Giám đốc CDC TP.HCM khẳng định: Vẫn nên tiêm vaccin COVID-19 vì nếu mắc sẽ nhẹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Về việc nhiều nhân viên BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã tiêm vaccine COVID-19 nhưng vẫn nhiễm bệnh, BS Nguyễn Trí Dũng – Giám đốc CDC TP.HCM khẳng định vaccine COVID-19 vẫn nên tiêm.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM - BS Nguyễn Trí Dũng cho biết vaccine là vũ khí hữu hiệu chặn đứng sự lây lan COVID-19. Ảnh- Huyền Mai
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM - BS Nguyễn Trí Dũng cho biết vaccine là vũ khí hữu hiệu chặn đứng sự lây lan COVID-19. Ảnh- Huyền Mai

Vaccine AstraZeneca khó đối đầu chủng Delta

Tại cuộc họp báo chiều 14/6 được tổ chức gấp tại Trung tâm Báo chí TP.HCM, BS Nguyễn Trí Dũng – Giám đốc CDC TP.HCM trao đổi những thông tin liên quan đến vấn đề 55 nhân viên y tế tại BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 nhưng vẫn nhiễm bệnh, BS Nguyễn Trí Dũng vẫn giữ quan điểm: “Thực sự vaccine là vũ khí hữu hiệu để ngăn chặn sự lây lan của nhiều dịch bệnh như đã được khoa học chứng minh”.

“Vaccine AstraZeneca lúc nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 3 tại Anh trên biến thể B.1.1.7 thì có tỷ lệ kháng virus hiệu lực đạt 76% (CI: 59% đến 86%) sau một liều đầu tiên, và hiệu lực bảo vệ này được duy trì đến liều thứ 2. Nếu khoảng thời gian giữa hai liều từ 12 tuần trở lên, hiệu lực vaccine tăng lên 82% (CI: 63%, 92%).

Riêng với chủng Delta (biến thể Ấn Độ) thì thế giới người ta đã đánh giá nhanh trên một số loại vaccine thì cho thấy tỷ lệ đáp ứng miễn dịch đối với biến thể Delta giảm xuống rõ rệt so với biến thể Anh. Nhất là ở mũi đầu tiên, còn với mũi thứ 2 thì khả năng này có tăng lên, nhưng vẫn thấp hơn so với biến thể Anh, chỉ khoảng 51,1%”.

“Tuy thế, theo nghiên cứu đánh giá ở nước ngoài, vaccine vẫn có mặt lợi của nó vì đã tiêm vaccine, nếu mắc thì triệu chứng rất nhẹ, hầu như không có triệu chứng, giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong” – BS Nguyễn Trí Dũng khẳng định.

“Người dân có thể yên tâm tiếp tục tiêm vaccine COVID-19 để phòng ngừa nguy cơ. Nếu tiêm được trên diện rộng thì vẫn tạo được miễn dịch cộng đồng. Chủ trương của Chính phủ là sẽ cố gắng sớm nhất đưa nhiều loại vaccine về để người dân có cơ hội được tiêm chứ không chỉ là vaccine AstraZeneca” - BS Nguyễn Trí Dũng nhấn mạnh.

Về băn khoăn liệu sau 14 ngày giãn cách tiếp theo, TP.HCM có thể chấm dứt đợt dịch cao điểm lần này, BS Nguyễn Trí Dũng nói: “Không có nhà chuyên môn nào dám khẳng định giãn cách 2 tuần nữa thì có giải quyết được hết dịch hay không. Điều này phụ thuộc vào 2 yếu tố: Một là mầm bệnh đã ở trong cộng đồng đến mức nào? Hai là việc tuân thủ giãn cách có nghiêm hay không và các biện pháp khác kèm theo giãn cách là gì”.

BS Dũng nói: “Như sáng nay, GS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế cũng đã nói trong cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, sau 15 ngày giãn cách, số ca liên quan đến nhóm truyền giáo được phát hiện lên đến 470 ca nhưng đã giảm dần và liên quan đến các ổ dịch cũ thì số ca nhiễm mới chỉ còn lại trong các khu cách ly. Tuy nhiên, việc phát sinh ra các ổ dịch mới cần được xử lý”.

Xe đặc chủng phun khử khuẩn BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa
Xe đặc chủng phun khử khuẩn BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa

“Mầm bệnh đã có trong cộng đồng. Qua khám sàng lọc, đã phát hiện 48 ca nhiễm không thể xác định nguồn lây, chỉ liên quan đến người nhà của 48 ca bệnh này đã có thể phát sinh số bệnh nhân tương đương với nhóm truyền giáo Phục Hưng. Còn những người khác cũng mang mầm bệnh nhưng không có biểu hiện gì nên không đi khám thì sao? Nếu chúng ta dừng giãn cách xã hội, những người mang mầm bệnh này sẽ có điều kiện đi lại, gặp gỡ, hội họp, làm phát tán mạnh hơn nữa. Ngay cả thế giới hiện nay cũng đang sử dụng cột mốc 14 ngày để tính cho một chu kỳ virus có thể lây lan và phát triển. Nếu chúng ta tiếp tục giãn cách xã hội, thì những người mang mầm bệnh nhưng chưa được phát hiện sẽ không có điều kiện mang virus đi nhiều nơi, gặp nhiều người” – BS Nguyễn Trí Dũng phân tích.

