Một góc làm việc trong Nhà máy giày Tam Cường. Ảnh: ĐẶNG TUYỀN |
Hàng chục ngàn lao động ở các cụm, khu công nghiệp ở huyện Vĩnh Bảo (TP Hải Phòng) không được chủ sử dụng lao động đóng tiền bảo hiểm. Thậm chí nhiều công nhân muốn đóng bảo hiểm phải mất phí bôi trơn trong khi đó là quyền lợi tất yếu của họ.
Một năm ký hợp đồng lao động bốn lần
Chị VTN (xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Bảo) cho biết chị làm công nhân Nhà máy giày Tam Cường (của Công ty TNHH Đỉnh Vàng) đã gần bốn năm. “Hợp đồng lao động ký đã ba năm nhưng đến nay tôi vẫn chưa được bảo hiểm xã hội (BHXH) vì không có tiền bôi trơn những cán bộ của công ty” - chị N. nói.
Tương tự, nhiều công nhân Công ty Cổ phần Thiên Phúc (trong Cụm công nghiệp Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo) cũng phản ánh họ làm việc đã bốn, năm năm cũng không biết BHXH là gì. Được biết công ty này có khoảng 70 lao động, trong đó chỉ có 20 người được tham gia bảo hiểm đầy đủ.
Một trong số 50 công nhân không được đóng bảo hiểm cho biết một năm công ty ký hợp đồng lao động với công nhân bốn lần. Tình trạng này kéo dài nhiều năm nhưng khi công nhân có ý kiến thì bị cho nghỉ việc nên hầu như không ai dám ý kiến. Trả lời PV, ông Nguyễn Quang Nhẫn, Giám đốc Công ty Thiên Phúc, nói ngắn gọn: “Mọi thông tin về công ty chúng tôi sẽ không cung cấp cho báo chí”.
Tương tự, ông Phạm Xuân Hùng, đại diện Nhà máy giày Tam Cường (Công ty Đỉnh Vàng), cho biết: “Khoảng 1.500 lao động ở công ty không được đóng BHXH. Điều này là không đúng với quy định của pháp luật nhưng kinh tế của đơn vị khó khăn nên khó thực hiện nghiêm túc việc đóng BHXH cho công nhân”.
Ông Hùng cũng cung cấp những bộ hồ sơ của các công nhân, trong đó có trường hợp ký hợp đồng lao động ba năm và có quy định rõ việc đóng BHYT, BHXH. Hợp đồng là như vậy nhưng công ty không đóng, việc này đã kéo dài nhiều năm. “Ngoài ra, chúng tôi có nhận được phản ánh của nhiều công nhân về việc họ bị cán bộ công ty bắt đóng phí mới được tham gia bảo hiểm. Trong khi theo quy định, việc tuyển dụng cũng như đóng bảo hiểm hoàn toàn không mất một khoản phí nào. Vì vậy, công ty đã đề nghị công an vào điều tra làm rõ” - ông Hùng nói.
Theo biên bản kiểm tra giám sát thực hiện pháp luật lao động tại Nhà máy giày Tam Cường - Công ty TNHH Đỉnh Vàng thì mức lương cơ bản bình quân của các lao động là 5 triệu đồng/tháng (hệ thống thang lương tối thiểu là 3,5 triệu đồng/tháng và tối đa là 7 triệu đồng/tháng). Như vậy, đồng nghĩa với việc công ty này mỗi tháng không làm nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động khoảng 1 tỉ đồng.
Doanh nghiệp trốn hàng chục tỉ mỗi tháng
Năm 2015, đoàn kiểm tra liên ngành thuộc Phòng LĐ-TB&XH, BHXH và Liên đoàn Lao động huyện Vĩnh Bảo đã kiểm tra 41/120 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn huyện, phát hiện 39/41 DN không có bảng lương cụ thể, không đóng bảo hiểm cho công nhân. Con số lao động không được đóng bảo hiểm lên đến 7.000 người. Tuy nhiên, vẫn còn gần 100 DN chưa kiểm tra được và chưa có báo cáo. Bà Trần Thị Nguyệt, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Vĩnh Bảo, cho biết theo tính toán, mỗi tháng các DN trên địa bàn có thể trốn hàng chục tỉ đồng tiền đóng bảo hiểm cho người lao động.
Ông Nguyễn Minh Châu, Chủ tịch Công đoàn ngành công thương - thuộc Sở Công Thương TP Hải Phòng (đơn vị quản lý công đoàn các ngành may mặc, giày da ở Hải Phòng), cho biết: “Chúng tôi biết tình trạng các công ty không đóng BHXH, BHYT cho người lao động. Tuy nhiên, việc này cơ quan chức năng của địa phương phải kiểm tra cụ thể mới có hướng xử lý”.
Phó thủ tướng yêu cầu xử nghiêm các tổ chức, cá nhân nợ bảo hiểm
Ngày 18-1, BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến công tác năm 2015 và phương hướng nhiệm vụ năm 2016.
Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết năm 2015 số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN là 70,2 triệu người (tăng 4,46 triệu người so với năm 2014), tổng thu BHXH, BHYT, BHTN đạt 216.000 tỉ đồng (tăng gần 19.000 tỉ đồng so với năm 2014). Trong đó, số chi cho BHXH, BHYT, BHTN cũng tương đương với số thu là 200.000 tỉ đồng (tăng 12,2% so với năm 2014).
Cũng theo ông Thảo, ngành đã thực hiện kiểm tra trên 19.000 đơn vị BHXH tại các tỉnh, thành... Qua đó, kiến nghị xử phạt hành chính đối với 472 đơn vị, cá nhân và đề nghị truy thu, thu hồi 107 tỉ đồng, trong đó chưa chấp nhận thanh toán gần 4,5 tỉ đồng. Đến cuối năm 2015 số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN vẫn còn trên 7.000 tỉ đồng.
Sau khi nghe báo cáo, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN trên 7.000 tỉ đồng là một con số rất lớn. “Cần có biện pháp ngăn chặn tình trạng nợ, trốn đóng các loại bảo hiểm. Năm 2016, BHXH Việt Nam được quyền thanh tra các hoạt động này, vì vậy cần phải tăng cường thanh tra, xử mạnh và công khai đối với các tổ chức, cá nhân trốn hoặc chậm đóng các loại bảo hiểm. Nếu chúng ta không quyết liệt thì rất khó xử lý dứt điểm việc này, ảnh hưởng quyền lợi của người lao động” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
VIẾT LONG
Luật BHXH năm 2014 quy định mức đóng BHXH thay đổi từ đầu năm 2016. Cụ thể, từ ngày 1-1-2016 đến hết năm 2017 đóng BHXH dựa trên mức lương và phụ cấp ghi trong hợp đồng. Từ đầu năm 2018 trở đi, người lao động đóng bảo hiểm dựa trên mức lương, phụ cấp và nhiều khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động. Người lao động sẽ đóng 8% và DN đóng 18% lương hằng tháng. Như vậy, mọi hợp đồng lao động dù ký một tháng cũng phải đóng bảo hiểm.
Bà Trần Thị Nguyệt,
Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng
Theo Đặng Tuyền - PLTP