Ước vọng tỷ đô của Tân Hiệp Phát
Theo báo cáo ngành thực phẩm và đồ uống việt Nam năm 2013, doanh thu và thị phần của Tân Hiệp Phát luôn đứng đầu toàn ngành. Tăng trưởng doanh thu hàng năm thường xuyên đạt con số ấn tượng, trung bình mỗi năm tăng hơn 2.000 tỷ đồng.
Doanh thu năm 2010 của Tân Hiệp Phát đạt 1.990 tỷ đồng, chiếm 18,54% thị phần, chỉ đứng sau công ty SPVB (trước đây là Pepsico Việt Nam và IBC). Năm 2011, doanh thu tăng lên hơn gấp đôi, đạt 4.051 tỷ đồng, thị phần tăng lên 23,27%, và đỉnh cao là năm 2012, khi doanh thu do tập đoàn của Trần Quý Thanh mang lại lên tới 6.142 tỷ đồng.
Thống kê doanh thu và thị phần 10 doanh nghiệp đầu ngành Nước giải khát năm 2012
Theo quyết định 2435/QĐ-BCT của Bộ Công thương về “Phê duyệt quy hoạch phát triển ngành bia- rượu- nước giải khát Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” sẽ “xây dựng ngành bia – rượu – nước giải khát Việt Nam thành một ngành kinh tế quan trọng, sản xuất ra nhiều sản phẩm đáp ứng như cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách nhà nước”.
Bộ Công thương cũng phấn đấu giai đoạn 2011-2015 sản lượng nước giải khát đạt 4 tỷ lít, đến 2015 sản lượng sẽ đạt 11 tỷ lít. Riêng tập đoàn Tân Hiệp Phát, khởi đầu với nhà máy nước chỉ đạt 1 triệu lít/ năm, đến năm 2014, công suất đã tăng lên 1 tỷ lít/năm, thường xuyên chiếm gần 25% thị phần đầy triển vọng này.
“Tập đoàn Tân Hiệp Phát đang nhắm đến mục tiêu đạt doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2018, trở thành một trong những tập đoàn hàng đầu châu Á ở lĩnh vực nước giải khát, bao bì và thực phẩm ăn liền”, Chủ tịch tập đoàn Trần Quý Thanh đã không giấu khỏi niêm tự hào vào buổi kỷ niệm 20 năm thành lập diễn ra tối 15/10 tại Bình Dương.
Con ruồi – cú giáng mạnh có thể làm tan tành giấc mơ
Theo ông Thanh, để hiện thực hóa mục tiêu, ngoài nhà máy đặt tại Bình Dương có tổng diện tích 40 ha, Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã xúc tiến triển khai các dự án đầu tư, xây dựng ba nhà máy nước giải khát hiện đại tại các tỉnh Hà Nam, Quảng Nam, Hậu Giang.
Đầu tháng 8 vừa qua, nhà máy Number 1 Hà Nam đã cho ra đời những sản phẩm đầu tiên. Nhà máy có tổng vốn đầu tư 1.780 tỷ đồng được xây dựng trên diện tích 26 ha, tổng công suất 600 triệu lít/năm, là một trong những nhà máy nước giải khát lớn nhất tại khu vực Bắc Bộ hiện nay. Nhà máy có dây chuyền đồng bộ, đầu tư mới 100%, hệ thống khép kín hoàn toàn tự động, sử dụng công nghệ chiết vô trùng Aseptic của Tập đoàn GEA - Procomac (Đức) và những công nghệ hiện đại nhất châu Âu.
Tân Hiệp Phát đặt mục tiêu từ nay đến năm 2018 có ít nhất 5 thương hiệu dẫn đầu thị trường nước giải khát không gas, trở thành tập đoàn hàng đầu châu Á ở 3 lĩnh vực: nước giải khát, thực phẩm và bao bì.
Dấu mốc quan trọng là tháng 8/2013, THP đã đầu tư 1,6 tỷ USD xây dựng Khu công nghiệp và Cảng quốc tế Dr.Thanh tại Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam.
Dự kiến khi hoàn thành vào năm 2018, dự án này sẽ thu hút được các đối tác, doanh nghiệp phụ trợ của ngành chế biến nông sản, thực phẩm và đồ uống. Tập đoàn Tân Hiệp Phát sẽ đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, thiết bị của 8 nhà máy nước giải khát, chế biến thực phẩm, bao bì, tinh bột, hạt nhựa và cảng quốc tế Dr.Thanh. Giai đoạn 1, dự kiến đến năm 2017, dự án sẽ được đầu tư 400 triệu USD để xây dựng cơ sở hạ tầng…
Tiếp đó, vào cuối năm 2013, Nhà máy nước giải khát lớn nhất khu vực Tây Nam Bộ - Nhà máy Number One Hậu Giang đã được đầu tư xây dựng trên diện tích 40 ha.
Về thành công của chiến lược truyền thông của Tân Hiệp Phát khi tung ra sản phẩm "nước tăng lực thương hiệu Việt" Number One, có một thống kê thú vị vào năm 2001, chỉ sau 5 giây xem quảng cáo, có đến 60% người tiêu dùng muốn dùng thử, 30% trong số đó trở thành khách hàng thường xuyên. Chỉ trong vòng 4 tháng tung ra sản phẩm, nước tăng lực Number 1 đã giành ngôi vị số 1 thị trường khi chiếm giữ 30% thị phần. Có những thời điểm Number 1 không đủ để cung cấp như trong dịp Tết Âm lịch hay lễ hội vào thời điểm đó.
Khi nhãn hiệu Number One ra đời, thị trường nước tăng lực Việt Nam chỉ có ba nhãn nhiệu là Red Bull, Rhino và Lipovitan và chỉ cung cấp các sản phẩm đóng lon, Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã quyết định đầu tư hẳn một nhà máy sản xuất nước tăng lực đóng chai tại Việt Nam. Không chỉ khác biệt ở hình thức đóng chai, Number 1 còn có thể dùng chung với đá mà không làm mất đi vị ngon của nước tăng lực và giá bán chưa bằng ½ nước tăng lực đóng lon thời đó.
Theo báo cáo ngành sản xuất nước giải khát không cồn Việt Nam của VietinbankSc tháng 4/2014, Number 1 hiện nay vẫn chiếm 30% thị phần nước tăng lực Việt Nam. Cho đến bây giờ, các chuyên gia kinh tế vẫn gọi nước tăng lực Number 1 của Tập đoàn Tân Hiệp Phát là một ‘hiện tượng’, một ví dụ điển hình trong việc thay đổi diện mạo thị trường nước giải khát, cũng như khẳng định vị thế doanh nghiệp nội.
Đầu tư trang thiết bị công nghệ hiện đại, quy trình khép kín vô trùng… là điều mà Tân Hiệp Phát luôn tự hào giới thiệu trên các phương tiện truyền thông nhưng sự kiện “một chai nước giải khát Number One có ruồi” cùng sự mặc cả “giá cho sự im lặng” từ 1 tỷ đồng xuống 500 triệu đột nhiên đẩy thương hiệu của ngài Trần Quý Thanh đến bờ vực nguy hiểm.
Đặc biệt trong mùa giáp Tết, thời điểm mà sức tiêu thụ mặt hàng nước giải khát tăng mạnh nhất trong năm, sự hoài nghi của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm - thậm chí chất lượng của cả thương hiệu về vệ sinh an toàn thực phẩm có thể là cú giáng mạnh nhất vào “giấc mơ tỷ đô” của Tân Hiệp Phát.
Theo ANTT
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu