Biển Đông: Nguy cơ Mỹ “nhường sân” mặc Trung Quốc tung hoành

Trên the Week (Anh), chuyên gia Mỹ Harry Kazianis cảnh báo nguy cơ Mỹ "nhường sân" cho Trung Quốc tự do tung hoành ở Biển Đông. Trong khi đó, Washington có nhiều cách để chống lại các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh tại Biển Đông, nhưng đó không hề là việc điều tàu đi vòng quanh một hòn đảo rồi quay về nhà.
Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ Carl Vinson từng tuần tra ở Biển Đông
Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ Carl Vinson từng tuần tra ở Biển Đông

Ông Kazianis thẳng thắn cho rằng chính quyền mới của Mỹ đang phạm phải một sai lầm nghiêm trọng khi phản ứng yếu ớt theo kiểu chính quyền ông Obama tiền nhiệm, để mặc cho Trung Quốc tự do tung hoành trên Biển Đông.

Trong bài phân tích ngày 31/5, giáo sư Harry J. Kazianis, chuyên gia về quốc phòng tại trung tâm nghiên cứu Mỹ The National Interest, đã nêu bật nguy cơ Biển Đông, tuyến hàng hải chiến lược quan trọng nhất vùng châu Á, trở thành điểm nóng của thế giới. Nguyên nhân là tham vọng của Trung Quốc nhằm biến nơi này thành «ao nhà», bất chấp luật lệ quốc tế và phản đối của cộng đồng thế giới.

Theo chuyên gia Kazianis, vấn đề là Mỹ - cường quốc duy nhất có khả năng ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc lại không có đối sách thích hợp. Mỹ đã từng tìm cách phản ứng dưới thời tổng thống Obama, nhưng thiếu hiệu quả, trong khi chính quyền của tân tổng thống Donald Trump lại có dấu hiệu đặt nặng ưu tiên vấn đề Triều Tiên và có vẻ lơ là Biển Đông. Và đó là một sai lầm lớn.

Ông Kazianis nhấn mạnh Mỹ không thể cho phép Trung Quốc thiết lập quyền thống trị trên tuyến hải lộ quan trọng này. Thời gian quan Trung Quốc đã bồi đắp trái phép 7 rạn san hô thành đảo nhân tạo phi pháp với bến cảng, đường băng và căn cứ quân sự kiên cố. Trung Quốc sẽ sớm có khả năng bố trí thường trực một số lượng lớn tàu ngầm, máy bay ném bom và chiến đấu cơ trong khu vực.

Và tình hình đang trở nên tồi tệ hơn khi Trung Quốc đang giành quyền kiểm soát phần dưới mặt nước ở Biển Đông bằng cách xây dựng một mạng lưới radar ngầm, có thể phát hiện các tàu ngầm tàng hình của Mỹ hoạt động trong khu vực. Trong khi Mỹ chỉ "du ngoạn" trên Biển Đông, Bắc Kinh đã đẩy mạnh cài đặt các thiết bị quân sự cực kỳ tiên tiến bên trên và dưới nước. Các hòn đảo nhân tạo phi pháp và thiết bị mới của Bắc Kinh là những cơ sở thường trực trong khi các chuyến tuần tra của hải quân của Mỹ chỉ là giải pháp tạm thời.

Đá Chữ Thập đã bị Trung Quốc bồi lấp, xây dựng thành đảo nhân tạo phi pháp với đường băng, nhà chứa  máy bay và các công trình quân sự kiên cố có quy mô tương đương một căn cứ quân sự lớn của Trung Quốc ở đại lụcĐá Chữ Thập đã bị Trung Quốc bồi lấp, xây dựng thành đảo nhân tạo phi pháp với đường băng, nhà chứa máy bay và các công trình quân sự kiên cố có quy mô tương đương một căn cứ không quân lớn của Trung Quốc ở đại lục

Tuy nhiên, khi bị vấn đề Biển Đông khuấy động nóng trở lại, Mỹ lại không biết làm gì khác ngoài việc sử dụng lại phương thức cũ của chính quyền ông Obama: Cho chiến hạm Mỹ xâm nhập vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc để biểu lộ thái độ phản đối. Theo ông Kazianis, các chiến dịch tuần tra vì tự do hàng hải đã hoàn toàn vô hiệu vào thời Obama và cũng sẽ vô hiệu ở thời tổng thống  Donald Trump.

Chuyên gia Mỹ cho rằng có rất nhiều giải pháp mà chính quyền Mỹ có thể làm. Điều hiển nhiên nhất là chính quyền ông Trump cần phát triển một chiến lược toàn diện để đảm bảo sao cho Trung Quốc không thể biến Biển Đông thành ao nhà, điều mà chính quyền ông Obama đã thất bại.

Để thực hiện mục tiêu trên, Washington có thể nói thẳng với Bắc Kinh rằng Trung Quốc không thể chiếm Scarborough Shoal - một trong những vị trí chiến lược nhất trong khu vực mà Bắc Kinh đã chiếm từ tay Philippines vào năm 2012. Hơn nữa, nếu Trung Quốc cứ tiếp tục thay đổi hiện trạng, Mỹ có thể đáp trả bằng nhiều cách, chẳng hạn cung cấp các loại vũ khí quan trọng cho Đài Loan, và quyết định của Mỹ chắc chắn sẽ làm Bắc Kinh chấn động.

Chuyên gia Kazianis kết luận, rõ ràng Washington có nhiều cách để chống lại các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh tại Biển Đông, chứ không phải là việc điều tàu chiến đi vòng quanh một hòn đảo rồi quay về nhà.