“Ma trận” thực phẩm bảo vệ sức khoẻ: Bị phạt nhưng vẫn ngang nhiên quảng cáo tràn lan trên mạng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hàng loạt thực phẩm bảo vệ sức khoẻ vừa bị thanh tra Bộ Y tế “tuýt còi”. Mặc dù đã bị phạt hàng chục triệu đồng nhưng thực phẩm bảo vệ sức khoẻ vi phạm vẫn đang được quảng cáo tràn lan trên mạng.
Quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ trên mạng khiến người tiêu dùng như lạc vào "ma trận" (Ảnh - VT)
Quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ trên mạng khiến người tiêu dùng như lạc vào "ma trận" (Ảnh - VT)

Theo tìm hiểu của PV, mới đây, Thanh tra Bộ Y tế đã ra quyết định thông báo xử phạt nhiều công ty sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khoẻ. Tuy nhiên, sau khi nhận mức phạt hàng chục triệu đồng, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ của những công ty này vẫn được quảng cáo tràn lan trên mạng khiến người tiêu dùng rơi vào “ma trận”.

Vẫn quảng cáo dù đã bị thu hồi

Với hàng loạt quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ trên thị trường, người tiêu dùng như lạc vào mê cung, không biết đâu là sản phẩm tốt, chất lượng cao, đâu là sản phẩm vi phạm, bị thu hồi.

Chỉ cần gõ từ khoá thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Onevita Brain trên google, mỗi người có thể nhận về rất nhiều kết quả, chủ yếu là quảng cáo về sản phẩm này. Theo thông tin được đăng tải trên website: vannienminh.com, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Onevita Brain được quảng cáo có công dụng chính là giúp hoạt huyết dưỡng não, tăng cường tuần hoàn và lưu thông máu lên não, bảo vệ tế bào thần kinh, giúp bồi bổ khí huyết, cải thiện trí nhớ, tăng cường khả năng tập trung, đồng thời, phòng ngừa và làm giảm các triệu chứng sau rối loạn tiền đình, phòng ngừa tai biến.

Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Onevita Brain được quảng cáo trên website vannienminh.com (Ảnh - VT)

Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Onevita Brain được quảng cáo trên website vannienminh.com (Ảnh - VT)

Đối tượng sử dụng chính của Onevita Brain là người trưởng thành; người rối loạn tiền đình, đau đầu, ù tai, hoa mắt, chóng mặt; người bị thiếu máu não, sau tai biến mạch máu não, khí huyết lưu thông kém. Đặc biệt, dùng cho những người bị thiểu năng tuần hoàn não: căng thẳng, đau đầu mất ngủ, suy giảm trí nhớ, hay quên. Được biết, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Onevita Brain do Công ty TNHH Medistar Việt Nam sản xuất.

Với những lời quảng cáo hấp dẫn trên mạng về tác dụng tuyệt vời của Onevita Brain, ít ai biết rằng sản phẩm này đã bị Thanh tra Bộ Y tế thu hồi vì vi phạm quy định.

Theo ông Nguyễn Văn Nhiên – Phó chánh Thanh tra Bộ Y tế - Công ty TNHH Medistar Việt Nam (lô 38-2 Khu CN Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội) đã sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khoẻ không phù hợp với thông tin về sản phẩm đã công bố gồm 3 sản phẩm: Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ White Glutathione, NĐCal D3MK7 và Onevita Brain. Vì thế, Công ty TNHH Medistar Việt Nam đã bị phạt 70 đồng, tước quyền sử dụng giấy tiếp nhận đăng ký công bố sản phẩm 22 tháng đối với 3 sản phẩm trên và thu hồi toàn bộ sản phẩm đã vi phạm. Công ty TNHH Medistar Việt Nam phải báo cáo kết quả thực hiện quyết định xử phạt, thu hồi sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ về Bộ Y tế trước ngày 10/5. Nếu quá thời hạn mà công ty không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.

Sản phẩm Onevita Brain được quảng cáo trên Facebook (Ảnh - VT)

Sản phẩm Onevita Brain được quảng cáo trên Facebook (Ảnh - VT)

Tương tự như Công ty TNHH Medistar Việt Nam, Công ty TNHH Công nghệ cao Đông Nam dược Bát Phúc (số 61B tập thể Máy Đèn, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) cũng sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khoẻ bổ thận Kitonic và BV khớp 4.0 không phù hợp với thông tin về sản phẩm đã công bố, vi phạm Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

Do đó, Thanh tra Bộ Y tế đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Công nghệ cao Đông Nam dược Bát Phúc với mức phạt là 70 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy tiếp nhận đăng ký bán công bố sản phẩm bổ thận Kitonic và BV khớp 4.0 22 tháng, đồng thời, thu hồi toàn bộ 2 sản phẩm này.

