Phát biểu tại buổi Hội thảo công bố Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính 2015 vừa được Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia tổ chức sáng 14/03, TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, chỉ ra một thực tại nguy hiểm rằng nhiều ngân hàng đang phải huy động tiền gửi mới để lấy tiền trả lãi cho khoản tiền gửi cũ, còn lãi cho vay là tiền thật thì mới chỉ ghi nhận dự thu chứ chưa thu được trên thực tế.
Theo đó, “các ngân hàng vẫn đang phải “nuôi” nợ xấu. Báo cáo tài chính của ngân hàng mặc dù ghi nhận khoản lãi trên số tiền cho vay nhưng thực tế chưa nhận được “tiền tươi thóc thật”. Trong khi đó, các ngân hàng vẫn đang phải chịu áp lực trang trải lãi tiền gửi cho người dân. Thế nên, trong con số thu nhập lãi thuần 2,74% (NIM, chênh lệch lãi suất đầu ra - đầu vào) mà các ngân hàng công bố có một phần “ảo” trong đó”.
Thậm chí, theo ông Thành: “Một số ngân hàng hiện nay đang phải liên tục huy động tiền gửi mới để trả lãi tiền gửi cũ vì lãi dự thu chưa thu được, ngân hàng chưa có tiền. Như vậy, lợi nhuận của ngân hàng chính là được ghi nhận từ nghiệp vụ mang tính kỹ thuật này”.
TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright.
Vị chuyên gia đến từ Fullbright nhấn mạnh, cần phải sớm cảnh báo sự nguy hiểm của lãi dự thu đối với hệ thống bởi lợi nhuận của ngân hàng chủ yếu đến từ khoản này. Vấn đề này không chỉ tập trung ở những ngân hàng yếu kém đang trong quá trình tái cơ cấu mà tồn tại cả ở một số ngân hàng có quy mô vừa trở lên.
Ông Thành cho biết, về vấn đề này, vừa rồi ông và các đồng sự đã nghiên cứu và cho ra một báo cáo chi tiết, song không thể công bố được, vì nó động đến vấn đề nhạy cảm là “phải điểm mặt chỉ tên các ngân hàng”.
Căn cứ thông tin báo cáo tài chính đã công bố của các ngân hàng, VietTimes xin khoanh vùng một số nhà băng có khả năng đang thuộc diện “phải huy động tiền gửi mới để trả lãi tiền gửi cũ” mà TS. Nguyễn Xuân Thành đã đề cập. Đó đều những ngân hàng đang hạch toán Các khoản lãi, phí phải thu; Các khoản phải thu; Tài sản Có khác với giá trị lớn một cách “lạ thường”.
1. NHTMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank
Theo thống kê của VietTimes, Sacombank hiện đang là nhà băng có số dư Tài sản có khác lớn bậc nhất hệ thống, với giá trị chốt tại ngày ngày 31/12/2015 là 44.315 tỷ đồng, tăng sốc tới hơn 4 lần so với đầu năm, và chiếm đến… 15% tổng tài sản.
Trong đó, giá trị Các khoản lãi, phí phải thu là 25.144 tỷ đồng, chiếm lớn nhất. Kế đến là Các khoản phải thu với 17.529 tỷ đồng.
Các số liệu này, so sánh với phổ chung của toàn hệ thống là rất bất thường. Và theo ý kiến của một số nhà quản trị ngân hàng có kinh nghiệm đã được VietTimes tham khảo, không loại trừ khả năng, cả tỷ USD nợ xấu của Sacombank đang được “ẩn khéo” bằng cách hạch toán này (xem thêm).
2. NHTMCP Sài Gòn - SCB
Theo BCTC mới nhất của SCB là BCTC Quý III/2014, giá trị Tài sản có khác của ngân hàng này thậm chí còn “khủng” hơn cả Sacombank, với số liệu chốt tại ngày 30/09/2015 là 51.960 tỷ đồng, tương đương với 18,07% tổng tài sản.
