10 ứng dụng phổ biến ngốn nhiều dung lượng 4G nhất trên smartphone (phần 1)

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong hơn một thập kỷ qua, điện thoại thông minh đã và đang trở thành một thứ không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của mỗi chúng ta.
10 ứng dụng phổ biến ngốn nhiều dung lượng 4G nhất trên smartphone (Ảnh: Slash Gear)
10 ứng dụng phổ biến ngốn nhiều dung lượng 4G nhất trên smartphone (Ảnh: Slash Gear)

Trong hơn một thập kỷ qua, điện thoại thông minh đã và đang trở thành một thứ không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của mỗi chúng ta. Hầu hết mọi hoạt động ngày nay đều xoay quanh điện thoại thông minh, có thể là tương tác với bạn bè, tổ chức các hoạt động cộng tác chuyên nghiệp hoặc thư giãn để giải trí vào cuối tuần. Lý do chính cho sự bùng nổ của điện thoại thông minh ngày nay là do tính linh hoạt của nó: với khả năng truy cập internet dễ dàng và sự kết hợp của các tính năng phần cứng và phần mềm ngày càng cải tiến, nó cho phép các nhà phát triển phần mềm xây dựng nhiều ứng dụng khác nhau và mang lại những trải nghiệm tuyệt vời cho người dùng.

Tuy nhiên, các ứng dụng hiện nay đang ngốn quá nhiều dữ liệu mạng của người dùng theo nhiều cách khác nhau. Các nền tảng như TikTok, cung cấp video mới và chất lượng cao với mỗi lần vuốt, tiêu thụ dữ liệu thông qua các lượt tải xuống video nhanh chóng này. Tương tự, các ứng dụng mạng xã hội như Instagram và Facebook thu hút người dùng bởi các nội dung trên các nền tảng này. Các ứng dụng này thường tiêu tốn rất nhiều dữ liệu mạng khi để ở chế độ chạy nền. Dưới đây là danh sách một số ứng dụng phổ biến nổi tiếng về việc ngốn dữ liệu, và vài gợi ý nhỏ để kiểm soát chúng tốt hơn.

1. Instagram

Instagram (Ảnh: Slash Gear)

Instagram (Ảnh: Slash Gear)

Instagram nổi tiếng nhờ tập trung vào ảnh mà người dùng đăng tải. Ứng dụng này hiện vẫn giữ một số tính năng cốt lõi xuất hiện từ phiên bản đầu tiên: chú trọng nội dung đa phương tiện hơn là văn bản, bao gồm video và ảnh độ phân giải cao, kết hợp các bộ lọc màu sắc. Chính vì vậy, Instagram hiển nhiên đòi hỏi phải tiêu thụ dữ liệu nhiều hơn Facebook, vốn được xem là chuẩn mực của mạng xã hội đương đại, nhằm đảm bảo trải nghiệm mượt mà hơn.

Với nhiều chức năng mới được thêm vào qua từng năm, và sự thay đổi trong cách sử dụng nền tảng, mức dữ liệu tiêu thụ của Instagram chắc chắn tăng theo. Về mặt chức năng, hiện nay người dùng có thêm Instagram Stories và Instagram Reels, nhiều bộ lọc hơn, các công cụ biên tập đa dạng hơn, và tích hợp chặt chẽ hơn với các ứng dụng bên thứ ba. Do đó, số lượng video được đăng tải trên nền tảng này thời gian qua tăng đáng kể, chưa kể đến cuộc chạy đua khốc liệt của những người nổi tiếng nhằm tìm một vị trí trên trang Explore của Instagram.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi việc dành một giờ mỗi ngày trên Instagram trong một tuần có thể ngốn của bạn 4,2 GB dữ liệu mạng. Đó là nếu bạn chỉ lướt news feed của mình mà thôi. Ứng dụng sẽ tiêu thụ thêm dữ liệu nếu phát sinh upload, trung bình khoảng 2 MB mỗi ảnh và nhiều hơn với các video. Người dùng Instagram có nhiều lựa chọn để hạn chế lượng dữ liệu tiêu thụ: ngừng tải trước video, xem nội dung độ phân giải cao chỉ khi có Wi-Fi, hoặc upload chất lượng thấp. Đổi lại, bạn phải từ bỏ một trải nghiệm mượt, nhanh, và thú vị vốn là điểm làm nên sự đặc biệt trên Instagram.

