Kiến nghị Nhà nước tham gia dự trữ 10-12% sản lượng lúa gạo

Kế hoạch mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ Đông Xuân 2014-2015 của Thủ tướng Chính phủ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt kế hoạch đề ra, với mục đích đảm bảo lợi nhuận và sự ổn định cho người nông dân trồng lúa. 
Thu mua lúa tạm trữ lúa của nông dân vụ Đông Xuân.
Thu mua lúa tạm trữ lúa của nông dân vụ Đông Xuân.

Điều này cho thấy, chủ trương đúng đắn và sự thay đổi các phương thức hỗ trợ để người nông dân trồng lúa có thu nhập ổn định.

Từ thực tiễn thành công...

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến hết ngày 15/4, các địa phương thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cơ bản đã hoàn thành chỉ tiêu này. Nhiều địa phương trên địa bàn này đã hoàn thành chỉ tiêu trong vòng một tháng, kể từ ngày 1-31/3, sau đó tiếp tục được phân bổ thêm chi tiêu.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp ở các tỉnh Hậu Giang, Tiền Giang, Trà Vinh cũng cho rằng Chính phủ đã kịp thời đưa ra chính sách thu mua tạm trữ gạo trong vụ Đông Xuân 2014-2015 nên phần nào đã giúp được người nông dân tiêu thụ được lúa gạo với giá ổn định.

Còn nông dân ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ đều bày tỏ mong muốn được Nhà nước tiếp tục hỗ trợ để tiêu thụ nông sản, đảm bảo giá cả ổn định vì nếu giá nông sản bấp bênh, người nông dân sẽ không thể yên tâm sản xuất.

Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh, cho biết ban đầu các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được phân bổ chỉ tiêu thu mua 13.000 tấn gạo và đã sớm hoàn thành chỉ trong 25 ngày. Do nông dân vẫn đang thu hoạch rộ nên Hiệp hội VFA đã phân bổ thêm 1.000 tấn gạo, nhưng các thương lái cũng tiếp tục hoàn thành chỉ tiêu chỉ trong 10 ngày sau.

Trong thời gian thu mua tạm trữ gạo, giá lúa ở tỉnh Trà Vinh đã nhích lên khoảng 200 đồng/kg ở mức bình quân khoảng 4.200-4.700 đồng/kg lúa thường và từ 4.700-5.200 đồng/kg lúa thơm.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, ông Nguyễn Văn Đồng, cho biết tỉnh được giao chỉ tiêu thu mua tạm trữ 20.000 tấn gạo, nhưng chỉ sau một tháng (hết ngày 31/3), các thương nhân trong tỉnh đã hoàn thành chỉ tiêu được phân bổ. 

Nhưng so với sản lượng 600.000 tấn lúa trong vụ Đông Xuân 2014-2015 của tỉnh Hậu Giang thì người nông dân vẫn phải tự tìm mối tiêu thụ. Nhìn chung, giá lúa vụ này ở tỉnh Hậu Giang khá ổn định ở mức trên dưới 4.500 đồng/kg. Như vậy, người nông dân vẫn có lời, nhưng không cao.

Là tỉnh được phân bổ chỉ tiêu tạm trữ gần 90.000 tấn gạo, đến đầu tháng Tư, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Ông Võ Văn Lập, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang, cho hay 11 doanh nghiệp được phân bổ chỉ tiêu đều là những doanh nghiệp có đủ tiềm lực tài chính, có kinh nghiệm và hệ thống kho bãi, sân phơi và khu vực chế biến... cộng thêm sự hỗ trợ giải ngân nhanh của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, lại gặp đúng thời điểm vụ thu hoạch rộ chính là những lý do thực hiện được những kết quả nói trên.

Bên cạnh đó, tỉnh Tiền Giang đã sớm triển khai kế hoạch thu mua tạm trữ, giải ngân kịp thời nguồn vốn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để giúp nông dân tiêu thụ lúa hàng hóa với mức giá có lợi nhất, ông Lập cho biết thêm.

Cần đến một chính sách dài hơi 

Để đảm bảo người trồng lúa có lãi, cũng như đảm bảo vấn đề an ninh lương thực quốc gia, nhiều chuyên gia và đại diện các nhà quản lý ngành nông nghiệp thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đều cho rằng cần có sự thay đổi phương thức hỗ trợ người nông dân mang tính dài hơi, bền vững.

Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hậu Giang, trong ngắn hạn chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo của Chính phủ là rất cần thiết vì giúp nông dân bán được lúa gạo với giá ổn định, có lãi. 

Tuy nhiên, các bộ, ngành cần xây dựng chiến lược quốc gia về nông sản vừa đảm bảo tính dài hơi, vừa thực sự là phương thức hỗ trợ bền vững.

Lâu nay, vẫn tồn tại một nghịch lý chưa thể khắc phục được của vụ Đông Xuân (vụ chính ở Đồng bằng sông Cửu Long) đó là tình trạng gạo chất lượng thấp, thiếu những loại có tỷ lệ % tấm từ 15-25%. 

Phần lớn trà lúa Đông Xuân là lúa có tỷ lệ % tấm thấp, lúa thơm, nên các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu dù muốn cũng không thể mua được loại gạo có tỷ lệ tấm theo yêu cầu, ngay cả với loại lúa như IR 50404 chất lượng thấp cũng không đủ 10% tấm.

Trong khi đó, các loại lúa thơm, chất lượng cao lại khó tiêu thụ. Ngược lại, vào vụ Hè Thu, các đơn hàng xuất khẩu đòi hỏi gạo chất lượng cao, tỷ lệ từ 15% tấm trở xuống lại rất khó mua, bởi vụ mùa người nông dân thường trồng các loại lúa có phẩm chất thấp, tỷ lệ tấm cao để tránh thiệt hại do sâu bệnh.

Ba nội dung cho cơ chế tạm trữ

Để giải quyết vấn đề nêu trên, các cơ quan quản lý Nhà nước cấp địa phương, đặc biệt là ngành nông nghiệp cần nắm vững xu thế của thị trường để khuyến cáo người nông dân trồng lúa theo nhu cầu xuất khẩu, đồng thời xây dựng sàn giao dịch nông sản nhằm hỗ trợ người nông dân tiếp cận được thông tin giá cả, góp phần lành mạnh hóa thị trường và tránh tình trạng bị thương lái ép giá.

Nói về cơ chế tạm trữ lúa gạo hiện nay, ông Dương Quốc Xuân, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho rằng cơ chế tạm trữ phải đi vào ba nội dung: Một là người trồng lúa cũng phải có dự trữ, phải chịu dự trữ khoảng 20% sản lượng làm ra, với điều kiện Nhà nước có chính sách hỗ trợ kho bãi, sân phơi giúp họ.

Hai là các doanh nghiệp cũng phải tự dự trữ khoảng 30% sản lượng để đảm bảo xuất khẩu mà không cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Như vậy, nông dân và doanh nghiệp sẽ có tổng dự trữ là 50%.

Cuối cùng, Nhà nước cũng phải dự trữ từ 10-20% và lượng còn lại sẽ do thị trường tự điều tiết. 

Chính cách làm này sẽ giải quyết được cơ chế xin-cho ở một bộ phận doanh nghiệp, vốn tạo ra lợi ích nhóm, đồng thời gắn kết được trách nhiệm của người nông dân khi yêu cầu họ không được bán lúa non. 

Như vậy, mới đảm bảo người trồng lúa thu nhập có lãi từ 20-30% như mong muốn của Chính phủ.

Theo TTXVN