Nhiều doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo tại ĐBSCL cho biết khoảng một tuần trở lại đây, giá lúa gạo đã quay đầu tăng trở lại và thông tin sắp mua tạm trữ càng làm giá lúa gạo tăng mạnh hơn.
Ông Từ Bảo Duy, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Hứa Ngọc Lợi (Sóc Trăng), cho biết hiện gạo nguyên liệu của giống lúa IR 50404 được các doanh nghiệp tại Cần Thơ mua vào với giá 6.300-6.400 đồng/kg và 7.150-7.200 đồng/kg đối với gạo thành phẩm, tăng tổng cộng 200-300 đồng/kg so với mức giá cách đây một tuần, đặc biệt tăng mạnh ngay sau thông tin mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo.
Trong khi đó, theo bà Ngô Ngọc Yến, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Yến Ngọc (TP.HCM), hiện gạo nguyên liệu IR 50404 tại chợ đầu mối lương thực Bà Đắc (huyện Cái Bè, Tiền Giang) có giá 6.300-6.400 đồng/kg và 7.200-7.500 đồng/kg đối với gạo thành phẩm (tùy loại), tăng 200-300 đồng/kg so với mức giá cách nay một tuần.
Giá gạo thơm nhẹ OM 4900 (gạo thành phẩm) cũng tăng nhẹ lên mức giá 8.700-9.200 (tùy vào chất lượng).
Riêng đối với giá lúa, bà Yến của Yến Ngọc cho biết hiện lúa IR 50404 tươi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp chỉ tăng nhẹ khoảng 100 đồng/kg so với mức giá hồi tuần trước, lên mức 4.200-4.300 đồng đồng/kg.
Ngoài tác động tích cực từ thông tin Chính phủ vừa quyết định mua tạm trữ, việc xuất khẩu tiểu ngạch sang Campuchia tăng mạnh cũng kích thích giá lúa gạo tăng mạnh trở lại thời gian gần đây.
Theo bà Yến, tuy có sự biến động hàng ngày, nhưng bình quân mỗi ngày chỉ riêng doanh nghiệp của bà bán qua Campuchia thông qua cửa khẩu Dinh Bà (Đồng Tháp) khoảng 500-600 tấn gạo. “Mang tiếng bán sang Campuchia, nhưng thật ra người mua là khách hàng từ Thái Lan với các chủng loại gạo phổ biến là: thơm lài, thơm ST và IR 50404”, bà Yến cho biết.
Dù không tiết lộ cụ thể về mức giá bán của từng chủng loại gạo, nhưng theo bà Yến, giá thấp nhất không dưới 385-390 đô la Mỹ/tấn, giao tại kho doanh nghiệp có trụ sở đặt ở phía Campuchia.
Còn ông Huỳnh Thế Năng, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), cho biết điểm mới của lần mua tạm trữ này là cho doanh nghiệp mua tất cả các loại gạo và tấm, “chứ những lần tạm trữ trước gạo tấm không được tính vào, gạo thơm và gạo nếp cũng chưa rõ ràng”, ông Năng nói.
Trả lời câu hỏi của TBKTSG Online về diễn biến của việc ký hợp đồng xuất khẩu gạo đến thời điểm này, ông Năng của Vinafood 2 không cho biết cụ thể số lượng hợp đồng đã ký nhưng ông khẳng định: “Tôi cho rằng, tình hình cũng không đến nỗi khó khăn như năm ngoái”.
Theo tìm hiểu của TBKTSG Online, chỉ tính riêng các hợp đồng đã thống kê được, tính đến thời điểm này, doanh nghiệp trong nước đã có lượng hợp đồng xuất khẩu ít nhất khoảng 1,24 triệu tấn, bao gồm khoảng 700.000 tấn của năm 2014 chuyển sang; 240.000 tấn vừa ký với Malaysia hồi đầu tháng 2 và 300.000 tấn thỏa thuận bán cho Cuba theo Biên bản thỏa thuận của kỳ 32, Ủy ban Liên chính phủ Việt Nam - Cuba được ký hồi đầu năm 2015.
Theo TBKTSG