Trước đó, truyền thông Mỹ đưa tin, Washington từ chối cung cấp cho Kiev những UAV tiên tiến do lo ngại lộ bí mật công nghệ cũng như lo ngại động thái này có thể khiến leo thang xung đột vượt ra ngoài biên giới Ukraine.
Theo hai quan chức được hãng tin CNN phỏng vấn, Washington đang tìm hiểu khả năng tái cấu trúc các UAV MQ-1C Grey Eagle nhằm giảm nguy cơ các công nghệ nhạy cảm rơi vào “tay kẻ xấu”. Bản tin cho biết, nếu những lo ngại này được giải quyết, Ukraine có cơ hội nhận được những UAV chiến đấu hiện đại này.
Trong cuộc phỏng vấn với CNN, một quan chức quốc hội Mỹ cho biết: “những chỉnh sửa và vô hiệu hóa kỹ thuật cụ thể” này khả thi, nhưng “những việc đó cần có thời gian và khá phức tạp”.
Một quan chức khác của Mỹ nói “vẫn có sự quan tâm thực sự đến khả năng cung cấp cho Ukraine những hệ thống vũ khí đặc biệt này” nếu Lầu Năm Góc có thể thực hiện các sửa đổi cần thiết và UAV vẫn sẽ có hiệu quả tác chiến trên chiến trường.
Tuần trước, tờ The Wall Street Journal đưa tin, Mỹ từ chối cung cấp UAV Grey Eagle cho Kiev. Mối quan tâm chính được cho là những vũ khí này có thể đổ thêm dầu vào cuộc xung đột Ukraine.
Nhưng một nguồn tin của CNN cho rằng, những lo ngại xoay quanh vấn đề an ninh công nghệ hơn là khả năng leo thang vì bất kỳ UAV nào bị bắn rơi đều có thể được quân đội Nga thu thập, phục hồi và nghiên cứu công nghệ.
“Đây là những hệ thống vũ khí rất đắt tiền và có nhiều lo ngại rằng, UAV có thể bị bắn hạ”, một quan chức Mỹ nói với hãng tin CNN nhưng không cung cấp bất kỳ chi tiết nào về những bộ phận có thể chứa các bí mật nhạy cảm nhất.
Grey Eagles có thể bay ở độ cao lên tới 7.600m trong hơn 27 giờ và mang theo 4 tên lửa Hellfire.
Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự chống lại Ukraine cuối tháng 2, Mỹ đã viện trợ cho Kiev hơn 60 tỉ USD vũ khí trang bị quân sự. Nhưng Washington vẫn từ chối cung cấp vũ khí tiên tiến như hệ thống phòng không Patriot và máy bay chiến đấu F-16. Moscow nhiều lần cảnh báo, các chuyến hàng cung cấp vũ khí chỉ kéo dài cuộc xung đột.
Theo RT