Một khi hoàn thành, lực lượng không quân Trung Quốc dự định sẽ đưa ba trung đoàn máy bay chiến đấu ra các tiền đồn này, báo cáo cho hay.
"Mặc dù việc bồi lấp đảo và xây dựng (phi pháp) các đảo nhân tạo không phải là chứng cớ pháp lý và cũng không tạo ra bất kỳ quyền lợi mới nào giúp củng cố các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc, nhưng Trung Quốc vẫn có thể sử dụng các thực thể này làm các căn cứ dân sự- quân sự lâu dài nhằm củng cố sự hiện diện của nước này trên Biển Đông và nâng cao khả năng kiểm soát các thực thể và không gian xung quanh", Lầu Năm Góc nhận định.
Báo cáo năm 2016 về sức mạnh của Trung Quốc đã ghi nhận Bắc Kinh đã hoàn thành việc bồi lấp trái phép các đảo này. Các viện nghiên cứu và các cơ quan thông tấn quốc tế trước đó từng báo cáo về các việc Trung Quốc triển khai trái phép tên lửa và xây dựng nhà chứa máy bay, tuy nhiên đây là lần đầu tiên các hành vi này xuất hiện trong bản báo cáo hàng năm về Trung Quốc của Lầu Năm Góc.
"Các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông trong năm 2016, đặc biệt là việc xây dựng các sân bay và cơ sở hạ tầng khác trên các thực thể ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) đã tăng cường khả năng kiểm soát các khu vực tranh chấp trên Biển Đông của Trung Quốc và khiến khu vực quan ngại về các ý định lâu dài của Bắc Kinh", báo cáo nhấn mạnh.
Theo Lầu Năm Góc, Trung Quốc hiện đang xây dựng thêm cơ sở hạ tầng quân sự trên các đảo nhân tạo bồi lấp phi pháp. Các công trình mới bao gồm các sân bay với đường băng dài ít nhất 8,800 feet, kho chứa nước và nhiên liệu, các cầu cảng lớn, 24 nhà chứa máy bay chiến đấu, các phương tiện liên lạc, các vị trí đặt vũ khí cố định, doanh trại và các tòa nhà hành chính.
Vào tháng 3/2017, Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ - cơ quan theo dõi thường xuyên việc bồi lấp đảo phi pháp của Trung Quốc - cho biết nước này đã hoàn thành việc xây dựng trái phép trên các đảo nhân tạo.
"Ba căn cứ không quân của Trung Quốc ở Trường Sa và một căn cứ khác trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa sẽ cho phép máy bay quân sự Trung Quốc hoạt động trên gần như trên toàn bộ Biển Đông", báo cáo cho hay. "Tương tự phạm vi radar của Trung Quốc cũng giúp Trung Quốc thực hiện việc bao quát khu vực nhờ các hệ thống radar giám sát và cảnh báo sớm tân tiến trên Đá Chữ Thập, Đá Xubi, Đá Châu Viên, cũng như các hệ thống đặt trên đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa) và các thiết bị hỗ trợ khác", Lầu Năm Góc nêu rõ.
Lầu Năm Góc nhận định, Trung Quốc có thể sẽ sớm trang bị những loại máy bay chiến đấu mới, tiên tiến để triển khai thường trực trên những thực thể này. Hai máy bay chiến đấu tàng hình mới là J-20 và FC-31 có thể sẵn sàng chiến đấu vào năm sau.
Defense One nhắc lại thực tế rằng vào tháng 7/2016, Toà án Quốc tế The Hague đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông, bao gồm cả tuyên bố về cái gọi là "quyền sở hữu lịch sử" do Bắc Kinh tự nghĩ ra. Tuy nhiên, Trung Quốc đã khăng khăng một mực bác bỏ phán quyết này.
Về phía mình, Mỹ cũng đã thẳng thừng bác bỏ các yêu sách chủ quyền vô lối của Trung Quốc, đồng thời điều các tàu quân sự và máy bay áp sát các thực thể địa lý mà Trung Quốc chiếm giữ trái phép để thực thi hoạt động tự do hàng hải.