Thông tin gần đây trên báo chí Trung Quốc được Reuters dẫn lại về việc triển khai trái phép trên đảo nhân tạo xây dựng phi pháp ở Biển Đông các hệ thống chống súng phóng lựu mà một số phương tiện truyền thông phương Tây gọi là “bệ phóng tên lửa” đã gây sự chú ý quốc tế và có thể được coi là một bước mới quân sự hóa các thực thể địa lý trên.
Chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin phân tích trên Sputnik về sự kiện trên cho rằng hệ thống vũ khí này đã từng xuất hiện trong bức ảnh của truyền thông Trung Quốc về các nghệ sĩ Đoàn ca múa nhạc quân đội, được công bố đầu năm 2013. Trong bức ảnh, đằng sau các nghệ sĩ múa, có thể thấy hệ thống này một cách rõ ràng, có vẻ giống như súng phóng lựu chống phá hoại nổi tiếng DP-65 của Nga.
Tổ hợp tự động này có thể phát hiện thợ lặn trong nước ở khoảng cách lên đến 500 mét, và phát hiện từ một đến bốn súng phóng lựu 55 mm điều khiển từ xa. Tổ hợp được thiết kế bởi Công ty quốc phòng nghiên cứu sản xuất Basalt của Nga, nhà phát triển đạn và vũ khí phóng lựu lớn nhất, và được sản xuất tại nhà máy mang tên Dyagterev, thành phố Kovrov (khu vực trung tâm Nga).
Tổ hợp DP-65 có thể tự phát hiện mục tiêu dưới nước và bắn vào mục tiêu đó trong chế độ tự động hoặc bằng tay. Do đặc điểm của môi trường nước, vụ nổ nhỏ dưới nước có thể tiêu diệt người nhái đối phương ở khoảng cách rất lớn. Các hệ thống như vậy được trang bị rộng rãi cho các tàu chiến lớn của hải quân Nga, cho phép chúng được bảo vệ khỏi người nhái đối phương và những kẻ khủng bố.
Trung Quốc đã học được cách sản xuất hệ thống này, rất có thể là theo giấy phép của Nga, mặc dù không loại trừ là họ sao chép dựa trên mẫu đã mua. Có sự tương đồng giữa tổ hợp CS/AR-1 sản xuất tại Trung Quốc với mẫu của Nga và đặc tính hiệu suất gần như tương tự. Có thể trong tương lai Trung Quốc sẽ chế tạo các phiên bản hệ thống cải tiến như vậy.
Báo Nga cho rằng việc Trung Quốc bố trí các tổ hợp như vậy trên các đảo ở Biển Đông rõ ràng là biện pháp từ góc độ quân sự. Các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp (phi pháp) tại quần đảo Trường Sa là các đối tượng tương đối dễ bị tổn thương. Trong điều kiện căng thẳng cao ở Biển Đông, việc một trong các bên xung đột sử dụng các lực lượng hoạt động đặc biệt của mình cho mục đích tình báo, hoạt động phá hoại hoặc chớp nhoáng đánh chiếm đối tượng là khả năng rất thực tế.
Theo chuyên gia Nga, có thể giả định rằng đối tượng quan ngại lớn nhất của Trung Quốc không phải là lực lượng đặc nhiệm trong khu vực, mà là các đơn vị đặc biệt Navy SEAL mạnh nhất và được trang bị tốt nhất của hải quân Mỹ.