Mặc dù Chính phủ khẳng định mục tiêu GDP cho năm 2016 vẫn sẽ là 6,7%. Tuy nhiên các chuyên gia của HSBC cho rằng mục tiêu này sẽ khó đạt được trong bối cảnh tăng trưởng quý I.2016 thể hiện không tốt cùng với những khó khăn vượt mức kỳ vọng đối với hoạt động xuất khẩu.
Như vậy nhu cầu nội địa sẽ nhận trách nhiệm cải thiện tăng trưởng kinh tế. Điều khiến chuyên gia lo ngại là các cơ quan quản lý sẽ cố nới lỏng điều kiện tín dụng hơn nhằm kích thích chi tiêu trong khối tư nhân. Chi tiêu Nhà nước cũng có nhiều dấu hiệu gia tăng rõ rệt.
Khi chính sách khuyến khích kinh tế càng lớn, càng nhiều rủi ro chờ đón Việt Nam vì các yếu tố hỗ trợ kinh tế vĩ mô vẫn còn khá mỏng. Chính sách tài khóa của Chính phủ vẫn còn hạn chế. Trong năm 2016, các chuyên gia dự đoán thâm hụt ngân sách một lần nữa bị nới rộng đến mức 6,6% trên GDP, dẫn đến tỷ lệ nợ công trên GDP đạt ngưỡng giới hạn do Quốc Hội đề ra là 65%.
Để giành lại cơ hội tài chính, Việt Nam cần nỗ lực mở rộng cơ sở doanh thu và giảm thiểu chi tiêu hiện tại, nhưng những cải cách này không thể thực hiện một sớm một chiều. Hiện tại, HSBC cho rằng tăng trưởng tuy chậm nhưng bền vững là điều cần hướng đến.
Thâm hụt ngân sách tăng là vấn đề do tỷ lệ nợ công của Việt Nam đã thực sự cao. Các chuyên gia HSBC ước tính nợ công Việt Nam (bao gồm nợ nước ngoài và trong nước - đáng chú ý là của chính quyền trung ương và địa phương, cộng với bảo lãnh chính phủ) đã tăng từ 59,6% năm 2014 lên 63,3% GDP vào cuối năm 2015. Vấn đề nợ ngày càng trầm trọng hơn do lạm phát chậm lại (ảnh hưởng đến GDP danh nghĩa) và đồng tiền Việt Nam mất giá (làm tăng giá trị nợ nước ngoài).
Các nhà đầu tư đang lo ngại về khả năng Nhà nước có thể tăng mục tiêu nợ công trên GDP lên 65%. Báo cáo mới nhất của Fitch đã nhấn mạnh, Chính phủ vẫn giữ nguyên mục tiêu trong Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội 2016. Các nhà quản lý nhấn mạnh các kế hoạch nhằm tránh vi phạm mục tiêu đề ra bằng cách giảm chi tiêu trong kỳ và hạn chế sử dụng bảo lãnh chính phủ.
Báo cáo của HSBC chỉ ra rằng chi tiêu trong kỳ liên tục gia tăng qua các năm dẫn đến đầu tư công suy giảm, đây là cơ sở chính yếu để nâng tiềm năng tăng trưởng lâu dài của Việt Nam. Điều quan trọng là tình trạng tài chính công của Việt Nam đã khá căng thẳng, đặc biệt khi so sánh với những đối thủ khác trong nhóm các thị trường mới nổi tại châu Á. Chi tiêu công gia tăng sẽ giúp đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của chính phủ. Nhưng chi phí này sẽ làm tăng nguy cơ tài chính trong tương lai.
Theo Lao Động
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu