Kể chuyện đi câu “cá mập”

Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNCTAD) mới đây công bố, vốn FDI đang chảy nhiều hơn vào các nước công nghiệp phát triển chứ không phải các thị trường mới nổi! Trong bối cảnh ấy, làm sao để thu hút được các “cá mập” lớn vào Việt Nam?
Làm sao để thu hút được các doanh nghiệp FDI lớn vào Việt Nam ?
Làm sao để thu hút được các doanh nghiệp FDI lớn vào Việt Nam ?

FDI là một khoảng sáng trong bức tranh kinh tế màu trầm của năm 2014. Nhưng để sự tươi sáng này tồn tại lâu bền, Việt Nam phải biết cách thu hút và giữ chân các tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh. Nếu cứ sợ trách nhiệm mà không dám quyết đáp thì nhiều khi sẽ lỡ cơ hội.

“Cứng” quá dễ hỏng việc

Dù không còn gây bất ngờ theo kiểu “hiện tượng”, nhưng trong năm 2014, Samsung đã tiếp tục đà đầu tư mạnh mẽ của năm trước. Theo thống kê sơ bộ của Samsung, doanh thu các nhà máy tại Việt Nam của tập đoàn trong năm 2014 dự kiến đạt 26 tỷ USD (năm 2013 đạt 24 tỷ USD). Ngôi vị “nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam” của Samsung có lẽ khó bị cạnh tranh trong nhiều năm nữa.

Vậy mà, theo GS, TSKH Nguyễn Mại, năm 2007, khi mới vào Việt Nam, nhà đầu tư Hàn Quốc này khá dè dặt. “Họ nói với tôi rằng,  so với Thái Lan hay Malaysia thì đầu tư vào Việt Nam “mệt” hơn nhiều, do công tác giải phóng mặt bằng thường vướng mắc, cơ sở hạ tầng lại không đồng bộ. Nhưng mắc mớ lớn hơn cả là quy định về công nghệ cao” - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài nhớ lại. Luật Công nghệ cao lúc ấy đòi hỏi nhà đầu tư ngay từ đầu phải dành 2% tổng vốn đầu tư để làm nghiên cứu phát triển (R&D) là phi thực tế. Chẳng hạn, nếu đầu tư dự án mới 3 tỷ USD mà bắt họ ngay từ đầu “ngắt ra” 60 triệu USD (hơn 1.200 tỷ đồng) để thiết lập trung tâm R&D  thì nhà đầu tư không thuận. Mất đến 6 tháng đàm phán, đến nỗi Samsung (và cả Nokia) đánh tiếng là họ không vào nữa, chuyển sang Thái Lan. Rút cuộc, chúng ta đã có giải pháp linh hoạt hơn, giữ chân được nhà đầu tư. Và thực tế là khi các dự án “chạy” tốt rồi thì hiện Samsung cũng đang chuẩn bị xây dựng trung tâm R&D rất lớn với giá trị đến 50-60 triệu USD.

“Rõ ràng, quyết định nhân nhượng là cực kỳ sáng suốt. Samsung đến nay đã đầu tư 11,2 tỷ USD và sử dụng hàng trăm nghìn lao động. Nokia từ 150 triệu USD ban đầu bây giờ lên đến 1,5 tỷ USD và qua Nokia mình lại “bắt” thêm được “con cá” sộp nữa là Microsoft. Sau khi mua Nokia, Microsoft quyết định biến Việt Nam thành căn cứ sản xuất smartphone lớn nhất thế giới của họ. Thế là hai con cá lớn nhất trong lĩnh vực điện thoại đều đang ở Việt Nam”, GS Mại hồ hởi.

Đừng câu nệ thủ tục hành chính!

Nhớ lại thời kỳ còn là nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và Đầu tư (SCCI), GS, TSKH Nguyễn Mại thẳng thắn bình luận: “Hãy lấy hiệu quả làm đầu. Câu nệ giấy tờ sẽ làm tốn rất nhiều thời gian và công sức một cách vô bổ. Cũng cần có sự phân công phân nhiệm một cách dứt khoát và dám chịu trách nhiệm”.

