Mỹ sẽ cải tiến máy bay thời Liên Xô của Ukraine để mang tên lửa phương Tây

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trang tin tức chính trị Mỹ Politico ngày 7/3 đưa tin quân đội Mỹ đang nghiên cứu việc tích hợp tên lửa không đối không của phương Tây lên máy bay chiến đấu thời Liên Xô của Ukraine.
Ukraine sử dụng hệ thống phòng không NASAMS để phóng đạn tên lửa không - không AIM120 (Ảnh: Thepaper).
Ukraine sử dụng hệ thống phòng không NASAMS để phóng đạn tên lửa không - không AIM120 (Ảnh: Thepaper).

Nếu việc tích hợp thành công, đây sẽ là lần đầu tiên Mỹ giúp cho máy bay chiến đấu Ukraine có khả năng bắn tên lửa không đối không hệ phương Tây, và sẽ giải quyết được một số nhu cầu của Ukraine về hỏa lực bổ sung và phòng không.

Bài báo của Politico dẫn lời các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ và những người quen thuộc với vấn đề này nói rằng họ đang nghiên cứu xem liệu có thể lắp đặt được tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AIM120 lên các máy bay chiến đấu dòng MiG và Sukhoi của Ukraine đang hoạt động hay không. Tên lửa AIM120 được thiết kế dùng cho máy bay F-16 của Mỹ và các máy bay chiến đấu phương Tây sử dụng. Ukraine hiện đã có một số lượng không rõ tên lửa không – không AIM120 do Anh và Bỉ cung cấp, có thể được sử dụng để phóng từ các hệ thống phòng không do phương Tây viện trợ, chẳng hạn như hệ thống tên lửa đất đối không NASAMS Ukraine hiện có.

Mỹ đang thử nghiệm tích hợp tên lửa không đối không tầm trung AIM120 lên các máy bay dòng MiG và Sukhoi của Ukraine (Ảnh: Dongfang).

Mỹ đang thử nghiệm tích hợp tên lửa không đối không tầm trung AIM120 lên các máy bay dòng MiG và Sukhoi của Ukraine (Ảnh: Dongfang).

Quá trình tích hợp tên lửa AIM120 lên máy bay hệ Liên Xô đầy thách thức, ngoài vấn đề kích thước ảnh hưởng đến việc lắp đặt, còn phải giải quyết vấn đề tương thích giữa tên lửa và radar của tiêm kích MiG. Trước khi máy bay tiêm kích phóng tên lửa, cần được radar cung cấp mục tiêu, dẫn đường đến khoảng cách đủ gần rồi tên lửa tự tìm mục tiêu. Các hệ thống vũ khí của Mỹ và Liên Xô rất khác nhau, tên lửa và máy bay chiến đấu của Mỹ và Liên Xô không thể liên lạc được với nhau.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Gahn từ chối bình luận về thông tin này, với lý do an ninh của hành động. Mỹ đã cung cấp cho Ukraine các tên lửa không đối đất, chẳng hạn như tên lửa chống bức xạ tốc độ cao AGM88B, loại tên lửa này có thể được phóng từ các máy bay chiến đấu dòng MiG để tấn công các mục tiêu mặt đất như radar và hệ thống phòng không.

Tướng Mỹ James Hecker xác nhận đã cung cấp bom thông minh JDAM-ER cho Quân đội Ukraine (Ảnh: Dongfang).

Tướng Mỹ James Hecker xác nhận đã cung cấp bom thông minh JDAM-ER cho Quân đội Ukraine (Ảnh: Dongfang).

Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã bàn giao cho Ukraine một số bom tấn công trực tiếp JDAM-ER. Quân đội Mỹ dự tính Ukraine sẽ hy vọng phát động một cuộc tấn công trong vòng 6 đến 8 tuần tới khi thời tiết ấm lên và số quân đang huấn luyện ở Đức cho các hoạt động chung trở về nước. Nhưng Mỹ vẫn lo lắng rằng khả năng phòng không của Ukraine đang suy giảm.

Tư lệnh Lực lượng Không quân Hoa Kỳ tại Châu Âu và Châu Phi James Hecker đã xác nhận vào thứ Hai (ngày 6) rằng bom tấn công trực tiếp trung tầm mở rộng (Joint Direct Attack Munition, JDAM-ER) cung cấp cho Không quân Ukraine đã chính thức được triển khai và sử dụng để tấn công các lực lượng Nga. Ông cũng thừa nhận, việc tích hợp tên lửa chống bức xạ tốc độ cao AGM88 do Mỹ sản xuất vào các máy bay chiến đấu MiG-29 và Su-27 của Ukraine vẫn còn những hạn chế, nhưng đã khá tốt.

Tướng James Hecker đã tham dự một cuộc hội thảo ở bang Colorado, Mỹ, và tiết lộ rằng trong ba tuần qua, một số vũ khí chính xác đã được chuyển đến Ukraine, tầm bắn của nó xa hơn loại bom rơi tự do thả bằng máy bay và có khả năng dẫn đường chính xác. Quân đội Ukraine có thể sử dụng bom JDAM-ER để tấn công các mục tiêu ngoài tầm bắn của các loại vũ khí như Hệ thống tên lửa đa năng cơ động cao M142 HIMARS.

Bom thông minh DJAM-ER gắn trên cánh máy bay chiến đấu (Ảnh: Dongfang).

Bom thông minh DJAM-ER gắn trên cánh máy bay chiến đấu

(Ảnh: Dongfang).

Tuy nhiên, Hecker chỉ ra rằng số lượng JDAM-ER chuyển giao cho Ukraine là có hạn. Bom JDAM-ER do Công ty Boeing của Mỹ và Không quân Hoàng gia Australia cùng phát triển. Bộ phận điều khiển bay và lượn của nó có thể được cố định trên một quả bom không điều khiển nặng từ 500 đến 2.000 pound. Sau khi được thả ra, nó sẽ mở cánh và lướt đi. Quả bom được dẫn đường bằng hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu (GPS) và có tầm bắn lên tới 72 km.

Ông Hecker nói, kể từ sau khi nổ ra cuộc xung đột Nga-Ukraine, phía Ukraine đã bắn hạ được hơn 70 máy bay quân sự của Nga và cũng bị mất hơn 60 chiếc trong cuộc chiến. Do hệ thống phòng không tổng hợp và phòng thủ tên lửa tích hợp của Nga và Ukraine tạo ra mối đe dọa lớn đối với máy bay nên máy bay của hai bên sẽ không bay qua lãnh thổ của nhau. Các hệ thống phòng không của Nga được triển khai ở lãnh thổ Nga, Belarus và một số khu vực Ukraine Nga đã chiếm giữ, đồng thời có thể di chuyển cơ động, khiến Ukraine rất khó sử dụng máy bay để hỗ trợ trên không trong các cuộc phản công mùa xuân và mùa hè đã lên kế hoạch.

(Theo Dongfang, NetEasy, 8/3)