Trong đó, giá trị Các khoản lãi và phí phải thu là 30.924 tỷ đồng; giá trị Các khoản phải thu là 20.868 tỷ đồng.
Tương tự trường hợp của Sacombank, giá trị Các tài sản Có khác ở SCB cũng là rất bất thường. Vấn đề này và những câu chuyện đằng sau sẽ được VietTimes sẽ phân tích kỹ hơn trong một bài viết khác.
3. NHTMCP Sài Gòn Hà Nội – SHB
SHB cũng là một trường hợp cần chú ý. Tính đến ngày 31/12/2015, giá trị Tài sản Có khác của ngân hàng này là 19.006 tỷ đồng, chiếm 9,3% tổng tài sản.
Trong đó, giá trị Các khoản lãi, phí phải thu là 8.848 tỷ đồng; giá trị Tài sản Có khác (một tiểu khoản nằm trong tài khoản mẹ Tài sản Có khác) là 8.387 tỷ đồng.
Dư nợ cho vay khách hàng của SHB tính đến cuối năm 2015 là 131.427 tỷ đồng. Liên quan đến SHB, nên biết ngân hàng này chính là một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho các dự án BT, BOT công trình giao thông.
4. NHTMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh - HDBank
Đến thời điểm này, HDBank chưa công bố hệ thống Báo cáo tài chính niên độ 2015.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2014, tính đến ngày 31/12/2014, giá trị khoản mục Tài sản Có khác của HDBank là 11.784 tỷ đồng, giảm đáng kể so với cùng kỳ 2013 (14.581 tỷ đồng), nhưng vẫn chiếm một tỷ trọng tương đối lớn, lên tới 12% giá trị Tổng tài sản và bằng 28% giá trị dư nợ Cho vay khách hàng.
Trong đó, giá trị tiểu khoản Các khoản lãi và phí phải thu là 1.893 tỷ đồng, không quá lớn; Song giá trị tiểu khoản Các khoản phải thu lên đến 8.670 tỷ đồng (cuối 2013 là 11.933 tỷ đồng); giá trị tiểu mục Tài sản có khác là 1.220 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính của HDBank không thuyết minh cụ thể về khoản mục Tài sản Có khác.
5. NHTMCP Hàng hải Việt Nam – Maritime Bank
Tính đến ngày 30/06/2015, giá trị khoản mục Tài sản Có khác của Maritime Bank là 14.823 tỷ đồng, tương ứng 15,5% tổng tài sản. Trong đó, giá trị tiểu khoản Các khoản phải thu là 10.446 tỷ đồng; tiểu khoản Các khoản lãi, phí phải thu là 3.817 tỷ đồng.
Giá trị Tài sản Có khác ở Maritime Bank, đáng nói là đã đuổi gần sát giá trị Cho vay khách hàng ở chính ngân hàng này (19.706 tỷ đồng).
6. Ngân hàng TMCP Quốc Dân - NCB
Giá trị tuyệt đối của khoản mục Tài sản Có khác ở NCB tính đến thời điểm 31/12/2015 là 7.408 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể so với 5 ngân hàng đã nêu.
Nhưng không vì thế mà các số liệu này bớt bất cập hơn, bởi so sánh với quy mô tổng tài sản và dư nợ cho vay khác hàng ở NCB, thì nó lại chiếm một tỷ trọng đặc biệt lớn: bằng 15,3% tổng tài sản; bằng 26,3% tổng dư nợ.
Tất nhiên, vòng nghi vấn không phải chỉ dừng lại ở 6 cái tên vừa nêu, nó còn mở rộng ra nhiều ngân hàng khác, thậm chí là với những cách hạch toán “sáng tạo” hơn, như với trường hợp của Techcombank mà VietTimes đã từng đề cập.
Ninh Giang - Quốc Dũng