Mặc dù Công ty TNHH Công nghệ cao Đông Nam dược Bát Phúc bắt buộc phải thu hồi toàn bộ sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ bổ thận Kitonic, nhưng trên nhiều website ở internet, đặc biệt là mạng xã hội Facebook vẫn ngang nhiên quảng cáo sản phẩm này nhằm mục đích bán hàng, trục lợi từ người tiêu dùng.

Sản phẩm bổ thận Kitonic được quảng cáo trên website thuocviet.com (Ảnh - VT)

Sản phẩm bổ thận Kitonic được quảng cáo trên website thuocviet.com (Ảnh - VT)

Cụ thể, trên website thuocviet.com, sản phẩm bổ thận Kitonic được quảng cáo là trong tình trạng còn hàng, chỉ cần khác hàng kết bạn với số điện thoại đính kèm trong ứng dụng Zalo là có thể sở hữu ngay trong tay sản phẩm bổ thận Kitonic với công dụng chính là hỗ trợ bổ huyết, dưỡng thận, hỗ trợ mạnh gân cốt, hỗ trợ cải thiện tình trạng thận hư. Đặc biệt, trang web này quảng cáo đối tượng sử dụng sản phẩm là nam, nữ chân tay tê mỏi, đau lưng mỏi gối, tóc bạc sớm do huyết kém; hay tiểu rắt, tiểu đêm nhiều do chức năng thận kém.

Đáng chú ý, sản phẩm bổ thận Kitonic còn được quảng cáo rầm rộ trên Facebook, có riêng 1 video để thông tin cho người dân về những tác dụng tuyệt vời mà sản phẩm mang lại. Trên trang Facebook có tên DS T.T.H. đã đăng tải bài viết với nội dung: “cây muốn trái ngọt phải chăm, người muốn khoẻ mạnh phải năng rèn luyện, người mà thận yếu lưng đau, bổ thận Kitonic – uống liền là thích” khiến người tiêu dùng hiểu nhầm về công dụng của sản phẩm.

Quảng cáo sản phẩm bổ thận Kitonic trên Facebook có tên DS T.T.H. (Ảnh - VT)

Quảng cáo sản phẩm bổ thận Kitonic trên Facebook có tên DS T.T.H. (Ảnh - VT)

Ngoài các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ trên, 3 sản phẩm gồm: viêm uống bổ máu FE, HD canxi nano mk7 và Silybumax Liver Extrar của Công ty CP Sản xuất và thương mại dược phẩm Hồng Phát (tầng 2, nhà 2 tầng, ngõ 109 đường Trường Chinh, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) đã bị xử phạt tới 95 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm 22 tháng, thu hồi toàn bộ sản phẩm vi phạm.

Thanh tra Bộ Y tế cho biết: Lý do Công ty CP Sản xuất và thương mại dược phẩm Hồng Phát bị xử phạt là do công ty đã không theo dõi độ ổn định của sản phẩm theo quy định của pháp luật, sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khoẻ không phù hợp với thông tin về sản phẩm đã công bố.

Người dân phải làm gì để tự bảo vệ chính mình?

Bên cạnh việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ tràn lan trên các website, mạng xã hội, việc quảng cáo, bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua hình thức online, gọi điện thoại cho người tiêu dùng rất phổ biến.

Một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng hình thức bán hàng này để tư vấn thổi phồng công dụng sản phẩm sai quy định của pháp luật. Nhiều trường hợp sản phẩm không có địa chỉ công ty, không có nơi bán hàng cố định, khách đặt hàng được người giao hàng đưa hàng và thu hộ tiền cho người bán, không có hóa đơn bán hàng. Vì thế, các cơ quan chức năng không thể tìm hiểu rõ nguồn gốc sản phẩm để có thể truy cứu trách nhiệm khi sản phẩm không đúng như quảng cáo.

Trước thực trạng này, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo: Người dân phải đặc biệt cảnh giác với hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế; gọi điện thoại tự xưng là bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế tư vấn, “bắt bệnh” và giới thiệu để bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe hoặc gọi điện thoại tự xưng là bệnh nhân đã khỏi bệnh sau khi sử dụng sản phẩm để giới thiệu và bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Người dân mua thuốc tại nhà thuốc (Ảnh - Anh Lê)

Người dân mua thuốc tại nhà thuốc (Ảnh - Anh Lê)

Để tự bảo vệ sức khoẻ bản thân trước “ma trận” quảng cáo, chào bán thực phẩm bảo vệ sức khoẻ trên mạng, người dân cần lưu ý: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.

Cùng với đó, người dân có thể tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/ và https://nghidinh15.vfa.gov.vn/ trước khi quyết định chọn mua sản phẩm; đọc kỹ nhãn sản phẩm, trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn ghi dòng chữ: “thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; xem rõ về thành phần, tác dụng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe.

Người dân nên chọn mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất sản phẩm rõ ràng. Khi mua sản phẩm, người dân phải có hóa đơn/đơn hàng của người bán để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hoá giữa hai bên để xác thực.