Hệ thống phòng không bí ẩn nào đã bắn hạ tên lửa đạn đạo của Houthi?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đòn tấn công bằng tên lửa nhằm vào Dubai hôm 30/1 có khả năng cao là bị hệ thống Barak ER hay Spyder của Israel đánh chặn, hơn là Patriot của Mỹ.
Hệ thống phòng không Spyder của Israel (Ảnh: WikiCommons)
Hệ thống phòng không Spyder của Israel (Ảnh: WikiCommons)

Trong chuyến thăm của Tổng thống Israel Isaac Herzog tới UAE vào ngày 30/1, phiến quân Houthi ở Yemen đã phóng một tên lửa đạn đạo nhằm vào Dubai để khiêu khích. Các lực lượng vũ trang Mỹ đang khai hỏa tên lửa Patriot để đánh chặn, nhưng dường như đã không đánh trúng mục tiêu.

Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby sau đó nói rằng chính các tên lửa đất-đối-không của UAE đã đánh chặn thành công tên lửa của Houthi. Những báo cáo ban đầu nói rằng UAE vận hành một hệ thống phòng không của Hàn Quốc, nhưng thương vụ này mới vừa được ký trong tháng 1.

UAE còn sở hữu hệ thống phòng không tầm trung Pantsir-S1 do Nga sản xuất, ngoài ra còn có Patriot và THAAD của Mỹ, nhưng nếu những hệ thống này được sử dụng để đánh chặn tên lửa của Houthi thì điều đó đã được tuyên bố một cách rõ ràng giống như trước đây.

Ngoài ra, UAE cũng sở hữu hệ thống phòng không tầm ngắn Skynight sản xuất trong nước. Hệ thống này là một bộ phận cấu thành quan trọng trong hệ thống phòng không tự động Skynex của hãng Rheinmetall.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia ngờ rằng, chính một hệ thống phòng không của Israel đang hoạt động âm thầm mới là nhân tố đánh chặn thành công tên lửa của Houthi. Chuyến thăm của Tổng thống Israel là một sự kiện ngoại giao lớn diễn ra ở một vị trí nhạy cảm, giữa một bên là Iran thù địch và bên còn lại là lực lượng Houthi mà Iran hậu thuẫn ở Yemen.

Những vấn đề về an ninh trong chuyến thăm này trở thành cơn ác mộng đối với Israel và buộc họ phải cử lực lượng riêng để bảo vệ Tổng thống Herzog ở Dubai. Thủ tướng Israel Naftali Bennett trên thực tế đã đề nghị “hỗ trợ an ninh và tình báo” đối với UAE sau một vụ tấn công xảy ra trước đó.

Nhóm Houthi cho hay mục tiêu tấn công của họ là căn cứ không quân al-Dhafra nằm cách Abu Dhabi khoảng 32 km về phía Nam. Căn cứ này được vận hành bởi Không quân UAE, nhưng cũng có khoảng 2.000 binh sĩ và nhân sự Mỹ đồn trú.

Ống phóng của hệ thống phòng không Barak-8 (Ảnh: WikiCommons)

Ống phóng của hệ thống phòng không Barak-8 (Ảnh: WikiCommons)

Loạt vụ tấn công

Đây là lần thứ 3 trong những tuần gần đây mà binh sĩ Mỹ bị buộc phải lao vào hầm trú ẩn. Vào ngày 17/1, Houthi cũng tấn công một trạm nhiên liệu ở Abu Dhabi, khiến 3 người thiệt mạng. Ngày 24/1, một vụ tấn công xảy ra ở al-Dhafra, Bộ Tư lệnh trung ương Mỹ sau đó báo cáo rằng các lực lượng vũ trang Mỹ và UAE “đã phối hợp thành công và ngăn chặn được các tên lửa nhằm vào căn cứ.”

Vụ tấn công gần đây nhất, có khả năng là tên lửa Zulfiqar hoặc Dezful, đã bị đánh chặn bởi một hệ thống phòng không của UAE. Đây là những tên lửa hoạt động nhờ nhiên liệu rắn, được phát triển từ mẫu Fateh-110, được chế tạo ở Iran và những bộ phận được Trung Quốc cung cấp.

Những phiên bản mới của Fateh-110 đều có tầm bắn và hệ thống dẫn đường được cải thiện. Ban đầu Iran vận chuyển các bộ phận của tên lửa sang Yemen, sau đó những bộ phận này được các kỹ sư – có khả năng cao là người Iran – lắp ráp lại và đặt lên những dàn phóng.

Hiện chưa rõ hệ thống phòng không của Mỹ hay của UAE đã khai hỏa đầu tiên để đánh chặn tên lửa của Houthi, nhưng có điều rõ ràng là 2 hệ thống phòng không này không hề phối hợp với nhau. Có khả năng là hệ thống phòng không của UAE được triển khai một cách bí mật.

Nhiều hệ thống phòng không hàng đầu của Israel – từ Iron Dome (Vòm Sắt) cho tới David’s Sling và Arrow – đều được hợp tác phát triển với Mỹ. Bởi vậy, Israel nếu muốn xuất khẩu những hệ thống này thì cần có sự đồng ý của Mỹ, mà đến nay vẫn chưa có thương vụ nào được cấp phép.

Như vậy, nếu loại trừ đi thì chỉ còn 2 hệ thống phòng không đáng chú ý của Israel là Spyder và Barak được xuất khẩu, bởi chúng hoàn toàn dựa trên công nghệ trong nước. Trong chuyến thăm của mình, Tổng thống Herzog cũng đã thảo luận về khả năng bán hệ thống phòng không của Israel cho UAE, và UAE đặc biệt quan tâm tới hệ thống Barak.

Barak là một sản phẩm của công ty phát triển hàng không vũ trụ Israel Aerospace Industries (IAI) và đang được sản xuất cùng với Ấn Độ với tên Barak-8. Hệ thống này cũng được xuất khẩu sang Azerbaijan, và từng đánh chặn thành công một tên lửa đạn đạo Iskander do Nga chế tạo trong cuộc chiến Nagorno-Karabakh.

Hệ thống Iron Dome của Israel (Ảnh: WikiCommons)

Hệ thống Iron Dome của Israel (Ảnh: WikiCommons)

“Những mục tiêu đạn đạo”

Iskander là tên lửa đạn đạo tầm ngắn có vận tốc Mach 5,9. Giám đốc điều hành của IAI, Baz Levy, nói rằng hệ thống Barak ER, có tầm bắn khoảng 150 km, được thiết kế “đặc biệt để đánh chặn những mục tiêu đạn đạo.”

Tuy nhiên, việc Israel đem những hệ thống phòng không chủ chốt của họ đi xuất khẩu cũng gây ra vấn đề cho họ, bởi Israel cũng muốn bảo toàn khả năng răn đe của họ. Trên thực tế, có nhiều tiếng nói trong cộng đồng an ninh Israel phản đối việc nước này bán Iron Dome cho UAE, bởi nhiều bộ phận và phần mềm của hệ thống này có thể lắp đặt được cho những hệ thống cao cấp hơn.

Nhưng với các hệ thống như Barak và Spyder thì trường hợp đó lại không đúng, bởi không có bộ phận cấu thành nào của chúng có thể ăn nhập với hệ thống phòng không ngày càng tích hợp của Israel.

Điều này càng khiến cho giả thuyết Barak ER đánh chặn tên lửa của Houthi thêm phần đáng tin. Chưa kể, IAI và Bộ Quốc phòng Israel đã tăng cường thử nghiệm hệ thống này để đánh chặn các mục tiêu đạn đạo.

Mặc dù chưa có bằng chứng rõ ràng, nhưng có khả năng Israel đã triển khai lực lượng riêng để bảo vệ Tổng thống của họ trong chuyến thăm UAE. Ngay sau vụ tấn công, Israel tuyên bố rằng họ sẽ tham gia các cuộc thảo luận với UAE về thương vụ xuất khẩu các hệ thống phòng không, trong đó có Iron Dome.