Trước đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã nhận được Công văn số 222/FLC-BKT ngày 11/5/2018 của CTCP Tập đoàn FLC (HoSE: FLC) về việc đề nghị nộp tiền sử dụng đất từng đợt theo Thông báo thuế số 345/TB-CT ngày 05/5/2018 của Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa.
Liên quan đến đề nghị này của FLC, hôm qua (21/5/2018), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Thị Thìn đã có ý kiến chỉ đạo.
“Giao Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, căn cứ các quy định hiện hành của pháp luật, xem xét đề nghị của Công ty CP Tập đoàn FLC tại Công văn nêu trên; có văn bản trả lời Công ty CP Tập đoàn FLC nội dung trên”, bà Thìn chỉ đạo.
Được biết, tập đoàn của tỷ phú Trịnh Văn Quyết hiện là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Thanh Hóa. Với quỹ đất lớn đang khai thác và hàng loạt dự án nghỉ dưỡng, bất động sản, khoáng sản…, FLC đã tạo ra hàng nghìn công ăn việc làm, đóng góp tích cực vào việc thay đổi cơ cấu kinh tế địa phương.
Tuy vậy, không có nhiều thông tin về kết quả nộp thuế cũng như đóng góp ngân sách của tập đoàn này, phần vì đây là thông tin không thuộc diện phải công bố.
Đáng chú ý, trong một diễn biến mới đây, khi Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa tiến hành công khai danh sách 199 doanh nghiệp nợ tổng cộng trên 48 tỷ đồng tiền thuế tính đến hết ngày 30/4/2018 – theo thông tin trên tờ Thời báo Tài chính Việt Nam (cơ quan của Bộ Tài chính) – bất ngờ đã có một doanh nghiệp mang họ FLC bị điểm trong danh sách “đen”.
Đó là Công ty cổ phần Bóng đá FLC Thanh Hóa, địa chỉ tại FLC Samson Golf Links , đường Thanh Niên, phường Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn. Với số nợ thuế 37,7 tỷ đồng, pháp nhân này là con nợ chây ì với quy mô lớn thứ 2 trong danh sách.
Song cần phải nhấn mạnh rằng, tuy mang họ FLC nhưng Công ty cổ phần Bóng đá FLC Thanh Hóa không phải là công ty con hay công ty liên kết của Tập đoàn FLC. Cuối năm 2016, FLC đã tuyên bố chuyển nhượng 3,3 triệu cổ phiếu, tương đương 66% vốn điều lệ đang sở hữu tại công ty nói trên. (Đọc thêm: FLC thoái vốn tại CTCP Bóng đá FLC Thanh Hóa: Đội bóng sẽ “sống khỏe”!)./.