Theo đó, tại buổi làm việc với lãnh đạo Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank - Mã CK: CTG) hôm 8/10, ông Masaaki Suzuki - Đồng Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo Hợp tác Chiến lược VietinBank và MUFG - nhấn mạnh việc hợp tác giữa 2 ngân hàng không chỉ dừng lại ở hợp tác song phương, mà còn mở rộng thành hợp tác đa phương giữa các ngân hàng đối tác của MUFG.
Được biết, những mối quan hệ đa phương đã tạo nên sức mạnh tổng hợp để phục vụ khách hàng của các ngân hàng đối tác MUFG trên phạm vi toàn cầu.
Về vấn đề tăng vốn của VietinBank, ông Masaaki Suzuki kỳ vọng ngân hàng sẽ thực hiện được mục tiêu tăng vốn sớm nhất có thể. Bên cạnh đó, MUFG luôn luôn kề vai sát cánh, ủng hộ VietinBank trong mọi nỗ lực để thúc đẩy tiến trình tăng vốn của VietinBank.
Toàn cảnh buổi làm việc (Nguồn: VietinBank)
|
Trong số các nhà băng do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, VietinBank có lẽ là ngân hàng ít dư địa hơn cả nếu muốn giải quyết bài toán tăng vốn từ dòng vốn ngoại.
Bởi tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại ngân hàng ở dưới ngưỡng 65% vốn điều lệ, trong khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài và cổ đông chiến lược cũng đã gần chạm mức tối đa cho phép. Riêng MUFG đang là cổ đông ngoại lớn nhất của VietinBank, với tỷ lệ sở hữu 19,73%.
Trong khi đó, một số ngân hàng quốc doanh khác tìm được đối tác ngoại để nâng quy mô vốn điều lệ, đảm bảo các hệ số an toàn vốn theo quy định.
Hồi cuối năm 2018, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã thu về 6.200 tỷ đồng từ bán cổ phần cho GIC (Quỹ đầu tư quốc gia của Singapore) và Mizuho Bank. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đã chốt giá bán hơn 603,3 triệu cổ phần cho KEB Hana Bank.
Từ đầu năm 2019 tới nay, VietinBank đã nhiều lần phát hành trái phiếu dài hạn để bổ sung nguồn vốn hoạt động. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng đây chỉ là biện pháp giải quyết tình thế./.