Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm giảm 1,11% về mức 3,27%/năm; kỳ hạn một tuần và hai tuần cũng giảm lần lượt 1,04% và 0,98% về mức 3,51% và 3,79%/năm.
Diễn biến hút ròng ba tuần liên tiếp trên thị trường OMO cùng xu hướng giảm mạnh của lãi suất liên ngân hàng cho thấy thanh khoản hệ thống tương đối dồi dào trong tuần qua.
“Tuy vậy, chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng đây có thể chỉ là biểu hiện trong ngắn hạn. Về cơ bản, mặt bằng lãi suất nói chung vẫn chịu nhiều sức ép tăng trong thời gian tới”, báo cáo nhận định.
Cũng theo BVSC, tuần qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) tổ chức đấu thầu trái phiếu chính phủ (TPCP) tại hai loại kỳ hạn: 5 năm và 15 năm.
Khối lượng đặt thầu tập trung chủ yếu ở kỳ hạn 5 năm. Cụ thể, TPCP kỳ hạn 5 năm: gọi thầu ban đầu 6.000 tỷ đồng, khối lượng đặt thầu ở mức cao (gấp 3,2 lần) và trúng thầu 100% tại mức lãi suất 6,29%/năm – giảm 0,07% so với lần trúng thầu gần nhất.
Ngoài ra, TP kỳ hạn này được tổ chức gọi thầu thêm 1.800 tỷ đồng, khối lượng đặt thầu rất cao (gấp hơn 7 lần) và tiếp tục trúng thầu 100% ở mức lãi suất tương tự.
TPCP kỳ hạn 15 năm: gọi thầu 2.000 tỷ đồng, lượng đặt thầu bằng 88% và trúng thầu toàn bộ lượng đặt thầu (1.761 tỷ đồng) tại mức lãi suất không đổi 7,65%/năm.
Việc trúng thầu với tỷ lệ cao tại TPCP kỳ hạn 5 năm nhiều tuần gần đây cho thấy sự quan tâm lớn của thị trường tiếp tục dành cho trái phiếu kỳ hạn ngắn. Do nắm được nhu cầu thị trường, KBNN tuần này tiếp tục gọi thầu ở mức cao (8.000 tỷ đồng) với loại trái phiếu kỳ hạn này.
“Với mức đặt thầu lớn như tuần vừa qua, chúng tôi cho rằng lãi suất TPCP kỳ hạn 5 năm nhiều khả năng sẽ đi ngang hoặc tiếp tục giảm nhẹ. Lãi suất huy động cho các kỳ hạn còn lại được dự báo sẽ không có nhiều thay đổi so với lần đấu thầu gần nhất”, các chuyên ra của BVSC đưa ra nhận định.
X.T