Các nhân tố định hướng
Theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam đã và đang chứng kiến rất nhiều nhà điều hành khách sạn, các thương hiệu quốc tế tham gia.
Tuy nhiên, ông Mauro Gasparotti nhận xét thị trường du lịch đang bị tác động và định hướng bởi bốn nhân tố then chốt. “Có bốn xu hướng chính tác động mạnh đến du lịch toàn cầu cũng như tương lai của thị trường này. Bao gồm phát triển về công nghệ, thay đổi hành vi người tiêu dùng, thay đổi nhân khẩu học và phát triển hạ tầng giao thông. Các nhà đầu tư tại Việt Nam cần nghiên cứu thật kỹ lưỡng những xu hướng này để từ đó xác định sản phẩm phù hợp và áp dụng vào các dự án tương lai để tạo nên sự đổi mới và khác biệt trong loại hình sản phẩm thay vì chỉ đơn thuần lặp lại những mô hình cũ vốn đã được phát triển khá nhiều trong thập kỷ qua.
Khách hàng ngày nay mong muốn đi du lịch để được trải nghiệm chứ không chỉ đơn thuần là tìm một nơi để ngủ. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, khách du lịch ngày nay có thể dễ dàng truy cập vào mạng Internet để tìm kiếm thông tin và chọn lựa những cơ sở lưu trú mà ở đó cung cấp cho họ gói dịch vụ tốt nhất” - ông Mauro Gasparotti phát biểu.
Một trong bốn xu hướng chính góp phần thay đổi bộ mặt của ngành du lịch nghỉ dưỡng là thế hệ Millennials, hiện đang chiếm gần 40% dân số Việt Nam (theo số liệu năm 2016).
Thế hệ này hiện đang đóng vai trò quan trọng trong việc tác động đến ngành du lịch nghỉ dưỡng do sự quan tâm đặc biệt của họ đến sức khỏe cũng như môi trường.
Các chuyên gia BĐS chia sẻ các xu hướng mới của thị trường du lịch và các giải pháp cho thị trường khách sạn tại Đà Nẵng
|
Đồng quan điểm, ông Winn, đại diện của Lub d. Co.ltd nhận xét: “Để có thể thu hút đối tượng khách trên, chủ đầu tư cần đặc biệt chú ý đến thiết kế và cơ sở vật chất để đảm bảo rằng khách hàng Millennial sẽ có trải nghiệm du lịch đáng nhớ thay vì chỉ cung cấp nhu cầu lưu trú đơn giản. Trong đó đường truyền wifi tốc độ cao và việc ứng dụng của nền kinh tế chia sẻ được cho là rất quan trọng đối với đối tượng này”.
Còn ông Bryan Chan, đại diện của Tập đoàn InterContinental thì lạc quan cho rằng, là một trong những quốc gia có dân số lớn nhất ở Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng lượng khách du lịch ở mức hai con số và nền kinh tế phát triển bền vững, "chúng tôi rất lạc quan về thị trường Việt Nam" - ông Bryan Chan phát biểu.
Doanh nhân nước ngoài này cho biết ông "nhìn thấy tại đây cơ hội phát triển bất động sản nghỉ dưỡng ở nhiều phân khúc khác nhau. Những vị trí tiềm năng để phát triển du lịch không chỉ nằm ở các thành phố lớn như TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, mà còn ở các tỉnh thành nhỏ hơn như Bình Dương, Vũng Tàu".
Theo ông ông Bryan Chan, với lợi thế địa hình đa dạng gồm đồi núi và bờ biển dài, các địa điểm như Nha Trang, Phú Quốc, Sapa, Vịnh Hạ Long, Vũng Tàu, Huế và Đà Lạt đều đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và điều hành. Ngoài ra, các nhà điều hành như doanh nghiệp của ông cũng đang quan tâm tới một vài điểm đến mới phát triển trong thời gian gần đây như Quy Nhơn và Cần Thơ.
“Chúng tôi tin rằng Ngành du lịch nghỉ dưỡng của Việt Nam sẽ phát triển ở tất cả các phân khúc thị trường từ hạng sang (đa phần ở các thành phố lớn) cho đến phân khúc trung cấp (midscale) với ưu thế thuộc về phân khúc trung cấp do sự tăng trưởng về lượng và nhu cầu du lịch của tầng lớp trung lưu” - ông Bryan Chan nói.
Đại diện của Tập đoàn khách sạn AKARYN - ông Daniel Steinke - cũng chia sẻ về đặc tính của khách hàng Millennial khi họ mong muốn có những kỳ nghỉ với các hoạt động giải trí, trải nghiệm. Đối với phân khúc khách hàng này, việc nghỉ ngơi trong một khu resort đẹp, được nằm trên bãi biển và tận hưởng những ly cocktail ngon tuyệt là chưa đủ. Mà thêm vào đó, họ còn muốn được khám phá và trải nghiệm cuộc sống địa phương.
Đâu là sản phẩm then chốt?
Bên cạnh việc phân tích hành vi người tiêu dùng, các chuyên gia cho rằng thị trường cần có những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của du khách và cho rằng, các sản phẩm Ngôi Nhà Thứ Hai và Condotel là một giải pháp cho nhu cầu thị trường tương lai.
“Các sản phẩm Ngôi Nhà Thứ Hai và Condotel ở Việt Nam đang được nhìn nhận là sản phẩm đầu tư hơn là “lifestyle product” (tức là sản phẩm dành cho nghỉ dưỡng). Nguyên nhân là do việc cạnh tranh gay gắt trong bán hàng đã tác động đến các phương thức quảng bá sản phẩm từ chủ đầu tư. Việc quản lý các dự án này do đó đã trở thành một phần quan trọng mà chủ đầu tư nên đặc biệt lưu ý” - theo ông Mauro Gasparotti.
Còn đại diện của InterContinental Hotel Group thì cho rằng: “Condotel là một loại hình bất động sản vô cùng thú vị. Ở Việt Nam, mô hình này xuất hiện nhiều ở các địa điểm nơi mà người mua muốn sở hữu một tài sản mà họ có thể sử dụng cho mục đích nghỉ dưỡng. Đồng thời tài sản này còn mang đến tiềm năng cho thuê khiến cho các sản phẩm này trở nên hấp dẫn hơn. Chìa khóa then chốt dẫn đến sự thành công ở đây chính là sự dung hòa giữa kỳ vọng của chủ đầu tư, người mua và đơn vị điều hành”.
Cẩn trọng hơn, ông Daniel Steinke, Giám đốc vận hành khu vực Tập đoàn khách sạn AKARYN khuyến cáo: “Cần phải có những hợp đồng rõ ràng và chi tiết ngay từ ban đầu giữa chủ đầu tư và người mua. Chủ đầu tư cần tìm cho mình một đơn vị quản lý có kinh nghiệm vận hành mô hình Condotel vì rất khó để yêu cầu người mua phải bỏ thêm chi phí để thường xuyên nâng cấp, sửa chữa nhằm đảm bảo tất cả các căn Condotel luôn đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng đồng nhất.”
Thị trường cần có những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của du khách và các sản phẩm Ngôi Nhà Thứ Hai và Condotel là một giải pháp cho nhu cầu thị trường tương lai
|
Và với những gì đang diễn ra, cách thức thực hiện của các nhà đầu tư, ông Mauro Gasparotti lạc quan cho rằng: “Sự phát triển bền vững của ngành du lịch cùng với tư duy sáng tạo trong loại hình sản phẩm, cơ sở vật chất và những hoạt động du lịch sẽ giúp định hình thị trường du lịch nghỉ dưỡng trong tương lai. Với hơn 100 dự án khách sạn đang ở giai đoạn xây dựng và sẽ sớm đi vào vận hành trong thời gian tới, Việt Nam dường như đang sẵn sàng để chia sẻ thị phần 40 triệu lượt khách du lịch quốc tế mỗi năm của Thái Lan”.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng lượt đến khách tham quan, du lịch Đà Nẵng ước đạt 4.022.043 lượt, tăng 29,4% so với cùng kỳ 2017, trong đó khách quốc tế ước đạt 1.614.148 lượt, tăng 47,1% so với cùng kỳ 2017, khách nội địa ước đạt 2.407.894 lượt, tăng 19,8% so với cùng kỳ 2017. Tổng thu du lịch 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 13.925,519 tỷ đồng, tăng 52,4% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng doanh thu các khu điểm du lịch trên địa bàn thành phố trong 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt gần 4.500 tỷ đồng, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm 2017. |