Nhật quyết mua tên lửa, sẵn sàng tấn công căn cứ địch

VietTimes -- Mục tiêu tấn công đối phương mà LDP kiến nghị chính là Triều Tiên. Kiến nghị đưa ra các biện pháp cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản nâng cao tính chủ động trong phòng vệ, nhất là khi bị tấn công.
Binh sĩ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Ảnh: Cankao
Binh sĩ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Ảnh: Cankao

Tờ Nikkei Shimbun Nhật Bản ngày 9/6 cho hay nội dung kiến nghị về tăng cường sức mạnh phòng vệ mà hội nghị an ninh của Đảng Tự do Dân chủ (LDP) Nhật Bản đề xuất với Chính phủ Nhật Bản đã được tiết lộ.

Kiến nghị cho rằng trong tình hình Triều Tiên tiến hành phát triển hạt nhân và tên lửa, Nhật Bản cần sở hữu khả năng tấn công căn cứ của kẻ thù bên ngoài, đồng thời đề xuất cần mở rộng mạng lưới phòng thủ tên lửa, thành lập lực lượng có khả năng tấn công mạng. Kiến nghị này sẽ được trình lên Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào trung tuần tháng 6/2017.

Hội nghị yêu cầu thể hiện được kiến nghị này trong “Kế hoạch chỉnh đốn Lực lượng Phòng vệ trung hạn giai đoạn 2019 - 2023 mà chính phủ Nhật Bản bắt đầu thảo luận vào nửa cuối năm. Hiện nay, Kế hoạch này đã xác định nội dung đến năm 2018.

Về vấn đề khả năng tấn công căn cứ đối phương, kiến nghị trên chỉ ra, để nâng cao khả năng ứng phó và khả năng ngăn chặn, “cần lập tức bắt đầu thảo luận”. Là biện pháp cụ thể, kiến nghị này đề cập đến việc nhập khẩu tên lửa hành trình.

Chính phủ các khóa của Nhật Bản đều cho rằng, sở hữu khả năng tấn công căn cứ kẻ thù được Hiến pháp cho phép. Tháng 2/2017, khi tiến hành trả lời trước Quốc hội, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết “cần để cho các cuộc thảo luận trở thành bình thường”.

Tên lửa hành trình Tomahawk phóng từ tàu chiến Hải quân Mỹ. Ảnh: Cankao
Tên lửa hành trình Tomahawk phóng từ tàu chiến Hải quân Mỹ. Ảnh: Cankao

Xét tới Triều Tiên không ngừng bắn thử tên lửa, kiến nghị trên cũng đề xuất sở hữu khả năng tấn công mạng. Nhật Bản sẽ dùng tên lửa đánh chặn để ứng phó với đợt tấn công tên lửa đầu tiên của Triều Tiên. Để ngăn chặn đợt tấn công tên lửa thứ hai, cần xâm nhập mạng của đối phương, tiến hành tấn công mạng.

Kiến nghị đã đưa ra phương án phối hợp sử dụng tên lửa hành trình để nâng cao hiệu quả tấn công, đồng thời đề xuất xây dựng lực lượng mạng mới.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản có “lực lượng phòng vệ mạng” khoảng 100 người. Cùng với việc mở rộng vai trò của lực lượng mạng, kiến nghị yêu cầu thảo luận những nội dung như thúc đẩy giao lưu giữa chính phủ và tổ chức dân sự để thu hút nhân tài.

Đối với vấn đề phòng vệ tên lửa đạn đạo, kiến nghị yêu cầu nhập khẩu hệ thống đánh chặn Aegis mới phiên bản mặt đất và hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD phiên bản mặt đất. Chính phủ Nhật Bản cũng có khuynh hướng nhập khẩu hệ thống Aegis phiên bản mặt đất. Bộ Quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch bố trí kinh phí nghiên cứu vào ngân sách năm tài khóa 2018.

Về vấn đề trang bị của Lực lượng Phòng vệ, kiến nghị đề xuất cần tăng cường số lượng máy bay chiến đấu tàng hình F-35A. Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch bắt đầu triển khai F-35A từ giữa năm 2018, nhập khẩu tổng cộng 42 chiếc.

Máy bay chiến đấu F-35A do Mỹ sản xuất.
Máy bay chiến đấu F-35A do Mỹ sản xuất.

Việc thực hiện các nội dung của kiến nghị sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn. Việc sở hữu khả năng tấn công căn cứ của đối phương có thể sẽ dẫn đến việc thảo luận sửa đổi các điều kiện tiền đề của đồng minh Nhật - Mỹ hiện hành. Quy định hiện nay là Mỹ thực hiện khả năng tấn công, Nhật Bản cung cấp chi viện phía sau. Vì vậy, có quan điểm cho rằng, nội bộ Mỹ lo ngại Nhật Bản tìm cách “tự lập” về quân sự sẽ gây va chạm với các nước xung quanh.