2. TikTok

TikTok (Ảnh: Slash Gear)

TikTok (Ảnh: Slash Gear)

Trong suốt lịch sử sáng tạo nội dung, định dạng video ngắn nổi lên như một tính năng đặc sắc và được ưa chuộng bởi các ứng dụng mạng xã hội. Instagram có Stories và Reels, YouTube có Shorts, và các video Snapchat thì đã ngắn ngay từ đầu bởi thiết kế của nền tảng này. Dẫu vậy, hiện nay chưa có ứng dụng nào vượt qua được TikTok, một nền tảng có tốc độ tăng trưởng siêu nhanh, trên thị trường video ngắn. Hiện có hơn 1 tỉ người dùng TikTok hoạt động hàng tháng, cho thấy ứng dụng này đã vượt xa các dự đoán trước đó.

Tương tự như Instagram, TikTok khuyến khích người dùng upload video đều đặn như cách họ xem chúng vậy. Với đam mê mang đến niềm vui cho mọi người từ khắp nơi trên thế giới, và sở hữu hàng triệu người theo dõi, các TikToker không ngần ngại dành phần lớn thời gian trong ngày hoạt động tích cực nhằm cho đi và nhận lại trên nền tảng. Mặc dù TikTok tập trung chủ yếu vào các video ngắn nhưng điều này không có nghĩa những video này ngốn ít dữ liệu mạng. Trên thực tế, TikTok là ứng dụng đứng đầu bảng xếp hạng các ứng dụng ngốn dữ liệu mạng của người dùng.

Theo thống kê, một giờ xem TikTok sẽ ngốn của bạn 840MB dữ liệu và nếu tính theo tuần thì TikTok có thể ngốn của bạn đến 10GB/tuần. Và những người dùng thường xuyên upload video chắc chắn còn dùng dữ liệu nhiều hơn thế. Nói chung, nhu cầu dữ liệu cao của TikTok minh họa hoàn hảo thách thức quản lý dữ liệu cho không chỉ một ứng dụng mà toàn bộ bộ ứng dụng điện thoại thông minh.

3. YouTube

Youtube (Ảnh: Slash Gear)

Youtube (Ảnh: Slash Gear)

Với tối đa 500 giờ video được tải lên YouTube mỗi phút, nền tảng này phục vụ hơn 2 tỉ người dùng hoạt động mỗi tháng. Một đặc điểm quan sát được của việc sử dụng YouTube thường xuyên là thói quen của người dùng xem một số video trong một nội dung nhất định hoặc của một cá nhân sáng tạo nội dung nào đó trong nhiều giờ liên tục. Và cho dù những video này là về các thiết bị công nghệ mới nhất hay công thức nấu ăn hấp dẫn, người xem sẽ không ngần ngại đánh đổi một lượng lớn dữ liệu cho nội dung đó.

Nhưng sự hào hứng khi sử dụng nền tảng nhanh chóng biến mất khi nhận được thông báo dữ liệu mạng sắp hết. Và đối với nhiều người dùng, thông báo này đến nhanh hơn dự kiến. Một thử nghiệm sử dụng dữ liệu YouTube chi tiết đã xác nhận rằng YouTube tiêu tốn tới 2,7 GB cho mỗi 60 phút xem video ở độ phân giải 720p (HD) và tốc độ bit cao, theo Android Authority. Mức tiêu thụ dữ liệu này tăng lên tới 23 GB mỗi giờ ở độ phân giải 2160p (4k) và ngay cả ở chất lượng thấp nhất là 144p, ứng dụng vẫn sử dụng hơn 1 MB mỗi phút.

