Một số địa phương hiểu khác nhau về “ổ dịch” và “cách ly”: Giải thích của Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong thời gian sớm nhất, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn cụ thể khu vực nào phải cách ly 21 ngày và khu vực nào chỉ cách ly 14 ngày.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên – Phó Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên – Phó Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

Khi làn sóng dịch thứ 3 xuất hiện, nhiều địa phương lập tức đưa ra các biện pháp ngăn dịch xâm nhập, trong đó có việc cách ly, phong toả. Tuy nhiên, vấn đề cách ly, phong toả ở các địa phương đang hiểu không thống nhất, khiến người dân hoang mang khi muốn về quê ăn Tết. Để mang đến bạn đọc những thông tin rõ hơn về vấn đề này, phóng viên VietTimes đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên – Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

PV: Thưa Thứ trưởng! Việc các địa phương đưa ra các quyết định khác nhau về phong toả và cách ly đang gây tác động mạnh đến xã hội, khi vào dịp này người dân có nhu cầu đi lại và về quê ăn Tết rất đông. Tại sao lại có sự không thống nhất trong phòng dịch thưa ông?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Sau 11 ngày dịch COVID-19 tái bùng phát, Việt Nam đã có hơn 400 bệnh nhân lây nhiễm cộng đồng tại 12 tỉnh, thành phố. Hầu hết các ca bệnh đều liên quan đến ổ dịch tại Hải Dương và nhiều người mang chủng virus biến thể ở Anh. Chủng này có khả năng bám dính ở tế bào người rất mạnh, tốc độ lây nhiễm tăng 70% so với chủng cũ, đồng thời chu kỳ lây nhiễm rút ngắn chỉ còn 2-3 ngày so với 5 ngày như chủng cũ.

Trước tình hình trên, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương có dịch lần này phải nâng cao hơn một mức các biện pháp phòng, chống dịch so với các đợt dịch trước. Việc phong toả và cách ly trên từng địa bàn đã được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho các địa phương. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành sẽ quyết định phạm vi khoanh vùng, phong tỏa, cũng như những trường hợp thuộc diện phải cách ly, theo dõi y tế. Vì vậy, việc có cách ly hay không cách ly người từ đến/đi từ 12 tỉnh, thành đang có dịch COVID-19 do lãnh đạo các địa phương quyết định.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên – Phó Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trao đổi với PV VietTimes
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên – Phó Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trao đổi với PV VietTimes

Tuy thẩm quyền quyết định do địa phương, nhưng lãnh đạo các địa phương và người dân cũng cần hiểu rõ thế nào là “ổ dịch” và “vùng có dịch” để có biện pháp phù hợp, những người dân sống ở ngoài vùng phong tỏa thì các hoạt động vẫn diễn ra bình thường, để thực hiện chủ trương của Chính phủ là vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch.

PV: Đang có nhiều địa phương hiểu không thống nhất về khái niệm “ổ dịch” và “vùng có dịch” dẫn đến việc cách ly, phong toả khác nhau. Xin Thứ trưởng nói rõ hơn về vấn đề này?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Đúng là thời gian qua, một số địa phương hiểu chưa đúng thế nào là “ổ dịch” và thế nào là “địa phương có ổ dịch”. Vùng có dịch là nơi có ca bệnh và được chính quyền địa phương xác định và đang bị phong tỏa nghiêm ngặt, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Những người đang ở vùng dịch, nơi bị phong tỏa, người đi qua những khu vực đang bị phong tỏa tuyệt đối sẽ không được di chuyển. Còn những khu vực không phong toả thì vẫn diễn ra bình thường. Tôi có thể ví dụ thế này: Một phường có nhiều đường phố, đường phố nào có ca dương tính thì gọi đây là “ổ dịch”, còn những phố không có ca bệnh thì coi là không có “ổ dịch”.

PV: Cũng giống như “ổ dịch”, một số nơi chưa hiểu đúng thế nào là F1, F2, dẫn đến nguy cơ cách ly không cần thiết, gây tốn kém, lãng phí thậm chí khó khăn cho người dân. Rồi vấn đề cách ly 21 hay 14 ngày cũng không thống nhất, khiến có Sứ quán thắc mắc như Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết tại cuộc họp do Bộ Y tế chủ trì vừa rồi. Xin Thứ trưởng chia sẻ thêm về vấn đề này?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Thực tế là có cả một số người trong ngành y tế cũng hiểu chưa đúng về F1 và F2, mặc dù WHO đã khuyến cáo và Bộ Y tế cũng đã có Hướng dẫn cụ thể.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên (ngoài cùng bên trái) kiểm tra công tác phòng chống dịch ở cơ sở
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên (ngoài cùng bên trái) kiểm tra công tác phòng chống dịch ở cơ sở

Theo Hướng dẫn, F1 là những người tiếp xúc gần với F0 ở cự ly dưới 2m. Còn F2 là người tiếp xúc gần với F1, tức cũng ở cự ly dưới 2m. F1 phải cách ly tập trung, còn F2 theo dõi y tế tại nhà. Những đối tượng còn lại phải giám sát y tế và có được ra khỏi nơi cư trú không thì do địa phương đó quyết định. Những người này nếu đi đến địa phương khác cũng bắt buộc phải khai báo và được giám sát y tế chặt chẽ như giám sát F2 tại khu phong toả, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, những địa phương có ổ dịch thì khi tổ chức cách ly phải cách ly 21 ngày, còn địa phương không có ổ dịch vẫn cách ly 14 ngày.

PV: Trước sự chưa thống nhất của các địa phương, là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống COVID-19, Bộ Y tế có giải pháp gì, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Bộ Y tế đã nhận được ý kiến phản ánh của người dân, nên đã giao cho Cục Y tế Dự phòng khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất toàn quốc. Văn bản này sẽ được ban hành trong thời gian sớm nhất, như Bộ Y tế đã hướng dẫn trong vụ dịch xảy ra ở Sơn Lôi.

Trong thời gian hiện nay, khi chưa có hướng dẫn, những địa phương nào có ý kiến phản ánh về, chúng tôi sẽ hướng dẫn trực tiếp địa phương đó.

PV: Thứ trưởng có thể cho biết nội dung Hướng dẫn của Bộ Y tế?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Bộ Y tế sẽ hướng dẫn cụ thể cho người dân về việc di chuyển cũng như các biện pháp phòng, chống dịch. Các địa phương khác cũng cần hiểu rằng, các tỉnh, thành đang có dịch COVID-19 không có nghĩa tất cả người dân tại các tỉnh, thành này đều thuộc diện cách ly, không được phép di chuyển.

Tuy nhiên, những người được phép di chuyển phải tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch. Điều đó sẽ giúp người dân bảo vệ sức khỏe cho chính mình và góp phần giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh. Biện pháp đầu tiên và quan trọng nhất là phải đeo khẩu trang khi đi lại trên các phương tiện công cộng, ở nơi đông người. Sau đó là rửa tay, sát khuẩn, giữ khoảng cách an toàn. Khi về tới địa phương, cần khai báo y tế để được theo dõi.

PV: Xin cám ơn Thứ trưởng!