Covid-19”, nhà đầu tư nói. Sau đó, giá cổ phiếu LDG dao động quanh ngưỡng 5.000 đồng/cổ phiếu, thanh khoản ở mức 3 - 4 triệu đơn vị/phiên.

Tương tự, cổ phiếu C4G kể từ khi chào sàn UPCoM cuối năm 2018 với giá 14.000 đồng/cổ phiếu chủ yếu nằm trong xu hướng giảm giá, đến cuối tháng 3/2020 xuống mức thấp nhất 3.600 đồng/cổ phiếu, nhưng 1 tuần gần đây (8 - 15/4) tăng giá hơn 26%, trước thông tin Nhà nước đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đáng chú ý, cổ phiếu DRH có 4 phiên tăng trần liên tiếp (9 - 14/4), tổng cộng tăng gần 40%. Ở nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng ghi nhận sự “đồng khởi” sắc tím, sắc xanh ở nhiều mã như VCI, SSI, HCM, AGR…. Nhóm phân bón, dầu khí, hàng không cũng có không ít phiên khởi sắc.

Hai phiên giao dịch đầu tuần này (13 - 14/4), giới đầu tư còn chứng khiến cổ phiếu VPB tăng giá trần trước thông tin ông Nguyễn Đức Giang, con trai ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng giám đốc VPBank đăng ký mua 12 triệu cổ phiếu. Hai phiên sắc tím và một phiên sắc xanh sau đó giúp VPB tăng giá 16%.

Nhóm cổ phiếu “họ” KIDO (ngành thực phẩm) như TAC, KDF, KDC có diễn biến khả quan, cổ phiếu ngành bán lẻ như DGW cũng có sắc xanh sau khi công bố kết quả kinh doanh quý I/2020 tăng trưởng.

Cổ phiếu DBC tăng hơn 32% trong 1 tuần, cổ phiếu MML tăng trần 15% trong phiên 15/4… Đây là hai trong số các mã tăng giá thuộc nhóm các doanh nghiệp được dự đoán có kết quả kinh doanh khả quan không chỉ quý I mà các quý tiếp theo, bởi kinh doanh trong ngành nghề thiết yếu, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, nhu cầu tích trữ của người dân tăng cao hơn so với bình thường.

Với ngành dược phẩm, dự báo chi tiêu thuốc/đầu người duy trì gần 9%/năm, những doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư nhà máy tiêu chuẩn cao và đưa vào hoạt động sẽ có cơ hội tăng trưởng tốt.

Trong đó, IMP và PME là hai doanh nghiệp có số lượng nhà máy đạt tiêu chuẩn EU-GMP nhiều nhất.

Đối với nhóm cổ phiếu nhiệt điện, ngành này có triển vọng duy trì được nhịp tăng trưởng trong 3 năm tới.

Thống kê cho thấy, trong 20 năm trở lại đây, sản lượng điện của Việt Nam chưa bao giờ tăng trưởng dưới 8%/năm, ngay cả trong hai cuộc khủng hoảng thế giới là bong bóng dotcom và khủng khoảng tài chính. Các doanh nghiệp trong ngành này được quan tâm như HND, NT2, POW.

Cổ phiếu ngành nhựa cũng có nhiều triển vọng trong giai đoạn hiện nay sau một giai đoạn giảm chung theo đà giảm của thị trường, khi giá nguyên liệu là dầu đang ở mức thấp kỷ lục nhiều năm.

Ngoài ra, Việt Nam dần chủ động gia tăng sản xuất nguyên liệu nhựa nguyên sinh, giảm phụ thuộc nhập khẩu. Do đó, BMP hay AAA là những cổ phiếu đang được dòng tiền chú ý (phiên 15/4, cổ phiếu AAA tăng giá trần).

Một số ngành khác như cảng biển chưa hồi phục mạnh, nhưng giá nhiều cổ phiếu đầu ngành đang thấp dưới định giá như GMD, VSC được giới phân tích khuyến nghị xem xét đầu tư.

Theo ĐTCK