Trong khi tổng tài sản và nhiều chỉ tiêu nội bảng của Eximbank liên tục giảm sâu thì hiện tượng nhảy vọt của các cam kết ngoại bảng là tương đối lạ.
Tăng đột biến
Cụ thể, theo Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên, tổng nghĩa vụ cam kết ngoại bảng của Eximbank đã tăng chóng mặt tới 2,63 lần chỉ trong vòng 6 tháng để cán mốc 81.227 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2015.
Số cam kết này là đặc biệt lớn về giá trị tuyệt đối lẫn giá trị tương đối với Eximbank, khi tương đương với 62,41% tổng giá trị tài sản (gần 130.159 tỷ đồng) của ngân hàng.
Quan sát kỹ hơn có thể thấy, điểm đột phá chủ yếu và duy nhất trong cam kết ngoại bảng của Eximbank là khoản mục “Cam kết giao dịch hoán đổi tiền tệ”. Mục này thể hiện sự vọt tăng tới 49.081 tỷ đồng (tương đương tăng tới…231%). Cam kết giao dịch hoán đổi tiền tệ cũng chiếm tới 87% tổng nghĩa vụ cam kết ngoại bảng của Eximbank.
Để thấy rõ sự tăng của chi tiêu này tại Eximbank sốc tới thế nào, có thể so sánh với chỉ tiêu tương tự của các ngân hàng lớn.
Theo báo cáo bán niên năm 2015, tại thời điểm 30/6/2015, tổng tài sản của Vietcombank là 615.575 tỷ đồng, gấp gần 5 lần Eximbank. Tuy nhiên, tổng nghĩa vụ cam kết ngoại bảng của Vietcombank chỉ là 65.863 tỷ đồng. Số liệu này khá ổn định so với đầu năm và kể cả so với số liệu trong báo cáo quý 3 mới được ngân hàng này công bố.
Quan trọng hơn là các nghĩa vụ cam kết ngoại bảng cũng chỉ tương đương với 10,7% giá trị tổng tài sản Vietcombank, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ tương ứng là 62,41% ở Eximbank.
Điểm lưu ý nữa là cam kết giao dịch hối đoái của Vietcombank chỉ là 9.000 tỷ đồng, trong khi ở Eximbank là hơn 72.000 tỷ đồng. Thực tế thì Vietcombank luôn là ngân hàng số 1 về các nghiệp vụ hối đoái, chứ không phải Eximbank.
Tại BIDV, thời điểm 30/6/2015 tổng giá trị tài sản ngân hàng này là 724.762 tỷ đồng, gấp 6 lần Eximbank. Tổng nghĩa vụ cam kết ngoại bảng của BIDV tại 30/6/2015 là 141.552 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm, nhưng chỉ bằng 19,53% tổng tài sản.
Tuy nhiên, cam kết giao dịch hối đoái ở BIDV chiếm tỷ trọng nhỏ trong các cam kết ngoại bảng. Và nhỏ hơn hẳn so với mức 87% (72.000 tỷ đồng) tổng giá trị cam kết ngoại bảng như ở Eximbank.
Chỉ có Vietinbank “đọ” được độ khủng về giá trị tuyệt đối “cam kết giao dịch hoán đổi” với Eximbank (cùng là hơn 70.000 tỷ đồng) . Nhưng tính về tỷ lệ thì nó hợp lý với quy mô tài sản của Vietinbank.
Cụ thể, tổng nghĩa vụ cam kết ngoại bảng của Vietinbank là 166.476 tỷ đồng, lớn nhất hệ thống về số tuyệt đối. Nhưng cũng chỉ bẳng 24,28% tổng tài sản (685.747 tỷ đồng) của ngân hàng này, chứ không tăng vọt và lớn tới bất thường như Eximbank. Cam kết ngoại bảng của Vietinbank cũng chỉ tăng 16,5% so với đầu năm (142.878 tỷ đồng), và cũng không sốc như Eximbank.
Điều gì đang diễn ra?
