Theo Không quân Mỹ, vụ thử nghiệm diễn ra hôm 28/7 tại thao trường Point Mugu ngoài khơi bang California ở Thái Bình Dương. Tên lửa AGM-183A đã tách khỏi chiếc B-52 nhưng động cơ của nó không được kích hoạt và vụ thử không thành công.
Đây là lần thử nghiệm thất bại thứ 2 của Mỹ với tên lửa siêu vượt âm trên, sau lần đầu hồi tháng 4. Khi đó, tên lửa AGM-183A gặp trục trặc, không thể hoàn thành quy trình phóng và vẫn treo trên máy bay khi trở về căn cứ.
Dù thử nghiệm lần 2 thất bại, nhưng phía Mỹ khẳng định rằng vụ phóng thử đã cung cấp cho họ nhiều dữ liệu thử nghiệm quý giá cho nỗ lực phát triển vũ khí siêu vượt âm của Mỹ.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, diễn biến này có thể được xem là bước lùi của Mỹ khi tiếp tục bị chậm chân hơn các đối thủ Nga - Trung trong cuộc đua vũ khí siêu vượt âm.
Tốc độ và khả năng cơ động giúp các tên lửa siêu vượt âm trở nên nguy hiểm hơn đối với hầu hết các hệ thống phòng không. Ngoài ra, thời gian đốt cháy động cơ tên lửa được rút ngắn khiến việc phát hiện chúng bằng hệ thống cảnh báo sớm trên quỹ đạo trở thành một nhiệm vụ khó khăn.
Hiện Nga đang chuẩn bị thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm thứ 4, trong khi Bắc Kinh đã có tên lửa siêu vượt âm sẵn sàng triển khai. Giới chức quân sự Mỹ nhiều lần thừa nhận Washington đang đi sau nhiều năm so với các đối thủ chiến lược trong cuộc đua phát triển vũ khí siêu vượt âm.
Hồi tháng 10 năm ngoái, một quan chức của không quân Mỹ tiết lộ rằng AGM-183A có thể bay với tốc độ từ 8.046 km tới 9.656 km mỗi giờ, tức là tương đương với việc bay nhanh gấp 6,5 tới 7,5 lần tốc độ âm thanh.
Tuy nhiên, theo Sputnik, tốc độ của AGM-183A chưa thể so sánh được với các vũ khí siêu thanh mà Nga đã đưa vào biên chế như tên lửa Kinzhal (nhanh gấp 10 lần tốc độ âm thanh) hay Avangard (nhanh gấp 20 lần tốc độ âm thanh).
Theo Dantri.com