Covid-19 “kích hoạt” khủng hoảng nợ

VietTimes -- Nếu sự tự mãn và thiếu kỷ luật trong tín dụng doanh nghiệp trong vòng một thập kỷ qua đã tạo ra nguy cơ cho một vụ bùng phát dữ dội, thì đại dịch Covid-19 chính là thứ cung cấp nguyên liệu và nhiên liệu cho vụ bùng phát đó.

Đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 đã và đang mang đến một gánh nặng kép cho các doanh nghiệp sử dụng tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao.

Các chuyên gia Bob Diamond (người sáng lập và CEO của quỹ Atlas Merchant Capital và cựu CEO của Barclays) và Ty Wallach (giám đốc đầu tư tín dụng tại Atlas Merchant Capital) đã chia sẻ quan điểm trên tờ Fortune, cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nợ tiềm tàng đe dọa các công ty đang sử dụng đòn bẩy cao. 

Theo đó, cuộc khủng hoảng do virus Corona gây nên đã gây ra cơn địa chấn trên thị trường tài chính toàn cầu. Trong khi phần lớn sự chú ý dành cho thị trường cổ phiếu, thì thiệt hại do thị trường nợ gây ra có thể lớn hơn nhiều, đặc biệt là cho các công ty phát hành. 

Đối với tất cả (trừ các khoản nợ an toàn nhất), đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 đã đang mang đến một gánh nặng kép. 

Thứ nhất, nó là chất xúc tác làm nổ quả bong bóng tín dụng đang hình thành từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Thứ hai, nó là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng dẫn đến một sự suy giảm nghiêm trọng không được dự báo trước đối với nguồn thu của các công ty.

Nhu cầu tiêu dùng suy giảm có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng nợ cho nhiều công ty. Điều đáng lo ngại nhất là, chưa rõ ai có thể giải quyết vấn đề này.

Thị trường tín dụng doanh nghiệp đã có những thay đổi ngay trước thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, chủ yếu là do sự tăng trưởng về các khoản vay và trái phiếu doanh nghiệp ở Mỹ và trên toàn cầu.

Theo dữ liệu từ JPMorgan, tại Mỹ, kể từ năm 2007, quy mô thị trường các khoản cho vay mang tính đầu cơ (the non-investment-grade) có mức tăng gấp đôi, lên tới 1,3 nghìn tỷ USD, trong khi thị trường trái phiếu lợi tức cao bằng đồng USD đã tăng hơn 65% lên 1,6 nghìn tỷ USD.

Hơn nữa, loại trái phiếu BBB, vốn được xếp hạng thấp nhất nhưng có quy mô lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất trong số các trái phiếu đầu tư (investment grade bonds), đã tăng gấp 4 lần quy mô trong cùng thời gian. 

Cuộc khủng hoảng nợ sẽ còn nghiêm trọng hơn nếu đại dịch Covid-19 không sớm được kiểm soát (Ảnh: Internet)
Cuộc khủng hoảng nợ sẽ còn nghiêm trọng hơn nếu đại dịch Covid-19 không sớm được kiểm soát (Ảnh: Internet)

Đã có nhiều cảnh báo trong nhiều tháng qua, rằng tín dụng doanh nghiệp đặc biệt dễ bị tổn thương có thể sẽ bị điều chỉnh. Kể từ ngày 20/2 vừa qua, thị trường trái phiếu lợi tức cao và thị trường cho vay có đòn bẩy (leveraged loans) đã lần lượt giảm 16% và 14%. Thật không may, mức giảm của hai thị trường này, có thể và sẽ còn tiếp tục trở nên xấu đi.

Ngoài việc đóng vai trò là chất xúc tác cho một cuộc khủng hoảng trên thị trường tín dụng, đại dịch Covid-19 đang có tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu. Ngân hàng Goldman Sachs đã dự báo mức GDP trong quý II sẽ giảm 34%, con số cao kỷ lục và nhiều hơn bất kỳ mức giảm nào trước đây của kinh tế Mỹ.

Điều đáng lo ngại là không ai biết chính xác tình trạng như hiện tại sẽ kéo dài bao lâu. Các biện pháp cách ly tại nhà sẽ làm thiệt hại lớn đến nền kinh tế toàn thế giới. Điều này sẽ khiến các nhà đầu tư đòi hỏi một mức phần bù rủi ro lớn hơn (risk premiums) và trở nên thận trọng hơn, việc điều chỉnh các khoản tín dụng sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng nợ. 

Chính phủ và các ngân hàng trung ương đã tung ra nhiều gói kích cầu, bao gồm các chương trình tín dụng quy mô lớn nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đang vay nợ.

Theo Bloomberg, trên thực tế, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đầu tư (investment-grade) đã huy động được 109 tỷ USD vào tuần trước, cao hơn với mức kỷ lục trước đó gần 50%.

Tuy nhiên, các chương trình tín dụng quy mô lớn này không mang lại lợi ích trực tiếp cho các nhà phát hành trái phiếu mang tính đầu cơ (non-investment-grade issuers) - những công ty đang có 3 nghìn tỷ USD trái phiếu và nợ vay. 

Mặc dù các chuyên gia tỏ ra đồng tình với các chính sách này nhưng bên cạnh đó, vẫn còn những đối tượng chiu rủi ro, đặc biệt là đối với các công ty vừa và nhỏ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các khoản vay hàng nghìn tỷ USD. Vốn tư nhân có thể là một biện pháp để lấp đầy khoảng trống, nhưng khi phần bù rủi ro tăng cao thì giá sẽ xuống dốc.

Do đó, một vòng xoáy giữa trái phiếu lợi tức cao và các khoản vay có đòn bẩy sẽ tồn tại vì những người không có thẩm quyền sẽ không thể tác động vào tính thanh khoản của các thị trường này.

Nếu sự tự mãn và thiếu kỷ luật trong tín dụng doanh nghiệp trong vòng một thập kỷ qua đã tạo ra nguy cơ cho một vụ bùng phát dữ dội, thì đại dịch Covid-19 chính là thứ cung cấp nguyên liệu và nhiên liệu cho vụ bùng phát đó. Đây sẽ là hồi chuông cảnh báo cho một bộ phận lớn thị trường tín dụng.

Sau cùng, thế giới sẽ thoát khỏi khủng hoảng, nhưng nhiều công ty thì không. Chính phủ có thể phải làm rất nhiều việc để thúc đẩy khối doanh nghiệp tư nhân./.

(theo Fortune)