YouTube còn tiêu thụ dữ liệu trước cả khi bạn xem video khi liên tục tải về trước nội dung nhằm ngăn tình trạng lag, tức là 5 hoặc 10 phút đầu tiên của video sẽ luôn có sẵn trên thiết bị của bạn dù bạn mới chỉ xem đến phút thứ 2 mà thôi. Thêm nữa, kết quả này chưa tính đến lượng dữ liệu khổng lồ cần để upload video, vốn giao động tùy thuộc vào độ phân giải của từng video.

4. Netflix

Netflix (Ảnh: Slash Gear)

Netflix (Ảnh: Slash Gear)

Cũng là một nền tảng phát trực tuyến video, Netflix vượt qua YouTube ở một số hạng mục. Nền tảng này chuyên về nội dung dạng dài bao gồm phim và series phim truyền hình, phim hoạt hình, phim live-avtion và thậm chí là cả game nữa. Trong một thị trường stream cạnh tranh khốc liệt, Netflix vẫn duy trì được sự lôi cuốn và độ phổ biến: tính đến quý 3 năm 2022, Netflix ghi nhận hơn 220 triệu người đăng ký trên toàn cầu.

Tuy nhiên, đúng như dự đoán, Netflix vượt trội YouTube cả về mức độ sử dụng dữ liệu. Nếu dùng Netflix trên trình duyệt, ở độ phân giải tiêu chuẩn, các video Netflix ngốn đến 1 GB/giờ; và khi tăng độ phân giải lên Full HD hoặc 4K, con số này tăng lên 3 - 7 GB/giờ. Trên ứng dụng di động, xem nội dung ở thiết lập sử dụng dữ liệu di động “Maximum Data” có thể khiến bạn bay 1 GB mỗi 20 phút. Và ở thiết lập “Automatic”, tức vừa đảm bảo độ phân giải video và vừa hạn chế mức tiêu thụ dữ liệu, Netflix cũng ngốn gần 1GB/giờ video.

Giống YouTube, Netflix cũng hướng đến trải nghiệm người dùng không giật lag. Một hệ quả lớn của việc tải trước các phần video chưa xem là người xem dù không xem hết video cũng phải tiêu tốn nhiều dữ liệu hơn cần thiết. Để hạn chế mức tiêu thụ dữ liệu, Netflix cung cấp các tùy chọn giảm chất lượng video và nội dung tải về, xem video ở chất lượng định trước, hoặc kích hoạt thiết lập “Save Data” để tự động cấu hình ứng dụng nhằm giảm mức tiêu thụ dữ liệu mạng.

5. Google Chrome

Google Chrome (Ảnh: Slash Gear)

Google Chrome (Ảnh: Slash Gear)

Có mặt cả trên Android lẫn iOS, trình duyệt Chrome là công cụ tối thượng của Google dành cho thần dân internet. Và với vai trò là trình duyệt web phổ biến nhất thế giới, Chrome làm được mọi thứ một trình duyệt phải làm và còn hơn thế nữa. Mặc định, trình duyệt này sử dụng rất nhiều dữ liệu để truy cập internet - dù là lướt các trang web, đọc tài liệu, hay xem đa phương tiện. Nền tảng của Google được tối ưu cho tốc độ, và trải nghiệm mượt mà đi kèm buộc người dùng phải đánh đổi bằng lượng dữ liệu tiêu thụ. Và với những cải tiến về phần cứng và phần mềm điện thoại thông minh, Chrome sẽ tiếp tục phát triển.

Tùy thuộc vào trang web được truy cập hoặc tác vụ đang chạy, Chrome sẽ tiêu thụ lượng dữ liệu khác nhau trên mỗi đơn vị thời gian làm việc. Trình duyệt cũng sẽ sử dụng dữ liệu trong việc theo dõi lịch sử duyệt web, khuyến nghị các bài viết tin tức trong feed, và chạy các tiến trình nền để giữ các tab trình duyệt luôn mở. Người dùng có thể giảm mức tiêu thụ dữ liệu của Chrome thông qua cài đặt “Data Saver” trong ứng dụng Chrome. Và mặc dù điều này có thể ảnh hưởng đến tốc độ và độ mượt của trình duyệt, nhưng nó sẽ giúp tiết kiệm dữ liệu mạng một cách lâu dài

Theo Slash Gear