Ngày 11/8, UBND TP Đà Nẵng tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn năm 2018, để nghe các doanh nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp du lịch trên địa bàn và các sở, ngành hữu quan của TP trao đổi về tình hình hoạt động, trình bày những vướng mắc, khó khăn trong hoạt động kinh doanh du lịch và đề xuất các giải pháp tháo gỡ.
Buổi gặp mặt do ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng chủ trì, cùng sự tham dự của Sở Du lịch, các Sở ban ngành, các Hiệp hội Du lịch, lữ hành,… và các cơ quan liên quan.
Tăng trưởng mạnh
Tại buổi gặp mặt, đại diện Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2018, lượng khách đến tham quan Đà Nẵng đạt hơn 4 triệu lượt, tăng hơn cùng kỳ 29,4%. Trong đó, khách quốc tế đạt 1,6 triệu lượt, tăng 47,1% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng thu du lịch đạt 13.900 tỷ đồng, tăng 52,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lượng khách du lịch quốc tế tập trung vào 2 thị trường trọng điểm là Hàn Quốc và Trung Quốc. Trong đó, khách Hàn Quốc đạt 801,792 lượt, tăng 101% so với cùng kỳ năm 2017, chiếm 50% cơ cấu khách; và khách Trung Quốc đạt 368,086 lượt, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2017, chiếm tỷ lệ 23% trong cơ cấu quốc tịch khách.
“Được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo TP Dà Nẵng và sự giúp đỡ, hỗ trợ của các ngành, cùng với sự nỗ lực của toàn ngành mà hoạt động du lịch 6 tháng đầu năm 2018 của Đà Nẵng có bước phát triển khá” - ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch nói.
Ngày 11/8, UBND TP Đà Nẵng tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn năm 2018.
|
Tuy nhiên cũng theo lãnh đạo Sở Du lịch Đà Nẵng, với tốc độ tăng trưởng nhanh về khách du lịch quốc tế, đặc biệt là thị trường khách Hàn Quốc, Trung Quốc đã xuất hiện tình trạng tour giá rẻ.
Bên cạnh việc tăng lượng du khách, qua đó góp phần kính thích đầu tư, bất động sản, chất lượng nhà hàng khách sạn,…du lịch Đà Nẵng phát sinh tour giá rẻ với nhiều hạn chế, gây ảnh hưởng đến môi trường du lịch.
Cụ thể: qua thanh tra, Sở Du lịch đã quyết định xử phạt 28 trường hợp vi phạm hành chính với tổng số tiền 197,2 triệu đồng. Trong đó: phát hiện 6 người nước ngoài vi phạm hoạt động hướng dẫn du lịch tại Việt Nam (1 người Trung Quốc, 6 người Hàn Quốc); phối hợp với Công an TP Đà Nẵng phát hiện 23 người nước ngoài (20 người Trung Quốc, 3 người Hàn Quốc) có hoạt động điều hành, hướng dẫn khách du lịch “chui”;…
Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng chia sẻ: “Với những gì đang diễn ra, đã đến lúc Đà Nẵng cầm xem xét lại tour giá rẻ, bởi hoạt động này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch Đà Nẵng. Đà Nẵng cần phải chuyển hướng nhanh, phát triển đến những thị trường du lịch đẳng cấp, hướng về chất lượng chứ không chỉ số lượng và không nên phụ thuộc vào các thị trường tour giá rẻ, đông khách”.
“Chúng ta cần chọn lọc du khách văn minh hơn thì môi trường, văn hóa, tự nhiên của địa phương sẽ được tốt hơn. Không nhất thiết quảng bá ở các thị trường hiện tại mà giành nguồn lực để quảng bá ở thị trường khác tốt hơn, tránh bẫy thu nhập thấp của ngành du lịch. Và bẫy thu nhập thấp đó sẽ làm biến dạng điểm đến TP Đà Nẵng. Và nếu không đa dạng thị trường khách, tránh bị lệ thuộc vào một thị trường du lịch nhất định sẽ gặp nhiều rủi ro và bị hủy hoại”- ông Huỳnh Tấn Vinh nói.
Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng đề nghị Sở Du lịch cần chuyển hướng nhanh, phát triển đến những thị trường du lịch đẳng cấp, hướng về chất lượng chứ không chỉ số lượng và không nên phụ thuộc vào các thị trường tour giá rẻ, đông khách
|
“Cần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, giải trí, trên địa bàn. Bên cạnh đó, cần nhìn nhận rằng chúng ta phát triển du lịch tốt, nhưng vẫn còn thiếu bền vững, thiếu trân trọng môi trường. Và điều này cần được khắc phục, nhất là tình trạng xả nước thải ra biển du lịch. Nơi được ví như con mắt, con ngươi và là mũi nhọn của kinh tế du lịch Đà Nẵng”- ông Huỳnh Tấn Vinh nhấn mạnh.
Nhưng HDV thất nghiệp
Cũng tại buổi gặp mặt, lần đầu tiên một hướng dẫn viên (HDV) phát biểu, bày tỏ tâm tư và chỉ ra mặt trái của tour du lịch giá rẻ, cũng như những khuất tất từ thị trường khách khách và tình trạng HDV “chui”.
Anh Chế Viết Đông, hướng dẫn viên tiếng Trung tại Đà Nẵng cho biết, hiện có rất nhiều hướng dẫn viên tiếng Trung thất nghiệp, trong đó có bản thân anh, nguyên nhân do người Trung Quốc hoạt động trái phép tại Đà Nẵng rất tinh vi thông qua các tour du lịch giá rẻ đã loại bỏ hướng dẫn viên bản địa.
Anh Chế Viết Đông, hướng dẫn viên tiếng Trung tại Đà Nẵng thẳng thắn chỉ rõ những khuất tất của tour giá rẻ và hướng dẫn viên "chui" người Trung Quốc
|
Mặc dù vấn đề này đã được mang ra bàn họp nhiều lần, nhưng kết quả vẫn không đi đến đâu. Đáng ngại hơn, theo anh Đông, bất kỳ HDV nào đứng lên phát biểu tại các cuộc họp về thực trạng này thì sau đó... coi như mất việc.
“Tại các buổi họp đều có người của lữ hành đến để nghe xem hướng dẫn A, hướng dẫn B nói gì về HDV người Trung Quốc. Bản thân em hôm nay đứng nói ở đây cũng đã xác định không có đoàn để đi nữa rồi. Nhưng phía sau lưng em là hơn 100 HDV. Họ rất kỳ vọng vào buổi gặp gỡ hôm nay. Dù thế nào đi nữa em cũng phải thay mặt anh chị em nói lên những tâm tư này” - anh Chế Viết Đông nói.
Cũng theo HDV Chế Viết Đông, việc Sở Du lịch đã thanh, kiểm tra và xử lý một trường hợp HDV Trung Quốc hoạt động trái phép tại thị trường Đà Nẵng là chưa phản ánh đúng hoàn toàn thực tế. “Em thấy con số này quá buồn cười và không chấp nhận được. Thậm chí có nhiều người nói vui Đà Nẵng là “TP 5 không”, giờ thêm cái không thứ sáu là “không quan tâm”.
Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng
|
Đồng thời cho rằng, “Tour giá rẻ hình thành 2 lý do, người Trung Quốc ham giá rẻ và thị trường Trung Quốc quá rộng lớn nên các đơn vị lữ hành buộc giảm giá, thậm chí chấp nhận lỗ để đưa khách sang. Điều này dẫn đến một hệ lụy là mạo nhận sản phẩm Việt Nam, tức là tất cả sản phẩm hàng hóa đều từ Trung Quốc, họ có thể nâng cao lợi nhuận và bù lỗ chi phí đưa ra, lúc này vai trò hướng dẫn viên không còn đơn thuần là thuyết minh văn hóa, lịch sử Việt Nam nữa mà là với vai trò một người marketing cho sản phẩm đó. Vì lý do đó, lữ hành Trung Quốc muốn sử dụng người Trung Quốc đế khả năng truyền tải ngôn ngữ tốt hơn và đem lại hiệu quả mua sắm tốt hơn”- anh Chế Viết Đông nói.
“Rất nhiều hướng dẫn viên tiếng Trung vì đạo đức mà không chấp nhận để người Trung Quốc thao tác, không chấp nhận làm “seating guide” nên họ chấp nhận thất nghiệp, dù có vài hướng dẫn viên lớn tuổi vẫn làm vì miếng cơm manh áo mới chấp nhận như vậy… Chúng tôi chỉ mong rằng có một đơn vị xử lý trực tiếp việc này” - anh Đông chia sẻ thêm.
Cũng theo hướng dẫn viên nhiều kinh nghiệm này, đơn vị lữ hành sử dụng một hướng dẫn viên Việt Nam ngồi trên xe nhưng tất cả lại là người Trung Quốc thao tác, nên để quản lý vấn đề này, các xe vận chuyển khách du lịch cần phải lắp camera để cơ quan chức năng có thể quản lý. Việc lắp camera trên xe vừa đảm bảo quyền lợi cho khách du lịch, vừa giúp cho các cơ quan chức năng biết được người Việt Nam hay người nước ngoài đang thuyết minh trên xe. “Tôi thấy, năm 2015 có xảy ra một vụ người Trung Quốc giết người Trung Quốc, hung thủ sau đó đã trốn nhưng công an vẫn tìm ra được, vậy tại sao người nước ngoài hoạt động tại địa bàn Đà Nẵng chúng ta lại không quản lý được, chuyện này quá vô lý” - anh Đông chia sẻ thêm.
Ông Trần Trà-Chủ tịch Chi hội Hướng dẫn viên du lịch TP Đà Nẵng cho biết, hiện tại có tình trạng người Trung Quốc núp bóng công ty lữ hành để khai thác thị trường khách Trung Quốc nên dẫn đến không dùng hướng dẫn viên nội địa như HDV Đông đã nói.
|
Cùng quan điểm với HDV Chế Viết Đông, ông Trần Trà-Chủ tịch Chi hội Hướng dẫn viên du lịch TP Đà Nẵng cho biết, hiện tại, đối với thị trường, khách Trung Quốc có 82-100 HDV không có việc làm do nhiều lý do. Trong đó có tình trạng người Trung Quốc núp bóng công ty lữ hành để khai thác thị trường khách Trung Quốc nên dẫn đến không dùng hướng dẫn viên nội địa như HDV Đông đã nói.
“Theo chúng tôi nắm được có 10 công ty lữ hành trong 45 công ty lữ hành trong câu lạc bộ khai thác khách Trung Quốc là có người Trung Quốc cùng hoạt động với Công ty lữ hành đó bất hợp pháp. Vấn đề này cần cơ quan chức năng, quản lý nhà nước vào cuộc.
Hiện Đà Nẵng có 3.741 HDV, chi hội quản lý 1212 người, chưa được 50%, vừa rồi HDV bị đánh phải đi nằm bệnh viện, sau đó được cơ quan chức năng xử lý, phạt hành chính. Tuy nhiên xử lý còn chậm trễ, chưa đảm bảo tính nghiêm minh và chưa thỏa đáng”- ông Trần Trà-Chủ tịch Chi hội Hướng dẫn viên du lịch TP Đà Nẵng nói.
