Lập lờ tăng mạnh phí, lãi suất
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) vừa phát ra thông báo mới với khách hàng sử dụng thẻ TPBank Visa, đó là “Thay đổi điều kiện, điều khoản của thẻ tín dụng”. Thông báo nhã nhặn này ít được khách hàng đang sử dụng thẻ tín dụng của TPBank chú ý, song bản chất của nó là tăng mạnh lãi suất cho vay qua thẻ.
Cụ thể, theo biểu lãi suất mới mà TPBank áp dụng từ ngày 15/6, lãi vay áp dụng với thẻ TPBank Visa hạng chuẩn lên tới 24,5%/năm, hạng vàng là 22%/năm. Với mức lãi này, TPBank trở thành một trong những ngân hàng áp lãi suất cho vay qua thẻ cao nhất trên thị trường hiện nay.
Trước đó không lâu, ACB cũng bắt đầu thu “Phí gia nhập” khi mở thẻ ghi nợ nội địa với mức 30.000 đồng, chưa kể phí thường niên 50.000 đồng với loại thẻ này.
Không chỉ kín đáo áp dụng biểu phí mới, nhiều ngân hàng còn tăng phí sử dụng thẻ trá hình bằng cách yêu cầu khách hàng tăng số dư bình quân duy trì trong thẻ, giảm hạn mức rút tiền của thẻ từ 5 triệu đồng/lần xuống còn 2 triệu đồng, tăng phí chuyển khoản trên Interet banking...
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, hiện nay, các ngân hàng đưa ra rất nhiều loại phí để tận thu các chủ thẻ. Đơn cử, mỗi chiếc thẻ tín dụng ABBank Visa gánh khoảng 20 loại phí như: phí phát hành thẻ lại, phí cấp lại pin, phí duy trì thẻ, phí giao dịch vấn tin, phí tra soát khiếu nại, phí báo thẻ bị mất cắp, thất lạc hoặc khóa thẻ tạm thời, phí cấp bản sao hóa đơn giao dịch…
Bên cạnh việc ban hành “rừng phí”, các ngân hàng còn áp dụng phí phạt và lãi vay rất cao với chủ thẻ tín dụng chậm thanh toán. Cụ thể, với thẻ tín dụng, khách hàng được áp dụng mua hàng trước, trả tiền sau cho ngân hàng, miễn lãi tới 45 ngày. Tuy nhiên, sau 45 ngày, nếu không trả tối thiểu 5-10% món vay, khách hàng sẽ bị tính phí phạt 3-5% khoản vay, cộng thêm lãi suất cao cắt cổ, dao động từ 16 đến 30%, tùy từng hạng thẻ, tùy từng ngân hàng.
Chủ thẻ mắc bẫy, ngân hàng lãi to
Vài năm gần đây, các ngân hàng đổ xô phát hành thẻ tín dụng, với ưu đãi miễn phí thường niên năm đầu. Nhiều khách hàng được “dụ” làm thẻ nhưng không sử dụng và sau một thời gian mới ngã ngửa, dù không sử dụng các năm sau đó thì khách hàng vẫn phải trả phí thường niên (200.000 đến 1,2 triệu đồng/năm), thẻ bị khóa vẫn phải đóng phí. Nếu không thanh toán phí thường niên, ngân hàng sẽ tính lãi phạt và khách hàng bị dính vào nợ xấu, dẫn đến khó khăn khi giao dịch tại các ngân hàng khác.
Các loại phí cộng với lãi suất cao đã khiến các ngân hàng lãi lớn từ dịch vụ thẻ. Hiện cả nước có hơn 77 triệu thẻ ngân hàng, nếu loại trừ 50% thẻ “rác”, nhân lên với số phí thì các ngân hàng cũng đã thu về hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm. Tại các ngân hàng lớn, theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, lượng giao dịch thẻ mỗi ngày dao động từ 400.000 đến 800.000 lượt, thì tính riêng phí rút tiền qua thẻ mà ngân hàng thu về đã lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Chính vì vậy, một xu hướng dễ thấy là thời gian gần đây, các ngân hàng không còn mở rộng mạng lưới ATM, thay vào đó là tăng máy cà thẻ (POS) để khuyến khích thanh toán qua mạng và đẩy mạnh thu phí. Tại các ngân hàng nhỏ, do sống dựa vào ATM của ngân hàng lớn và đưa ra phí cao với chủ thẻ, nên dịch vụ thẻ cũng mang lại cho ngân hàng nguồn lợi không nhỏ. Báo cáo tài chính nhiều ngân hàng quý I/2015 cho thấy, thu từ dịch vụ tăng rất mạnh.
Ngân hàng đầu tư hệ thống hạ tầng, công nghệ thông tin để phục vụ chủ thẻ thì yêu cầu khách hàng trả phí là bình thường. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc tận thu phí, chia nhỏ hàng chục loại phí và thiếu minh bạch trong thu phí hiện nay của ngân hàng đang gây phản cảm. Nhiều khách hàng đã tỏ ra ngán ngại với thẻ ngân hàng, ảnh hưởng đến chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ.
Theo: Báo Đầu tư