Một trong những nội dung đổi mới trong công tác giáo dục tại Cơ sở Cai nghiện ma túy số 5 Hà Nội là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy nhằm giáo dục, phục hồi nhân cách cho học viên. Với sự đổi mới đó, học viên không bỏ học buổi nào. Họ thích thú hưởng ứng và công nghệ thông tin như một liều thuốc bất khả chiến bại trong công cuộc cai nghiện ma túy...
Học viên hứng thú tiếp thu…
Cơ sở Cai nghiện ma túy số 5 Hà Nội (Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội) sử dụng liệu trình điều trị nội trú gồm: Điều trị cắt cơn, giải độc, hỗ trợ tâm lý, tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm, giáo dục nâng cao hiểu biết nhận thức về xã hội, pháp luật, giáo dục giá trị sống, rèn luyện nếp sống chính quy, thân thiện.
Hiện nay Cơ sở đang thực hiện hướng dẫn của Chi cục Phòng chống tệ nạn Xã hội về việc đổi mới công tác giáo dục, tư vấn tại các Cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn TP. Hà Nội. Đặc biệt, một trong những nội dung đổi mới công tác giáo dục tại Cơ sở Cai nghiện ma túy số 5 Hà Nội là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy nhằm giáo dục, phục hồi nhân cách cho học viên nhanh nhất hiệu quả nhất.
Các cán bộ ở đây cho biết, điều trị nghiện ma túy đòi hỏi phải kiên trì và cần có một liệu pháp tổng hợp đồng bộ… Cai nghiện ma túy không chỉ nhằm vào mục tiêu người nghiện không tái sử dụng ma túy mà còn đòi hỏi người đó phải có một lối sống khoa học, điều độ, hợp lý và đặc biệt là có sự thay đổi về nhận thức.
Người nghiện ma túy thường có đặc điểm cơ bản về tâm sinh lý như: Tổn thương hệ thống não bộ, có sự thay đổi về tâm sinh lý, rối loạn và xuống cấp nhận thức hành vi, nhân cách.
Sau một thời gian dài sử dụng ma túy, người nghiện sẽ hình thành nhiều thói quen xấu. Họ không đủ nhận thức, nghị lực để sống một cách lành mạnh.
Nghiện ma túy không phải là một hành động nhất thời mà là một quá trình diễn biến phức tạp nội tâm. Do vậy, trong quá trình phòng chống tái nghiện cho người nghiện ma túy, việc trang bị cho học viên các giá trị sống và kỹ năng phòng chống tái nghiện có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình cai nghiện cho học viên.
Các học viên tham gia lao động, sản xuất. Ảnh: UBQG phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm.
|
Tuy nhiên, trước đây giáo dục giảng dạy còn nặng nề về truyền đạt kiến thức, viết bảng nhiều, hình ảnh trực quan còn bị hạn chế và ít hình thành các kỹ năng cho học viên, đặc biệt là kỹ năng phòng chống tái nghiện. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thiết kế bài giảng điện tử cho học viên là một việc làm hết sức cần thiết. Chính điều này đã thay đổi cách học truyền thống nhàm chán, tạo cho học viên hứng thú và tiếp thu kiến thức bài học thuận lợi hơn" - một cán bộ tại Cơ sở này bày tỏ.
Tính tương tác cao…
Bài giảng điện tử tích hợp đã tạo nên được tính tương tác cao của bài giảng, bởi vì khi sử dụng bài giảng điện tử trong dạy học thì học viên được tác động tới tất cả các giác quan. Trong môi trường ấy, học viên được mắt thấy tai nghe, hình ảnh sinh động. Từ đó, khả năng tiếp nhận kiến thức vào thực tiễn được tăng lên.
Lợi ích của bài giảng điện tử là cung cấp một lượng lớn kiến thức, hình ảnh trực quan sinh động, thể hiện sơ đồ, bảng biểu tốt hơn. Các tiết học nhờ đó trở nên sinh động hơn, học viên chú ý lắng nghe, dễ hiểu hơn… Không khí thân thiện bao trùm, trình độ của giảng viên trong việc ứng dụng phần mềm máy tính cũng được nâng cao. Đồng thời, việc này còn giúp hạn chế được các bệnh nghề nghiệp cho giảng viên.
Theo Ban lãnh đạo Cơ sở Cai nghiện ma túy số 5 Hà Nội, chương trình giáo dục tại cơ sở hiện nay gồm 3 phần: Chính sách pháp luật về công tác phòng, chống ma túy; Nghiện ma túy và những can thiệp với người nghiện; và Hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục sử dụng các phương pháp giảng dạy tích cực hướng đến sự thay đổi nhận thức của học viên. Cơ sở áp dụng đồng thời nhiều phương pháp giáo dục như thuyết trình diễn giảng, thảo luận nhóm, phương pháp trải nghiệm, phương pháp đóng vai theo chủ đề,...
Bên cạnh đó, các giáo viên tại đây còn kết hợp cả các hoạt động tập thể như: Kể chuyện, vẽ tranh, đóng tiểu phẩm, chơi trò chơi mang tính giá trị, suy ngẫm tưởng tượng, thực hành thư giãn,… Các hoạt động tập thể này đặc ra các tình huống mà học viên thường gặp trong cuộc sống, giúp học viên dễ học dễ nhớ và dễ áp dụng. Kết quả sau mỗi giờ ở lớp học viên nhận thức sâu sắc giá trị các bài học để từ đó trang bị cho mình các kiến thức kỹ năng phòng chống tái nghiện quyết tâm từ bỏ ma túy trở về với gia đình và xã hội.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu