Chuyên gia nói về hậu quả của test nhanh kháng thể dẫn tới "thả virus" ra cộng đồng (Ảnh: Hòa Bình) |
Vì sao test nhanh kháng thể âm, Realtime RT-PCR dương
Theo thông tin từ Bộ Y tế vừa công bố sáng nay, trường hợp mới nhất, bệnh nhân 979 của Hà Nội là nữ, 33 tuổi, làm kế toán tại Công ty TNHH Incheng (địa chỉ tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm), thường trú tại tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, đi du lịch Đà Nẵng từ ngày 19-24/7 cùng công ty.
Sau khi được tin Đà Nẵng bùng phát dịch bệnh, BN tự thực hiện cách ly tại nhà sau khi về từ 25 – 31/7, được làm test nhanh ngày 31/7 cho kết quả âm tính. Ngày 1/8, BN đi làm trở lại, giao tiếp với rất nhiều đồng nghiệp, dự 7 cuộc liên hoan, ngày 16/8 được Trung tâm Y tế quận Tây Hồ lấy mẫu gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm Realtime RT-PCR, cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Lại thêm một trường hợp nữa nhận kết quả âm giả của test nhanh kháng thể có thể gây hậu quả nặng nề “thả virus” ra cộng đồng.
Trao đổi về trường hợp của BN979, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, lo lắng nói: “Rất cần cảnh báo mạnh mẽ về tình trạng âm giả dẫn tới có thể “thả virus” ra cộng đồng. Bệnh nhân nhận kết quả xét nghiệm âm tính ngày hôm trước hôm sau đi làm luôn, đi giao lưu với rất nhiều người, vì tự tin là mình đã âm tính rồi”.
BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM (Ảnh: Hòa Bình)
|
“Như tôi đã phân tích, rất tiếc hiện nay test nhanh kháng nguyên ở Việt Nam chưa phổ biến, các tỉnh, thành phố chủ yếu sử dụng test nhanh kháng thể. Mà test nhanh kháng thể chỉ cho phép phát hiện những người đã có kháng thể trong máu, đây có thể là những người đã mắc bệnh trước đó một thời gian khá dài. Thường kháng thể chỉ xuất hiện sau khi đã khỏi bệnh một tuần hoặc lâu hơn. Chính vì thế, kết quả âm giả khiến người bệnh chủ quan, vẫn đi lại giao tiếp với xã hội bình thường” – BS Châu buồn bã nói.
BS Châu cung cấp thêm thông tin: “Nên lưu ý là có đến gần 40% trường hợp ca nhiễm là không có triệu chứng; tuy nhiên các ca này hoàn toàn có thể trở thành nguồn lây phát tán mạnh virus nếu không có biện pháp cách ly ngăn chặn lây lan. Với TP.HCM thì từ đầu đến giờ vẫn đang làm xét nghiệm Realtime RT-PCR cho toàn bộ người về từ Đà Nẵng”.
Dương giả không nguy hiểm như âm giả
Trao đổi về vấn đề này, BS Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm, Thần kinh, BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM) khẳng định: “Kết quả test nhanh kháng thể âm tính chỉ thể hiện rằng cách thời điểm xét nghiệm một tháng người đó chắc chắn không nhiễm bệnh. Còn tại thời điểm xét nghiệm, người được xét nghiệm có nhiễm bệnh hay không thì không biết”.
“Test nhanh kháng thể do đó nếu cho kết quả dương tính thì giúp kết luận người này hoặc đang mắc bệnh với thời gian bệnh đã kéo dài từ 7 ngày trở lên, hoặc đã từng bị bệnh trước đây (từ vài tháng đến một năm), hoặc đã được chích vắc-xin COVID-19 và đã có miễn dịch” – BS Khanh thông tin thêm.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm, Thần kinh (BV Nhi Đồng 1, TP.HCM) (Ảnh: Hòa Bình)
|
Sở dĩ như vậy, là vì kháng thể sẽ xuất hiện trong máu sau một tuần mắc bệnh và nồng độ kháng thể sẽ tăng cao dần. Có ý kiến cho rằng test kháng thể rất cần. Vì khi dịch tràn lan, nhiều người ko có triệu chứng hoặc bị nhẹ đã khỏi, trong cơ thể vẫn còn kháng thể. Rất cần xác định những người này, truy vết và khoanh vùng, cách ly.
Nhưng một số tỉnh thành phố đã dùng test nhanh kháng thể khi người mang bệnh mới nhiễm virus, cơ thể chưa kịp sinh ra kháng thể, vừa lãng phí, vừa gây tâm lý chủ quan cho người nghĩ mình đã âm tính với COVID-19 và cứ thế “thả virus” vào cộng đồng.
Nói ngắn gọn thì test nhanh tìm kháng nguyên nghĩa là tìm thành phần cấu tạo nên con virus, có tác dụng xác định nhanh đối tượng nhiễm bệnh và truy vết toàn bộ các F1, F2… để cách ly. Còn test nhanh tìm kháng thể là tìm kiếm chất mà cơ thể tạo ra để chống lại khi bị con virus xâm nhập. Test nhanh tìm kháng thể, theo các chuyên gia, chỉ có tác dụng đánh giá dịch tễ học trong cộng đồng xem có bao nhiêu người đã nhiễm.
“Biện pháp test nhanh tìm kháng thể chỉ nên sử dụng khi con số nhiễm trong cộng đồng đã rất cao. Bởi vì người được test nhanh tìm kháng thể có thể nhận kết quả dương tính khi đã nhiễm chéo vài loại virus khác. Đây là tỷ lệ dương giả, không nguy hại lắm cho cộng đồng. Thường thì những người dương giả sẽ nhận kết quả âm tính khi xét nghiệm lại với Realtime RT-PCR” – BS Khanh giải thích.