Về giao dịch hoán đổi tiền tệ, nghiệp vụ này được NHNN định nghĩa như sau: Giao dịch hối đoái hoán đổi là giao dịch bao gồm việc mua và bán cùng một lượng ngoại tệ (chỉ có hai đồng tiền được sử dụng trong giao dịch) với cùng một đối tác, trong đó một giao dịch có thời hạn thanh toán giao ngay và một giao dịch có thời hạn thanh toán xác định trong tương lai và tỷ giá của hai giao dịch được xác định đồng thời tại thời điểm xác nhận giao dịch giao ngay).
Còn theo nhiều lãnh đạo ngân hàng: Ngoại bảng là cam kết bảo lãnh của ngân hàng, chưa thực hiện, sẽ thực hiện trong tương lai. Một khi khách hàng không trả được, ngân hàng trả thay, rủi ro cao, giống như bom hẹn giờ, nó có thể trở thành nợ xấu, và bắt buộc phải đưa vào nội bảng.
Ngoại bảng còn là những cam kết của khách hàng trả nợ, trả lãi vay, khi ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro thì đưa ra ngoại bảng. Nếu ngân hàng thu hồi được, thì coi như tăng thêm thu nhập vì đã trích lập dự phòng. Trong ngoại bảng, phần “cam kết giao dịch hối đoái” thường được hiểu là L/C trả chậm.
Thực tế là, tốc độ tăng trưởng “cam kết giao dịch hoán đổi tiền tệ” của Eximbank trong 6 tháng đầu năm 2015 (từ khoảng 21.000 tỷ đồng cuối năm 2014 lên tới khoảng 72.000 tỷ đồng) là hiếm gặp, nếu không nói là chưa từng xuất hiện trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Do cam kết giao dịch hối đoái thường áp dụng cho nghiệp vụ L/C, mua bán ngoại tệ, nên cũng có thể hiểu, doanh nghiệp khách hàng cũng phải có lượng tài sản tương đương đưa vào ngân hàng, đảm bảo nghĩa vụ được cam kết.
Nói cách khác, để có quy mô 72.000 tỷ đồng (tại báo cáo bán niên), hay 44.000 tỷ đồng (tại báo cáo quý III/2015), thì Eximbank phải nắm giữ được lượng tài sản, hoặc tiền mặt tương đương với giá trị đã được ghi nhận tại bảng theo dõi các chỉ tiêu ngoại bảng này.
Điều đó có thể sẽ gây tò mò. Những khách hàng của Eximbank hẳn phải rất…dũng cảm, khi bỏ tài sản trị giá tới 72.000 tỷ đồng (tương đương 3,5 tỷ USD) chỉ trong 6 tháng vào ngân hàng mà nửa đầu 2015 cũng là giai đoạn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện thanh tra toàn diện Eximbank.
Thế nên, sẽ thú vị khi đặt câu hỏi các khách hàng của Eximbank đã “thả” vào ngân hàng này những tài sản gì để “được” ngân hàng này cam kết? Trả lời câu hỏi này, có thể “nhìn” lại hiện tượng có tính phổ biến, đó ngay trong giai đoạn thịnh vượng, tăng trưởng nóng, cũng hiếm đại gia nào có đủ tài sản thực trị giá vài nghìn tỷ đồng để thế chấp cho ngân hàng.
Mà “tài sản” thế chấp thông thường sử dụng trong các thương vụ trăm tỷ, nghìn tỷ này, lại thường là các loại cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp “sân sau” của đại gia ấy phát hành. Vậy thì có hay không việc không ít các tài sản ảo này đã được “đảo” thành các tài sản thế chấp của nghiệp vụ cam kết hoán đổi hối đoái vốn nằm ngoài sự theo dõi nội bảng. Tức là ít bị cơ quan chức năng “soi” hơn ? Và sẽ không bất ngờ khi tại báo cáo tài chính một vài ngân hàng khác, các chỉ tiêu ngoại bảng cũng đột ngột tăng trưởng thần kỳ, giống như tại Eximbank.
Theo Phap luật và Xã Hội