Vẫn còn “nhiều vấn đề”
Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Văn Hùng, Hội lữ hành TP Đà Nẵng cho rằng, mặc dù Đà Nẵng đón khách nhiều, nhưng đang đối mặt với tình trạng thất thu thuế đối với tour “0 đồng” vì không kiểm soát được chi tiêu của khách. Lấy dẫn chứng từ doanh nghiệp của mình, ông Hùng cho rằng lượng khách của doanh nghiệp ông chỉ 20-30 nghìn khách/năm, doanh thu vài chục tỷ và đóng thuế đầy đủ nhưng vì ý kiến nên thường xuyên được cơ quan thuế đến “hỏi thăm”, thì với con số doanh thu đối với hơn 1,6 triệu du khách nước ngoài đến Đà Nẵng trong 6 tháng qua sẽ đi đâu.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Hội lữ hành TP Đà Nẵng cho rằng, mặc dù Đà Nẵng đón khách nhiều, nhưng đang đối mặt với tình trạng thất thu thuế do không kiểm soát chặt tour "0 đồng"
|
“Có những doanh nghiệp khai thác khách Trung Quốc có lượng khách cao gấp 10-20 lần doanh nghiệp của tôi, nhưng doanh thu báo cáo của họ chỉ bằng 1/2-1/3 chúng tôi thì số tiền ấy đi đâu. Nếu muốn kiểm soát được, các cơ quan liên ngành cần kiểm tra doanh nghiệp, thống kê xem thời gian vừa qua thu thuế được bao nhiêu trên số lượng khách này”- ông Nguyễn Văn Hùng nói.
“Cơ quan chức năng kiểm tra mà không xử phạt đến cùng thì cũng chỉ là “bắt cóc bỏ đĩa”. Thành phố nên quyết liệt một lần, không cần sợ làm giảm số lượng khách, chúng ta không cần con số đẹp, mà cần con số thu về cho TP”- ông Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Cũng tại buổi gặp mặt, nhiều nội dung liên quan đến môi trường du lịch Đà Nẵng cũng được các đại biểu tham dự đưa ra như vấn đề bảo vệ môi trường biển cần được chú tâm; lực lượng HDV nội địa cần được bảo vệ; cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ kiểm tra hoạt động của tour giá rẻ; kiểm soát vấn đề nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, giá bán; điều kiện an toàn thực phẩm tại các của hàng khép kín phục vụ tour giá rẻ; người nước ngoài hoạt động chui trên địa bàn; vấn đề gây khó dễ, vòi vĩnh của lực lượng xuất nhập cảnh;…
Du lịch Đà Nẵng đang đối mặt với ô nhiễm bãi biển nghiêm trọng do nước thải xả ra ngoài
|
Đặc biệt là vấn đề giao thông, tình trạng taxi đậu đỗ trên các tuyến đường du lịch ven biển gây ách tắc, cản trở phương tiện vận chuyển khách đến các cơ sở lưu trú. Và nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường biển thường xuyên xảy ra trong thời gian qua.
Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu và với vai trò của mình, UBND TP Đà Nẵng sẽ xem xét xử lý tháo gỡ. “Đã đến lúc ngành du lịch thành phố phải nghĩ đến thu hút lượng khách chất lượng, chứ không chạy theo số lượng. Tôi kêu gọi cộng đồng du lịch cùng hướng về chất lượng để đảm bảo được sự phát triển bền vững. Chất lượng ở đây gồm: Chuẩn lưu trú; chuẩn hướng dẫn viên; chuẩn gói sản phẩm với nhiều sự khác biệt; chuẩn môi trường du lịch, an toàn văn minh… Điều này đòi hỏi sự chung tay giữa thành phố cũng như cộng đồng doanh nghiệp”- ông Đặng Việt Dũng nói.
“Về việc lắp camera trên xe, ông Đặng Việt Dũng cho rằng đây là việc hết sức cần thiết, vì sự nghiệp chung, vì môi trường, vì tất cả chúng ta thì đồng lòng. Các doanh nghiệp phải họp lại xem có ký được một cam kết để cùng nhau làm được không. Như vậy thì HDV rất tốt, nhà xe rất tốt và chúng ta minh bạch được việc quản lý du lịch.
Trong tuần sau các đồng chí nên bắt đầu làm việc này ngay. Nếu được thì khoảng cuối tháng 9 kết thúc việc lắp camera cho tất cả các xe của TP. Dĩ nhiên các xe khác sẽ có giải pháp nhưng trước mắt chúng ta phải làm trước để làm gương đã” - ông Đặng Việt Dũng bày tỏ.