Lý do, theo Bộ Công thương, nhu cầu điện của Việt Nam đang tăng với mức trung bình là 11%/năm. Sản lượng điện của Việt Nam đã đạt 160 tỷ kwh/năm, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, thứ 30 trên thế giới.
Nhưng nếu tính bình quân đầu người, sản lượng điện của Việt Nam ở mức 1.750 kwh/người/năm, vẫn rất thấp so với bình quân nhiều nước. Do vậy, việc phát triển năng lực cấp điện đã thành việc cấp bách. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, sản lượng điện cả nước phải đạt 240 tỷ kwh và năm 2030 là 500 tỷ kwh...
Tuy nhiên, mục tiêu này đặt ra yêu cầu về vốn đầu tư phát triển nguồn cấp điện và mạng lưới cấp điện quá lớn. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020 cần khoảng 40 tỷ USD, giai đoạn 2021-2030 cần 108 tỷ USD.
Mặt khác, nhu cầu vốn đầu tư cho cung ứng điện càng những năm sau càng cao. Nếu như giai đoạn 2016 – 2010 mỗi năm cần trung bình, thì tới giai đoạn 2021-2030 trung bình mỗi năm cần tới 10,8 tỷ USD mỗi năm.
Hiện, có khoảng 40 dự án xây dựng nguồn điện và hàng trăm dự án xây dựng lưới truyền tải điện, nhưng đa phần đều đang thiếu vốn. Bài toán vốn cho phát triển điện, do thế, dường như quá khó để có lời giải.
Theo đề xuất của EVN, Bộ Công Thương nên đề nghị Chính phủ cho phép các dự án điện được vay lại nguồn vốn ODA và các nguồn vay ưu đãi nước ngoài theo đúng các điều kiện cho vay của nhà tài trợ. Đồng thời, cho phép bổ sung các dự án điện vào danh mục các dự án được vay tín dụng ưu đãi.
Tuy nhiên, với nhu cầu vốn như trên, thì khả năng ngay cả những đề xuất này nếu được thực hiện đủ, cũng khó cung cấp đủ cho chỉ một mình ngành điện.