Sẽ có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ phát triển các dự án điện mặt trời

VietTimes -- Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Thủ tướng Chính phủ thống nhất với đề xuất của Bộ Công Thương về việc xem xét ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam dưới hình thức Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Để hoàn thiện Dự thảo Quyết định ban hành Cơ chế phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội nước ta hiện nay, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương bổ sung quy định cụ thể hơn về quy hoạch định hướng đối với điện mặt trời ở nước ta (phát triển các dự án theo bản đồ bức xạ mặt trời, bổ sung các dự án điện sử dụng năng lượng mặt trời vào quy hoạch phát triển điện lực bao gồm cả phần đấu nối, trách nhiệm thực hiện v.v…).

Về cơ chế giá mua bán điện đối với các dự án điện mặt trời nối lưới: Quy định theo hướng giá mua bán điện tạm thời áp dụng thí điểm cho 3 năm tới (giai đoạn 2016 - 2018) đối với các dự án đã có trong quy hoạch phát triển điện lực được phê duyệt, các dự án thuộc khu vực có tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển. Bộ Công Thương rà soát, cập nhật giá thiết bị điện mặt trời đang có xu hướng tiếp tục giảm hiện nay để đưa ra mức giá mua bán điện phù hợp, đồng thời cần nghiên cứu, bổ sung thêm quy định để từng bước triển khai thực hiện đấu thầu các dự án điện mặt trời theo hướng công khai, minh bạch và giảm giá bán điện của các dự án.

Về cơ chế giá mua bán điện đối với các dự án điện mặt trời trên mái nhà, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương cập nhật giá thiết bị điện mặt trời đang có xu hướng tiếp tục giảm hiện nay để đề xuất cho phù hợp.

Đồng thời nghiên cứu, bổ sung thêm các quy định về quản lý đối với việc mua bán chứng chỉ giảm phát thải hiệu ứng nhà kính (CERs) đối với các dự án điện mặt trời.

Bộ Công Thương bổ sung, hoàn thiện quy định về nội dung miễn giấy phép đăng ký kinh doanh và không phải nộp các loại thuế, phí đối với các dự án điện mặt trời trên mái nhà (công suất lắp đặt không quá 50 kW) đảm bảo theo đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Bổ sung quy định, cơ chế nhằm khuyến khích phát triển sản xuất thiết bị điện mặt trời trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa dự án điện mặt trời để từng bước giảm bán điện của dự án điện mặt trời.

Tăng cường công tác giám sát cung - cầu điện

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương tăng cường công tác giám sát cung - cầu điện, tiến độ thực hiện các dự án nguồn và lưới điện trong quy hoạch được duyệt để thực hiện hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội; tính toán cơ cấu nguồn điện hợp lý, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và hiệu quả kinh tế hệ thống điện.

Đồng thời thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả các cơ chế hỗ trợ các nguồn năng lượng tái tạo đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành (cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió, điện sinh khối, phát điện sử dụng chất thải rắn), báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh nếu cần thiết.

Thủ tướng Chính phủ giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam giữ vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện đầu tư các dự án nguồn điện theo nhiệm vụ được giao, đầu tư phát triển các công trình lưới điện đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, đồng thời nghiên cứu triển khai thực hiện các dự án điện mặt trời tại các khu vực thuận lợi, có tiềm năng và tại các đảo xa bờ.

Khẩn trương hoàn thiện Chiến lược phát triển ngành Điện lực đến năm 2025

Thông tin từ VPCP, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương bổ sung, hoàn thiện Đề án Chiến lược phát triển ngành Điện lực Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2016.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương cần bổ sung, hoàn thiện Đề án một số nội dung sau:

Về khung thời gian của Chiến lược phát triển ngành Điện lực giai đoạn tới, Bộ Công Thương đề xuất khung thời gian phù hợp để Chiến lược sau khi được phê duyệt sẽ làm cơ sở để triển khai xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 có xét đến năm 2040.

Về đánh giá hiện trạng ngành Điện và thực hiện Chiến lược phát triển ngành Điện Việt Nam giai đoạn 2004 - 2010, định hướng đến năm 2020, Bộ Công Thương cần cập nhật số liệu chính thức ngành Điện năm 2015; bổ sung đánh giá kỹ hơn về thực hiện chiến lược phát triển lưới điện trong đó chú trọng đánh giá phát triển lưới điện đồng bộ với tiêu chí phát triển nhằm nâng cao độ tin cậy gắn với hiệu quả đầu tư và vận hành; đánh giá nội dung thực hiện giảm bớt cấp điện áp trung thế của lưới điện phân phối và tiến độ thực hiện; Chiến lược tài chính và huy động vốn đầu tư vào ngành Điện giai đoạn vừa qua, trong đó bổ sung số liệu cụ thể về tài chính và các cơ chế hoạt động của ngành Điện (cho tất cả các khâu sản xuất - truyền tải - phân phối và kinh doanh điện), thu hút vốn ODA, vốn đầu tư tư nhân trong nước, vốn FDI (chủ yếu theo hình thức Hợp đồng BOT), cổ phần hóa các đơn vị phát điện...

Về quan điểm phát triển ngành Điện, Phó Thủ tướng yêu cầu bổ sung, nhấn mạnh quan điểm phát triển bền vững ngành Điện; đa dạng hóa nguồn cung cấp điện cả trong nước và nhập khẩu, liên kết lưới điện với các nước láng giềng, trong đó chú trọng đến hợp tác mua bán điện với Lào nhằm bù đắp những thiếu hụt về điện khi phải giảm phát triển một số nguồn điện không đảm bảo an toàn và môi trường.

Về các chiến lược phát triển cụ thể cho các lĩnh vực, cụ thể về chiến lược phát triển nguồn điện, Phó Thủ tướng yêu cầu cập nhật các chỉ đạo hiện nay về phát triển điện hạt nhân để hiệu chỉnh các nội dung có liên quan. Trên cơ sở đó, cân đối lại chiến lược phát triển nguồn nhiệt điện than một cách hợp lý, đồng thời đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo theo Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015; bổ sung, làm rõ định hướng áp dụng công nghệ đối với phát triển nguồn nhiệt điện than (siêu tới hạn, trên siêu tới hạn, khí hóa than, công nghệ xử lý nhiên liệu và trộn than v.v…), gắn với vấn đề bảo vệ môi trường trong bối cảnh nước ta đã tham gia và cam kết tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21). Bổ sung tính toán và đề xuất định hướng phát triển hạ tầng phục vụ nhập khẩu than cũng như vận chuyển than hợp lý theo vùng miền trong toàn quốc; bổ sung, làm rõ định hướng phát triển các nguồn điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), phát triển hệ thống liên kết khí, thị trường khí…

Về chiến lược phát triển lưới điện, bổ sung các định hướng cụ thể về phát triển lưới điện đồng bộ theo hướng thông minh, hiện đại, trong đó có các nội dung về tự động hóa lưới điện, phát triển trạm biến áp không/bán người trực, đo đếm thông minh… Ngoài ra, cần rà soát và có kiến nghị cụ thể việc tiếp tục triển khai thực hiện giảm bớt cấp điện áp trung thế của lưới điện phân phối./.

X.T