Nợ BHXH vẫn rất trầm trọng

Mặc dù Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) đã khởi kiện rất nhiều doanh nghiệp trốn và nợ đọng tiền BHXH, nhưng kết quả thu hồi nợ không cao, nhiều doanh nghiệp phá sản, thậm chí có những doanh nghiệp FDI đã bỏ trốn về nước.
Nợ đọng BHXH vẫn tiếp tục tăng - Ảnh: TL
Nợ đọng BHXH vẫn tiếp tục tăng - Ảnh: TL

Theo BHXH Việt Nam, trong số những vụ khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng BHXH thì có khoảng 30% doanh nghiệp đã thực hiện ngay việc đóng BHXH, khoảng 40% doanh nghiệp chấp nhận để tòa án thụ lý vụ án, còn lại 30% doanh nghiệp do rơi vào tình cảnh rất khó khăn, như phá sản, giải thể hoặc chờ giải thể.

Nhiều vụ việc sau khi tòa tuyên án xong doanh nghiệp cũng không có tài sản để trả nợ. Bên cạnh đó, khi thanh lý tài sản của doanh nghiệp theo quyết định của tòa án, phần nợ đóng BHXH của doanh nghiệp chưa được ưu tiên giải quyết.

Do đó, theo ông Trần Đình Liệu, Trưởng ban Thu, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc khởi kiện gần như không có hiệu quả. Thậm chí, đối với các doanh nghiệp FDI, cơ quan BHXH Việt Nam đã phải xử lý khoảng 170 trường hợp chủ doanh nghiệp bỏ trốn về nước, chủ yếu là các doanh nghiệp gốc Đài Loan và Trung Quốc.

Theo cơ quan BHXH Việt Nam, do cơ chế thông thoáng nên các doanh nghiệp FDI chủ yếu đi thuê, từ ông chủ, lao động, vốn, máy móc, nhà xưởng…nên khi họ rút về nước, gần như không còn gì để trang trải các khoản nợ BHXH. Kết quả là người lao động chịu thiệt thòi khi vẫn bị trích đóng BHXH hàng tháng nhưng lại bị doanh nghiệp chiếm dụng.

Theo ông Liệu, có hơn 6.000 lao động trong các doanh nghiệp này bị ảnh hưởng. “BHXH Việt Nam đang xin Thủ tướng cơ chế làm sao đảm bảo quyền lợi cho họ (người lao động bị doanh nghiệp quỵt tiền bảo hiểm xã hội) nhưng sẽ rất khó vì nguyên tắc của BHXH là có đóng có hưởng”, ông Liệu nói.

Vấn đề nợ đọng BHXH đã được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập đến trong các phiên chất vấn Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội trước đó. Nhiều đại biểu cho rằng, khi người lao động thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH của mình rồi thì họ phải được hưởng chế độ BHXH, còn việc nợ đọng BHXH là việc của ông chủ với cơ quan BHXH chứ không thể để người lao động làm con tin được. Song, tới nay, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết.

Ông Trần Đình Liệu cho hay, sắp tới, phía BHXH sẽ có nhiều công cụ để xử lý vấn đề nợ đọng BHXH của doanh nghiệp và có thể hình sự hóa việc trốn, chậm đóng BHXH cho người lao động.

Doanh nghiệp trốn, chậm đóng chính là chiếm dụng vốn của người lao động, cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp khác, do đó, cơ quan BHXH Việt Nam sẽ thanh tra các doanh nghiệp đã đóng và chưa đóng BHXH và sẽ phối hợp với cơ quan thuế để rà soát và chia sẻ thông tin giữa việc đóng BHXH của doanh nghiệp và quyết toán thuế.

Hơn nữa từ 1-7-2016, bộ Luật Hình sự sẽ có hiệu lực, những hành vi như trốn đóng, chậm đóng, và giả mạo hồ sơ trong lĩnh vực BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn đều bị khởi tố hình sự.

Theo số liệu của cơ quan BHXH, năm 2015, tổng số nợ đóng BHXH là 7.567 tỉ đồng, tăng khoảng 300 tỉ đồng so với năm 2014. Trong đó, tính riêng số nợ BHXH là 5.692 tỉ đồng, bảo hiểm y tế là 1.560 tỉ đồng, bảo hiểm tai nạn là 315 tỉ đồng.

Theo TBKTSG