Hãng Baykar Thổ Nhĩ Kỳ trình làng UAV chiến đấu tàng hình đầu tiên trên thế giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Sau Bayraktar TB2 làm mưa làm gió trên chiến trường trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ lại gây bất ngờ khi trình làng loại máy bay không người lái chiến đấu cỡ lớn tàng hình.
Máy bay không người lái chiến đấu tàng hình Bayraktar Kızılelma đang thử nghiệm của Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: Thedrive).
Máy bay không người lái chiến đấu tàng hình Bayraktar Kızılelma đang thử nghiệm của Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: Thedrive).

Theo Chinatimes ngày 22/11 dẫn nguồn trang Thedrive của Mỹ, Hãng Baykar Technologies của Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành nhà sản xuất máy bay không người lái quân sự nổi tiếng thế giới nhờ biểu hiện tốt trên chiến trường của loại máy bay không người lái “bình dân” Bayraktar TB2, vì vậy loại máy bay không người lái mới của họ vừa trình làng cũng thu hút nhiều sự chú ý.

Chiếc máy bay không người lái Kizielma (hay Red Apple - Quả táo đỏ) mới nhất của công ty Baykar đã chính thức được công bố và quá trình thử nghiệm chạy trên mặt đất (taxi) đã bắt đầu. Loại máy bay không người lái chiến đấu cỡ lớn này có hình dáng của một chiếc máy bay chiến đấu có người lái, cánh tam giác phía trước, với cặp cánh đuôi đứng hình chữ “V”, mặc dù chỉ có một động cơ nhưng hình dáng tổng thể của nó gợi cho người ta liên tưởng đến chiến đấu cơ tàng hình J-20 của Trung Quốc đại lục.

Nhìn từ trên xuống, Bayraktar Kızılelma rất giống tiêm kích J-20 của Trung Quốc (Ảnh: Thedrive).

Nhìn từ trên xuống, Bayraktar Kızılelma rất giống tiêm kích J-20 của Trung Quốc (Ảnh: Thedrive).

Những thành công lớn của loại máy bay không người lái TB2 (Bayraktar TB2) của Baykar trong cuộc chiến tranh Nagorno-Karabakh giữa Azerbaijan-Armenia hồi năm ngoái và cuộc chiến tranh Ukraine hiện nay đã khiến các nước quan tâm đến sức mạnh phát triển của công ty. Sau đó họ Baykar đã đưa ra một mẫu máy bay không người lái lớn hơn là "Bayraktar Akinci" với thời gian bay liên tục trên không lâu hơn và tải trọng đạn dược lớn hơn.

Tiếp theo, Baykar Technologies đã đưa ra dự án "máy bay chiến đấu phản lực không người lái" cực kỳ tham vọng, với tính năng có tốc độ siêu thanh (ít nhất đó là kế hoạch sau cải tiến), kết cấu bên ngoài có khả năng tàng hình ở mức độ nhất định, có thể được sử dụng đóng vai trò hỗ trợ cho máy bay chiến đấu có người lái. Đó là chiếc máy bay không người lái Bayraktar Kızılelma (Quả táo đỏ).

UAV Bayraktar Kızılelma đã bắt đầu thử nghiệm chạy trên mặt đất, cho thấy rõ ràng đã lắp động cơ, nó có một động cơ phản lực cánh quạt AI-25 của hãng Ivchenko-Progress của Ukraine. Động cơ này khá phổ biến và cũng đã được lắp trên loại máy bay huấn luyện L-39 Albatross, nhưng sau đó đã chuyển sang động cơ có buồng đốt sau. Dự kiến ​​ Kızılelma sẽ sử dụng động cơ AI-322F để có thể đạt được tính năng siêu thanh.

Các đặc điểm cơ bản của UAV chiến đấu tàng hình Kizilelma (Ảnh: Thedrive)

Các đặc điểm cơ bản của UAV chiến đấu tàng hình Kizilelma (Ảnh: Thedrive)

Theo yêu cầu kỹ thuật, thời lượng pin của Bayraktar Kızılelma khoảng 5-6 giờ, bán kính chiến đấu khoảng 925 km, trần bay thực tế 10.700 mét. Với trọng tải 1,5 tấn, nó có thể mang các loại bom đạn không đối không và không đối đất do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Nó có thể có các khoang chứa bom bên trong để duy trì đặc tính tàng hình theo thiết kế.