“Với đối tượng có biểu hiện, triệu chứng, cơ quan y tế động viên nên đến cơ sở y tế, khai báo thành thật để được sàng lọc. Nếu đúng là có mầm bệnh thì BN sẽ được cách ly, điều trị. Cho nên hai tuần không có nghĩa là số ca bệnh giảm. Và cũng không ai nói trước được rằng sau hai tuần nữa có thể kết thúc dịch. Lãnh đạo TP.HCM cũng không nói hai tuần nữa sẽ kết thúc giãn cách, mà là cứ sau mỗi tuần, thành phố sẽ đánh giá lại tình hình” – BS Nguyễn Trí Dũng nhấn mạnh.

Về việc sử dụng mẫu thử tự test nhanh như một số ý kiến đặt ra, BS Nguyễn Trí Dũng cho biết, thành phố chưa có chủ trương về vấn đề này. “Chúng tôi không thể lấy mẫu xét nghiệm người dân toàn thành phố, điều này là bất khả thi. Nhưng chúng tôi đã tiến hành xét nghiệm giám sát ngẫu nhiên hàng ngày từ 10-20% người ở sân bay, bến tàu, bến xe, các nhà máy, xí nghiệp, riêng các khu công nghiệp đã làm tới gần 65.000 mẫu; giám sát rộng ở Gò Vấp, tầm soát nhiều khu vực có chợ truyền thống, tập trung đông người để đánh giá nguy cơ… cho đến giữa tháng 5 vẫn không phát hiện bất cứ một ca dương tính nào”.

Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm mở rộng giám sát tại công ty nằm trong Khu chế xuất Tân Thuận (Nguồn: Trung tâm Y tế quận 7)
Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm mở rộng giám sát tại công ty nằm trong Khu chế xuất Tân Thuận (Nguồn: Trung tâm Y tế quận 7)

Nhìn bề ngoài không đoán được ai mang virus

BS Nguyễn Hữu Hưng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết: “Thời gian giãn cách 15 ngày vừa rồi, TP.HCM đã cơ bản xử lý được các ổ dịch lớn đã công bố. Tuy nhiên, vì vẫn còn phát sinh nhiều ổ dịch mới chưa rõ nguồn lây, nên lãnh đạo thành phố đã đưa ra quyết định tiếp tục giãn cách xã hội toàn thành phố trong 14 ngày tiếp theo. Dù sao quyết định này cũng ảnh hưởng đến đời sống của người dân thành phố, nhưng chúng tôi rất mong người dân ủng hộ lực lượng chống dịch, tuân thủ 5K, mang khẩu trang thường xuyên. Đây là những biện pháp hết sức căn cơ, sẽ hạn chế khả năng lây nhiễm”.

“Khi cơ quan chức năng thông tin về các địa điểm có bệnh nhân, chúng tôi rất mong người dân đọc kỹ thông tin, đánh giá nguy cơ, xem lại mình có đến những địa điểm này hay không, liên lạc ngay với cơ quan chức năng khi cần. Mong bà con cố gắng hạn chế dùng điều hoà không khí, nên mở cửa thoáng, ít tiếp xúc, chỉ tiếp xúc với người thân ruột thịt trong gia đình, vì nếu chỉ nhìn bề ngoài, bây giờ sẽ không đoán biết được người đó có mang virus hay không” – BS Nguyễn Hữu Hưng cảnh báo.

Trả lời câu hỏi về việc Sở Y tế sẽ tiến hành những biện pháp gì để ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh xâm nhập cơ sở y tế khi trên địa bàn TP.HCM hiện đã có 64 nhân viên y tế bị nhiễm COVID-19, BS Nguyễn Hữu Hưng trả lời: “Toàn ngành y đã chỉ đạo nhân viên đeo khẩu trang, giữ 5K suốt quá trình làm việc, hạn chế tiếp xúc bên ngoài, nhân viên ngành y phải về nhà sau giờ làm. Ngoài ra, chúng tôi đã tổ chức xét nghiệm định kỳ cho nhân viên y tế toàn thành phố, đặc biệt là những đơn vị có nhiều nguy cơ. Những biện pháp này sẽ làm giảm thiểu lây lan COVID-19 tại cơ sở y tế rồi lây ra cộng động hoặc ngược lại, lây nhiễm từ cộng đồng vào cơ sở y tế”.