Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) vừa đề xuất Chính phủ mua tạm trữ thóc, gạo với số lượng khoảng một triệu tấn bắt đầu từ 1/3 đến 15/4.
Cuộc họp có sự tham gia của Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, hiện nguồn cung lúa, gạo từ vụ lúa Đông Xuân 2014-2015 của các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đang cao, nhất là sản lượng trong tháng 2 và tháng 3 đã lên tới 3,65 triệu tấn quy gạo.
Trong khi đó, lượng hợp đồng xuất khẩu gạo trong quí 1/2015 đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Số liệu cụ thể từ VFA cho thấy, lượng hợp đồng đăng ký xuất khẩu gạo đến ngày 31/1/2015 chỉ khoảng 1 triệu tấn, trong đó còn 504.000 tấn từ năm 2014 chuyển sang.
Điều này khiến cung vượt qua cầu, kéo theo giá lúa gạo trong nước sẽ có xu hướng giảm đáng kể.
Để việc giảm áp lực về tiêu thụ, ổn định thị trường cũng như tạo điều kiện thu mua lúa gạo cho nông dân đảm bảo lợi nhuận tối thiểu trong thời gian tới, Bộ NNPTNT đề nghị Thủ tướng cho mua tạm trữ thóc, gạo với số lượng 1 triệu tấn quy gạo các loại được sản xuất trong vụ Đông Xuân 2014-2015 tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Phương thức tạm trữ sẽ thông qua đầu mối Hiệp hội Lương thực (VFA) phối hợp với UBND các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long giao chỉ tiêu mua tạm trữ lúa gạo cho các doanh nghiệp có tính đến sản lượng lúa hàng hóa của từng địa phương và ưu tiên tiêu thụ lúa hàng hóa từ cánh đồng mẫu lớn.
Nhà nước sẽ hỗ trợ lãi suất ngân hàng tối đa 4 tháng cho doanh nghiệp mua tạm trữ kể từ ngày mua đến hết 1/7.
Liên quan đến giải pháp thu mua tạm trữ lúa gạo, GS,VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam từng nhận định: Chính phủ đã đưa ra chính sách thu mua tạm trữ nhưng chính sách này cũng chưa phát huy được hết tác dụng của nó.
Theo GS Long, việc thu mua tạm trữ cũng chỉ mang tính chất tình thế. Thêm nữa doanh nghiệp cũng không mặn mà nên xu thế cũng giảm dần vì lý do tạm trữ thì sau này trả nợ cũng rất lo ngại.
"Hiện nay các giải pháp cũng đang lúng túng cũng không biết cách nào khác. Nhưng do lúa gạo đang nhiều nên không thể bán đổ, bán tháo được. Tuy nhiên trừ trước đến nay Nhà nước vẫn hỗ trợ các doanh nghiệp nhảy vào mua rồi dự trữ lúa gạo. Song tôi cho rằng tiền đó nếu hỗ trợ cho nông dân để người ta tự làm kho dự trữ có khi sẽ thuận lợi hơn", GS Trần Đình Long phân tích.
GS Võ Tòng Xuân cũng chỉ thẳng thực tế nhiều năm qua nông dân trồng lúa lời chưa tới 10%, thậm chí còn lỗ.
Vì vậy, chính sách tạm trữ cần được tính toán trong một cái nhìn toàn cảnh, chứ không thể là một giải pháp tình thế, khi lượng cung lớn hơn lượng cầu trong ngắn hạn.
Cần phải thay đổi phần gốc, đó là tổ chức lại sản xuất theo mô hình hợp tác xã, áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại.
"Thay vì đưa tiền cho DN thu mua tạm trữ thì thông qua các hợp tác xã "đưa tiền" trực tiếp cho nông dân để họ tạm trữ. Nông dân lấy tiền đó trả nợ ngân hàng và tái đầu tư sản xuất vụ mới. Khi giá lúa tăng, nông dân có thể bán lúa và trả tiền lại cho nhà nước", GS Võ Tòng Xuân bày cách.
Theo Đất Việt