Hình dạng bề ngoài khí động học của Bayraktar Kızılelma bao gồm một cánh tam giác ghép với cánh trước (phần cánh mũi), cộng với một phần đuôi thẳng đứng nghiêng và một phần đuôi ngang. Cấu hình này cũng được thấy trên các máy bay chiến đấu tàng hình khác, trong đó có J-20 của Trung Quốc.

Một chiếc máy bay không người lái như vậy rõ ràng không phải là thứ có thể hy sinh tùy tiện và Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng nó có khả năng chiến đấu không đối không, cũng như các khả năng tình báo, giám sát, trinh sát (ISR) và tấn công.

Mẫu máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 TF-X của Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: Thedrive).

Mẫu máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 TF-X của Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: Thedrive).

Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, chiếc máy bay không người lái này có thể là một nỗ lực nhằm vào máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo của nước này, vì Ankara đã bị loại khỏi chương trình máy bay chiến đấu tấn công chung F-35 (JSF) của Mỹ. Ngay cả khi họ muốn mua máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 kém hơn là F-16, cũng đang phải chờ xử lý, điều này khiến Không quân Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với vấn đề khoảng cách thế hệ kỹ thuật, tức là bị lạc hậu. Mặc dù họ đã đưa ra chương trình máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 TF-X của riêng mình, nhưng nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ thì rất họ có thể tiếp tục phát triển được hay không là một vấn đề đáng hoài nghi. Mỹ đã từ chối bán động cơ F110-GE-142 của hãng GE Aviation cho Thổ Nhĩ Kỳ. Trước tình thế khó xử này, việc Thổ Nhĩ Kỳ đi đầu phát triển máy bay chiến đấu không người lái chính là một giải pháp thay thế.

Ông Selcuk Bayraktar, Giám đốc kỹ thuật của Bayraktar Tech trước đó đã tiết lộ vào tháng 3 năm nay rằng sau ba năm rưỡi phát triển, Baykar đã bắt đầu chế tạo một mẫu máy bay chiến đấu không người lái Kizilelma. Theo kế hoạch hiện tại, nguyên mẫu của Kizilelma sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2023.

Baykar Technologies có trụ sở tại Istanbul và hiện được điều hành bởi Selcuk Bayraktar và người anh trai Haluk Bayraktar của ông, bản thân ông Selcuk Bayraktar từng học tại trường Đại học Pennsylvania, Viện công nghệ MIT và kết hôn với con gái của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (tức là con rể của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đương nhiệm).

Ông Selcuk Bayraktar, Giám đốc kỹ thuật của Bayraktar Tech, con rể của Tổng thống Erdogan bên cạnh chiếc Kizilelma (Ảnh: Thedrive).

Ông Selcuk Bayraktar, Giám đốc kỹ thuật của Bayraktar Tech, con rể của Tổng thống Erdogan bên cạnh chiếc Kizilelma (Ảnh: Thedrive).

Được thành lập vào những năm 1980 bởi ông Ozdemir Bayraktar cha của anh em nhà Bayraktar, công ty bắt đầu tập trung vào nghiên cứu chế tạo máy bay không người lái từ năm 2005, khi đó chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tập trung vào việc tăng cường xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng của đất nước. Sản phẩm nổi tiếng nhất của công ty là mẫu máy bay không người lái kết hợp trinh sát giám sát và tấn công Bayraktar TB2.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với phóng viên hãng tin Anh Reuters vào cuối tháng 5 năm nay, ông Selcuk Bayraktar tiết lộ rằng Baykar Technologies có thể sản xuất 200 máy bay không người lái TB2 mỗi năm. Ông cho rằng hệ thống vũ khí laser phòng không của Nga mới đưa vào sử dụng ở Ukraine không hiệu quả trước UAV Bayraktar TB2 vì "chúng có tầm bắn hạn chế. Vì vậy, nếu tác dụng của cảm biến và đạn dược xa hơn, chúng sẽ không phát huy hiệu lực".

Ông cũng cho biết công ty đang nghiên cứu máy bay không người lái Bayraktar TB3, với cánh có thể gập lại, có thể cất hạ cánh trên tàu sân bay và sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023. Đồng thời, công ty cũng đang chuẩn bị gia nhập thị trường taxi bay trên không các đô thị trong tương lai.