Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý F0 tại nhà
Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện nay số lượng F0 của thành phố đang cách ly, điều trị tại nhà ngày càng tăng, một số xã, phường có nhiều trường hợp mắc COVID-19. Để phát huy hiệu quả tổng đài 1022 nhánh 3, Sở Y tế đã ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm kết nối điều trị F0 tại nhà, triển khai Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, không để người bệnh hoang mang, lo lắng.
Ông Nguyễn Đình Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cho biết: "Sở Y tế sẵn sàng phối hợp với Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam, Hội thầy thuốc trẻ Hà Nội và các đơn vị liên quan để nhanh chóng triển khai phần mềm kết nối điều trị người bệnh F0 tại nhà".
Bác sĩ trực cấp cứu tại bệnh viện (Ảnh - Minh Thuý) |
Theo ông Hưng, lợi ích của việc triển khai phần mềm kết nối điều trị người bệnh F0 tại nhà là hỗ trợ quản lý, phân tầng điều trị người bệnh.
Khi bệnh nhân phát hiện mình là F0 sẽ đăng nhập tài khoản, cập nhật đầy đủ thông tin, lịch trình di chuyển. Phần mềm sẽ sàng lọc bệnh nhân theo cập nhật tình hình sức khoẻ người bệnh hàng ngày và cảnh báo khi phát hiện bất thường. Trong phần mềm có phản hồi tin nhắn, tương tác 2 chiều giữa người bệnh và thầy thuốc; sau khi kết thúc điều trị cũng có tin nhắn thông báo cho người bệnh.
Trước đó, vào tháng 8/2021, Hà Nội đã vận hành tổng đài 1022 nhằm tiếp nhận, giải đáp các kiến nghị, phản ánh và tư vấn liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 với 6 nhánh. Trong đó, nhánh 3 kết nối đến Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, giúp người dân được hỗ trợ tư vấn chăm sóc sức khỏe trực tuyến về dịch bệnh COVID-19, nhất là bệnh nhân mắc COVID-19.
300 bác sĩ hỗ trợ người bệnh COVID-19
Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành do Sở Y tế Hà Nội và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp triển khai, nhằm huy động nguồn lực xã hội để tư vấn cho người nhiễm, hoặc người có nguy cơ cao mắc COVID-19 tại cộng đồng.
Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành của Hà Nội có 1 tổng đài chăm sóc, 1 tổng đài tư vấn và tổ hỗ trợ nhập viện cấp cứu. Với 300 bác sĩ, Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành của Hà Nội chia thành 2 nhóm chính gồm:
Nhóm tư vấn nhận cuộc gọi đến từ nhân dân và tư vấn chăm sóc sức khỏe cộng đồng, gồm các bác sĩ có kinh nghiệm.
Nhóm chăm sóc chủ động kết nối thăm hỏi sức khỏe và tư vấn các trường hợp mới phát hiện mắc COVID-19, hoặc đang trong các khu cách ly tập trung. Thông qua tổng đài kết nối trực tuyến hai chiều và công cụ điều phối công việc cho tình nguyện viên, các bác sĩ có thể đồng thời tư vấn từ xa cho bệnh nhân; ghi và theo dõi kết quả tình trạng bệnh của từng trường hợp; phân tầng nguy cơ, cung cấp thêm thông tin về các ca bệnh nặng, hỗ trợ y tế địa phương trong việc điều phối nguồn lực cấp cứu, nhập viện.
Sơ đồ Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành tại TP. HCM, Bình Dương và Hà Nội (Ảnh - Minh Thuý) |
Theo thống kê trên website chính thức của Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, tính đến ngày 31/10, đã có 10.049 bác sĩ, tình nguyện viên đăng ký tham gia Mạng lưới, 388.164 bệnh nhân COVID-19 đã được các bác sĩ của Mạng lưới hỗ trợ với 3.512.321 phút gọi.
Đối tượng chính mà Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành tập trung hỗ trợ là bệnh nhân COVID-19 cần hỗ trợ khẩn cấp, những người chưa kịp được đưa đến cơ sở y tế điều trị (do mới phát hiện hoặc do cơ sở quá tải), người có chỉ định theo dõi điều trị tại nhà sau khi đã điều trị ban đầu tại cơ sở y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế; trường hợp tiếp xúc có triệu chứng nhưng xét nghiệm gần nhất cho kết quả âm tính; trường hợp tiếp xúc nguy cơ cao vì ở chung trong không gian kín với bệnh nhân COVID-19...
Hàng ngày, dữ liệu thông tin các ca bệnh hoặc trường hợp nghi mắc COVID-19 nguy cơ cao sẽ được gửi về Mạng lưới và được nhập liệu. Dữ liệu này được lấy từ các nguồn của Trung tâm kiểm soát bệnh tật và trực tiếp từ các cuộc gọi đến đường dây nóng. Các bác sĩ tư vấn sẽ gọi điện xác định nguy cơ của bệnh nhân theo danh mục tự kiểm hàng ngày để hỗ trợ bệnh nhân.
Cụ thể: Các bệnh nhân NC0 (chưa có tổn thương), NC1 (tổn thương nhẹ) sẽ được chuyển cho tình nguyện viên là nhân viên y tế tiếp tục chăm sóc.
Bệnh nhân NC2 (tổn thương bình thương) sẽ được bác sĩ tư vấn theo dõi sức khỏe và tổ chức Telehealth trong trường hợp cần thiết. Từ NC2, thông tin của bệnh nhân được chuyển về đầu mối y tế quận để cùng theo dõi.
Bệnh nhân NC3, 4 (tổn thương nặng) sẽ được tham gia Telehealth để các bác sĩ tư vấn chuyên sâu. Với bệnh nhân NC4, đội ngũ bác sĩ của mạng lưới sẽ ngay lập tức kết nối với y tế địa phương để chuyển cấp cứu.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu