Hãng tin RIA Novosti (Nga) gần đây có bài viết cho hay ngày 7/6, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã có cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc, ông Thường Vạn Toàn bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Astana, Kazakhstan. Ông Sergei Shoigu đề nghị ký kết Kế hoạch hợp tác quân sự giai đoạn 2017 - 2020 giữa hai nước. Ông Sergei Shoigu nhấn mạnh, quan hệ Nga - Trung đang ở mức cao và đang phát triển ổn định.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và Nga không công bố nội dung của kế hoạch này, nhưng có thể suy đoán văn kiện mới sẽ chủ yếu đề cập đến huấn luyện tác chiến liên hợp, trao đổi tin tức tình báo và chống khủng bố giữa quân đội hai nước.
Nhà nghiên cứu Vasilii Cashin từ Viện nghiên cứu Viễn Đông Nga cho rằng: “Không loại trừ kế hoạch này sẽ bao gồm các biện pháp chung của hai nước đối với chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Thông tin nào được công bố sẽ do Bộ Ngoại giao đưa ra, còn quyết định kỹ thuật quân sự của vấn đề này sẽ không công khai. Nhưng có thể khẳng định, sẽ tổ chức nhiều cuộc diễn tập, huấn luyện liên hợp hơn. Phạm vi các cuộc huấn luyện, diễn tập liên hợp, số lượng binh sĩ và trang bị tham gia không ngừng tăng lên. Mùa hè năm 2017, quân nhân Trung Quốc sẽ lần thứ ba tham gia thi đấu quân sự quốc tế do Bộ Quốc phòng Nga tổ chức”.
Cuộc diễn tập quân sự song phương lần đầu tiên giữa Nga và Trung Quốc được tổ chức ở bán đảo Sơn Đông và Vladivostok vào năm 2005, tổng cộng có hơn 10.000 binh sĩ tham gia. Sau đó, các cuộc diễn tập tương tự được tổ chức thường niên. Các quan chức nhiều lần nhấn mạnh, các cuộc diễn tập này có mục đích chống khủng bố rõ ràng. Tuy nhiên, rất nhiều nhà quan sát chỉ ra, lực lượng và trang bị gia huấn luyện liên hợp có thể tiến hành đáp trả đội quân mạnh của bên thứ ba.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Trung Quốc và Nga đã trở thành đồng minh quân sự, song quy mô, mức độ và trình độ hợp tác của lực lượng vũ trang hai nước thực sự là chưa từng có trong lịch sử cận đại Nga.
Nga và Trung Quốc tăng cường hợp tác quân sự khiến cho Mỹ rất bất mãn. Hai nước lớn quân sự mạnh nhất Âu - Á liên minh với nhau thậm chí có thể tạo ra thách thức cho NATO.
Gần đây, đối thoại về tăng cường hợp tác quân sự giữa Nga và Trung Quốc ngày càng thường xuyên. Leonid Ivashov, Viện trưởng Viện nghiên cứu các vấn đề địa chính trị Nga cho rằng kế hoạch hợp tác quân sự sẽ có lợi cho Trung Quốc và Nga hợp tác ngăn chặn chính sách bá quyền của Mỹ.
Trước hết là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi tàu sân bay Mỹ thường xuyên “trực ban”. Cách đây không lâu, việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc đã gây bất mãn mạnh mẽ cho Moscow và Bắc Kinh. Trung Quốc có thể sẽ sử dụng hệ thống tên lửa phòng không kiểu Nga để đáp trả.
Tháng 4/2017, Cơ quan hợp tác kỹ thuật quân sự Liên bang Nga xác nhận, Nga đã bắt đầu thực hiện hợp đồng cung ứng hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Trung Quốc. Các nguồn tin cho biết Bắc Kinh đã mua vài tiểu đoàn S-400, trị giá khoảng 3 tỷ USD.
Đây không phải là hợp đồng duy nhất. Trước cuối năm 2017, Trung Quốc sẽ nhận được 10 máy bay chiến đấu Su-35, năm 2016 đã nhận được 4 chiếc. 10 chiếc còn lại theo quy định của hợp đồng sẽ bàn giao vào năm 2018. Mùa thu năm 2017, phi công Trung Quốc sẽ đến Moscow học tập cách lái loại chiến đấu cơ tối tân này.
Trong báo cáo sức mạnh quân sự Trung Quốc thường niên, Lầu Năm Góc Mỹ cảnh báo Quốc hội nước này rằng Trung Quốc sẽ xây dựng nhiều căn cứ quân sự hơn ở nước ngoài, tăng cường sức ép đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài ra, quân đội Mỹ khẳng định cơ quan tình báo Trung Quốc đã tiến hành tấn công mạng đối với hệ thống dịch vụ của Chính phủ và Bộ Quốc phòng Mỹ.
Moscow và Bắc Kinh hiểu rất rõ lập trường của Mỹ. Để đối phó với Washington trong tình hình hiện nay, hai nước liên minh là hoàn toàn hợp lý. Đương nhiên, họ sẽ trước hết thực hiện các mục tiêu và lợi ích của mình. Nga-Trung hiểu rõ độc lập đối phó Mỹ sẽ khó khăn hơn nhiều.
Trước năm 2020, Trung Quốc và Nga sẽ tổ chức nhiều cuộc diễn tập quân sự lớn, bao gồm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tháng 9/2016, lực lượng thủy quân lục chiến Nga và Trung Quốc đã cùng tập trận ở Biển Đông khiến dư luận quốc tế chú ý.