Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng.
Ông đánh giá thế nào về chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong thời gian vừa qua?
Ông Khuất Việt Hùng: Năm 2014, chúng ta bắt đầu khai thác dữ liệu trong công tác giám sát hành trình để quản lý các loại hình kinh doanh, đặc biệt trong quản lý các mục tiêu về an toàn giao thông của hoạt động kinh doanh vận tải. Hiện nay, trên các tuyến đường cao tốc, chúng ta đã áp dụng hệ thống camera giám sát, cũng như bắt đầu triển khai hệ thống thu phí không dừng.
Có thể kể đến thành công của ngành đường sắt trong năm qua khi lần đần tiên ngành đường sắt ứng dụng vé điện tử và người dân đã không còn cảnh nằm chờ mua vé tại nhà ga. Cũng trong năm 2014, lần đầu tiên Hà Nội đưa vào ứng dụng dữ liệu từ camera giám sát trong việc sử dụng dữ liệu để xử phạt vi phạm hành chính đối với người vi phạm luật giao thông đường bộ ở Hà Nội.
Tuy nhiên, để có thể ứng dụng giao thông thông minh để giải quyết các mục tiêu về giao thông thì chúng ta đang chập chững bước đầu và đang ở bước rất thấp so với các quốc gia. Hiện nay, chúng ta chưa thể giám sát được một cách trực tuyến giao thông, cũng như chưa thể cung cấp trạng thái giao thông cho người dân thông qua những kênh, như internet, điện thoại di động.
Giải pháp của Viettel có những ưu điểm gì?
Ông Khuất Việt Hùng: Với giải pháp của Viettel, đó là sử dụng kết quả từ việc phân tích gói dữ liệu lớn (Big Data) qua các thiết bị giám sát hành trình, dữ liệu xe con di dộng (FCD) và dữ liệu điện thoại trực tuyến (FPD) chúng ta có thể giám sát và phân tích trạng thái của giao thông, qua đó có thể cung cấp thông tin cho người dùng qua internet hoặc điện thoại di động.
Chúng ta cũng có thể cung cấp thông tin từ đèn tín hiệu đến quản lý các phương tiện vận tải công cộng. Thậm chí, giải pháp này còn giúp cho người sử dụng lập lộ trình của mình một cách tự động khi có kết nối internet. Người sử dụng có thể chọn tuyến đường trước khi đi để tránh không ùn tắc vì thông tin về mạng lưới giao thông thành phố được cập nhật liên tục 2 phút/lần.
Hiện nay, ở Hà Nội, có những buổi sáng chúng ta đi sớm, đường rất thoáng nhưng vẫn phải chờ đèn đỏ mấy chục giây mặc dù chỉ có 1-2 xe đứng. Nhưng nếu chúng ta có dữ liệu về thực trạng giao thông thì sẽ cập nhật lại chu kỳ đèn tín hiệu để giảm chu kỳ chờ đợi đèn tín hiệu, tránh việc lãng phí thời gian chờ đợi không cần thiết. Ngược lại, khi mật độ giao thông lớn thì người ta sẽ điều chỉnh kéo dài thời gian đèn xanh trong một pha, giảm bớt thời gian đèn xanh cho pha còn lại.
Hiện nay, tỉ lệ người dân sử dụng mạng Viettel chiếm xấp xỉ 50% thị trường. Như vậy, nếu như giải pháp này tích hợp trên điện thoại di động thì chúng ta sẽ có nguồn dữ liệu tuyệt vời về trạng thái giao thông trên đường. Ví dụ như khi tôi cầm điện thoại đi trên đường thì xe của tôi đi nhanh hay chậm sẽ được gửi về hệ thống cùng dữ liệu của hàng triệu người đang tham gia giao thông sẽ được gửi về hệ thống để xử lý. Khi đó, chúng ta sẽ có được trạng thái thực của giao thông thành phố.
Mặc dù chúng ta đang dựa vào thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) của xe kinh doanh vận tải, nhưng rõ ràng thiết bị này không thể so sánh được với điện thoại di động người dân đang sử dụng. Nếu như ta có được dữ liệu từ điện thoại di động thì chúng ta khẳng định lúc đó trạng thái thực của giao thông sẽ được cập nhật đầy đủ hơn và lúc đó sẽ đưa ra được giải pháp trong vấn đề giao thông.
Với ứng dụng này, Viettel sẽ tự khai thác thông tin trên các thuê bao hay là thuê bao chủ động bật vị trí của mình thì Viettel mới khai thác được?
Ông Khuất Việt Hùng: Thông thường các nước, nếu thuê bao chấp nhận để nhà mạng sử dụng dữ liệu của mình thì khi đó nhà mạng sẽ cung cấp ngược trở lại những thông tin liên quan đến giao thông mà thuê bao cần.
Ở Trung Quốc, khi người ta ứng dụng công nghệ này thì chỉ cần 8.000- 20.000 phương tiện. Do vậy, việc đưa dữ liệu của một nhà mạng di động là Viettel đã có thể phản ánh dữ liệu thật rồi. Tuy nhiên, để có dữ liệu toàn diện hơn và thể hiện được bối cảnh giao thông xác thực hơn thì cần phải tích hợp tất cả các nhà mạng vào dự án này.
Với những ưu điểm như vậy thì khi nào công nghệ này mới được áp dụng?
Ông Khuất Việt Hùng: Trong dự án nghiên cứu hợp tác giữa Bộ GTVT, Viện Chiến lược và phát triển GTVT, Đại học Kỹ thuật Darmstadt và nhiều đối tác của CHLB Đức, hiện nay toàn bộ giải pháp dữ liệu dành cho Hà Nội đã được phát triển.
Hiện chúng ta mới tích hợp được thông tin từ khoảng hơn 3.000 xe taxi đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội nhưng nếu kết hợp với Viettel, chúng tôi khẳng định trong năm 2016 sẽ hoàn toàn đưa công nghệ này vào ứng dụng. Trước mắt, công nghệ sẽ thí điểm tại Hà Nội sau đó mở rộng thí điểm ra Đà Nẵng.
Năm 2013, TP.HCM đã lắp camera giám sát xe bus vậy hiệu quả của nó đến nay thế nào thưa ông?
Ông Khuất Việt Hùng: Camera có hạn chế là giới hạn về số lượng camera, vì vậy muốn trang bị hệ thống camera với độ phân giải cao, khả năng phân tích hình ảnh chính xác để điều hành giao thông trực tuyến thì chi phí sẽ rất cao. Hệ thống camera đang trang bị cho Hà Nội và TP.HCM sẽ thông tin cho lực lượng quản lý điều hành công tác giao thông, cung cấp thông tin tình trạng giao thông, trên cơ sở đó điều chỉnh lại chu kỳ đèn tín hiệu sao cho phù hợp.
Tuy nhiên, khi chúng ta đang có sẵn có dữ liệu về điện thoại di động thì tôi khẳng định rằng, với hệ thống dữ liệu này việc quản lý sẽ nhanh hơn và chi phí tiết kiệm hơn.
Cảm ơn ông!
Theo: Chinhphu.vn