Hôm 15.12, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường để bầu nhân sự cấp cao nhiệm kỳ VI (2015 - 2020).
Ứng viên HĐQT "có sai phạm", NHHH "không được báo cáo"
Trong tài liệu gửi đến cổ đông, có 8 nhân sự có mặt trong danh sách được công bố. Theo đó, danh sách gồm Cao Xuân Ninh, Lê Văn Quyết, Ngô Thanh Tùng, Đặng Anh Mai, Nguyễn Quang Thông, Hoàng Tuấn Khải, Naoki Nishizawa, Yasuhiro Saitoh. Nhân sự dự kiến làm thành viên độc lập là ông Lê Minh Quốc.
Ngoài ra còn có 5 người khác được đề cử làm thành viên Ban kiểm soát gồm ông Trần Lê Quyết, bà Phạm Thị Mai Phương, ông Trần Ngọc Dũng, ông Trịnh Bảo Quốc và ông Đặng Hữu Tiến.
Tuy nhiên, trong danh sách ứng cử vào HĐQT đưa ra tại đại hội lần này lại không có tên của ông Trần Ngô Phúc Vũ, ông Trần Ngọc Tâm như danh sách Eximbank đã công bố cách đây mấy ngày. Việc này đã gây ra những tranh cãi hết sức gay gắt trong phần tranh luận tại đại hội.
Trả lời vụ việc, ông Hà Thanh Hùng - Phó chủ tịch thường trực HĐQT Eximbank cho rằng trong thời điểm đương nhiệm tại Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank), ông Vũ và ông Tâm là thành viên Hội đồng tín dụng đã có sai phạm trong việc phê duyệt khoản tín dụng lớn sai mục đích. Do đó, các thành viên trong HĐQT quyết định không đưa tên ông Tâm và ông Vũ vào danh sách, đồng thời đã trình danh sách dự kiến các thành viên ứng cử cho Ngân hàng Nhà nước và phê duyệt đúng quy định.
Thế nhưng, ông Nguyễn Văn Dũng, Cục trưởng Cục thanh tra, giám sát ngân hàng TP.HCM lại cho biết, tính đến 17 giờ ngày 14.12, NHNN chưa nhận được văn bản nào do HĐQT của Eximbank gửi đến.
Về việc sai phạm của ông Vũ và ông Tâm tại Nam Á Bank, ông Dũng cho biết NHNN đã kiểm tra và cho rằng hiện tại sai phạm trên chưa làm mất mát tài sản gì. Do đó, chưa có căn cứ nào để nói 2 trường hợp này là sai phạm đạo đức trong việc xử lý tín dụng.
Cổ đông tranh cãi gay gắt tại đại hội (Ảnh: PD) |
Sẽ thoái vốn khỏi Sacombank
Ngoài những tranh cãi gay gắt về việc bổ nhiệm HĐQT mới, tại đại hội, bà Văn Thái Bảo Nhi, Phó tổng giám đốc Eximbank cũng đã báo cáo kết luận thanh tra của Cục thanh tra, giám sát ngân hàng TP.HCM (Cục II) đã thực hiện tại Eximbank.
Theo đó, trong thời gian tới, Eximbank sẽ thoái vốn khỏi Sacombank do một số cổ đông sở hữu vượt mức quy định 5% và sở hữu cổ phần chéo giữa Eximbank và Sacombank. Hiện tại, Eximbank đang sở hữu 9,5% cổ phần Sacombank. Trong khi đó, Sacombank cũng sở hữu 2,48% cổ phần Eximbank. Bà Nhi cho biết Eximbank đã gửi văn bản đến NHNN và Sacombank về việc thoái vốn nhằm đảm bảo đúng quy định.
Về sai phạm trong hoạt động tín dụng, Eximbank đã sai phạm quy chế cho vay, giải ngân bằng tiền mặt, chứng từ sử dụng vốn chưa đầy đủ, tài sản đảm bảo chưa được kiểm tra liên tục theo quy định.
Về thực trạng tài chính, tính đến ngày 31.12.2014, Eximbank đã lỗ lũy kế 1.618 tỉ đồng, nợ xấu 4.356 tỉ đồng. Trong đó, trích lập 710 tỉ đồng, xuất toán lãi dự thu 128 tỉ đồng, giảm thu nhập do bán bất động sản 831 tỉ đồng cho Eximland.
Ngoài ra, đại diện này cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, Eximbank đã bán 2.000 tỉ đồng nợ xấu cho VAMC, thu hồi 775 tỉ đồng nợ từ khách hàng, trích lập dự phòng 404 tỉ đồng, xuất lãi dự thu 260 tỉ đồng để bán nợ cho VAMC.
Khắc phục 831 tỉ đồng từ Eximland
Ngoài các sai phạm trên, Eximbank cũng xin ý kiến cổ đông một số vấn đề liên quan đến kết luận thanh tra. Đó là, Eximbank đã bán các bất động sản cho Eximland và cho Eximland vay để thực hiện mua các bất động sản này, đã hạch toán tăng thu nhập của Eximbank (không phải thu nhập từ hoạt động kinh doanh) đến thời điểm 31.12.2013 là 1.116,67 tỉ đồng.
Eximbank đã sử dụng thu nhập này để nộp thuế, trích lập quỹ và chia cổ tức cho cổ đông từ năm 2010 đến 2013. Đến nay Eximbank đã khắc phục được 284,83 tỉ đồng, còn 831,83 tỉ đồng phải tiếp tục chỉnh sửa.
Bên cạnh đó, việc mua bất động sản đã phát sinh một số khoản chi phí có liên quan cần phải xử lý, Thanh tra kết luận việc hạch toán vào thu nhập trong Eximbank vẫn còn quản lý và sử dụng bất động sản là chưa đúng quy định theo chuẩn mực kế toán và Thanh tra yêu cầu HĐQT phải xin ý kiến cổ đông tại ĐHCĐ để thông qua phương án khắc phục.
Phương án khắc phục được đưa ra là trong vòng 3 năm từ 2016 - 2018 xử lý và ủy quyền cho HĐQT đề xuất phương án chi tiết trình NHNN trước khi thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện cho cổ đông. Các cổ đông đã phản ứng không đồng ý thông qua phương án khắc phục này vì theo họ như vậy là hợp thức những sai phạm của Eximbank trước đây.
11 tháng chỉ hoàn thành được 55,2% kế hoạch
Tính đến hết ngày 30.11.2015, tổng tài sản của Eximbank đạt 127.078 tỉ đồng, giảm 21,15% so với đầu năm (tương đương 34.093 tỉ đồng). Trong năm, tổng tài sản giảm chủ yếu do vốn huy động trên thị trường liên ngân hàng giảm 35.543 tỉ đồng.
Tổng huy động vốn giảm 0,2%, đạt 101.280 tỉ đồng. Trong khi đó, tổng dư nợ tín dụng đạt 96.053 tỉ đồng, giảm 1,9% so với đầu năm.
Nợ xấu của Eximbank chiếm 1,82% tổng dư nợ, giảm 28% so với đầu năm, còn 1.538 tỉ đồng. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 552 tỉ đồng, hoàn thành 55,2% kế hoạch, trong đó lợi nhuận từ kinh doanh là 1.724 tỉ đồng, chi phí xử lý nợ xấu đã hạch toán trong năm là 1.172 tỉ đồng. Dự kiến từ nay đến cuối năm, Eximbank sẽ tiếp tục trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu.
Theo Phan Diệu - Một thế giới