Ấy là kinh nghiệm của ông khi đàm phán với BHPP (Úc) trong quá trình đấu thầu quốc tế vào đầu tư thăm dò, khai thác mỏ Đại Hùng trước đây. BHPP đưa ra mức “hoa hồng chữ ký” (cash bonus) cho Chính phủ tới 80 triệu USD, là mức cao nhất, vượt xa các nhà thầu khác (các dự án dầu khí khác thường chỉ 3-5 triệu USD). Lúc ấy, đó là một khoản tiền lớn, rất có ý nghĩa đối với ngân sách còn rất hạn hẹp của Việt Nam.

Vì dự kiến phải đầu tư một số tiền rất lớn cho dự án này, khoảng 2 tỷ USD, nên nhà đầu tư rất muốn được Thủ tướng Chính phủ đích thân ký giấy phép đầu tư để tăng cường tính pháp lý. Lúc ấy theo phân công, ông Mại là người được ủy quyền ký giấy phép đầu tư; mỗi giấy phép chỉ khoảng 3 trang để phê chuẩn hợp đồng liên doanh. Cán bộ của ta đã rất cố gắng giải thích, nhưng nhà đầu tư vẫn không yên tâm. “Sau khi bàn với anh Xuân (ông Đậu Ngọc Xuân, Chủ nhiệm SCCI - PV), tôi yêu cầu trực tiếp gặp lãnh đạo tập đoàn. Tôi thuyết phục ông ấy rằng, "Úc có luật của Úc, nhưng dự án ở Việt Nam thì phải theo luật của Việt Nam, mà luật của chúng tôi thì Thủ tướng không bao giờ ký giấy phép đầu tư cả. Nhưng tôi thông cảm với ông là giấy phép ngắn gọn quá khiến ông lo lắng về tính pháp lý. Bây giờ tôi để ông soạn giấy phép chi tiết để ông thấy yên tâm với giấy phép đó, miễn là không trái pháp luật của Việt Nam thì tôi sẽ ký”, ông Mại nói. Thương vụ sau đó đã hoàn tất với sự hài lòng và cảm phục của nhà đầu tư.

Một câu chuyện chinh phục khác, cũng khá thú vị là với Intel. Khi đại gia máy tính này còn đang phân vân lựa chọn giữa 4 điểm đến là Ấn Độ, Singapore, Malaysia và Việt Nam, Chính phủ đã cho thành lập “đội đặc nhiệm” với quyết tâm rất cao là “kéo” cho được Intel vào Việt Nam. Có được Intel, chúng ta không chỉ có thêm một nhà đầu tư lớn có thể tạo ra lực đẩy mạnh mẽ đối với ngành công nghệ thông tin, mà khoản đầu tư của Intel còn tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp FDI khác đến Việt Nam.

Nhà đầu tư đưa ra một danh sách gần 30 vấn đề, "đội đặc nhiệm" đã nhanh chóng phân loại những gì có thể chấp nhận ngay, những gì phải đàm phán và những gì nhất định không nhân nhượng. Chính phủ quyết đáp nhanh, đàm phán nhìn chung không có vướng mắc lớn và kết quả thì như mọi người đều thấy.

Kết thúc cuộc trò chuyện với DOANH NHÂN, vị Giáo sư già trầm tư: “Nếu nhìn Việt Nam như một cái túi chỉ đựng toàn yếu kém và xấu hổ thì cũng không công bằng. Chúng ta đã từng đạt được những thành công đáng ghi nhận và bây giờ cũng đang có những cơ hội rất tốt. Vấn đề là các cơ quan nhà nước cần phải rất linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật và trên cơ sở hiểu biết pháp luật. Nếu cứ sợ trách nhiệm mà không dám quyết thì nhiều khi sẽ lỡ cơ hội”.

                                                                   Theo Doanh nhân